Đại dịch COVID-19 khiến tỉ lệ sinh ở Italy xuống mức thấp nhất trong hơn 150 năm

Tỉ lệ sinh của Italy được dự đoán còn giảm hơn nữa, khi tình trạng suy thoái kinh tế và bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra đang ngày càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của quốc gia châu Âu này.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ bế con trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Naples, Italy hồi tháng 4. Ảnh: Shutterstock

Theo trang The Guardian (Anh), trong khi số ca tử vong đã lên tới 647.000 người, Italy chỉ ghi nhận 420.000 ca sinh vào năm 2019, tỉ lệ thấp nhất kể từ khi quốc gia này thống nhất vào năm 1861.

Theo ước tính gần đây bởi cơ quan thống kê quốc gia Istat, tỉ lệ sinh của nước này có thể giảm xuống chỉ còn khoảng 408.000 ca trong năm nay, trong khi đó, virus SARS-CoV-2 khiến các ca tử vong vượt trên 700.000 người.

“Hoàn toàn hợp lý khi đưa ra giả thuyết rằng bầu không khí lo lắng, không chắc chắn và những khó khăn ngày càng gia tăng do các sự kiện gần đây tạo ra, có tác động tiêu cực đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng Italy”, ông Gian Carlo Blangiardo, Giám đốc Istat, nhận định.

Bên cạnh tổng số ca tử vong dự kiến trong năm 2020, ông Blangiardo cho rằng tỉ lệ sinh thấp là tình trạng đáng lo ngại. Ông cho biết điều tương tự đã xảy ra hồi năm 1944 khi Itlay đang ở trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Italy, quốc gia đầu tiên của châu Âu bị virus SARS-CoV-2 tấn công, đã hai lần phải hứng chịu làn sóng bùng phát dịch COVID-19 tàn khốc, với trên 67.000 ca tử vong được xác nhận kể từ cuối tháng 2. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp của nước này được dự đoán sẽ tăng từ 9,4% trong năm nay lên 11% vào năm 2021.

Trong đó, phụ nữ là đối tượng phải gánh chịu hậu quả kinh tế nặng nề trong đại dịch. Nhiều người đã bị mất việc làm hoặc buộc phải rời đi, nhiều trẻ em thậm chí còn không được đến trường.

Chú thích ảnh
Italy đang dần trở thành đất nước của những người lớn tuổi khi nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con trong những bất ổn. Ảnh: Rex

Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, ít hơn một nửa số phụ nữ Italy trong độ tuổi lao động có việc làm. Nhiều người trong số những phụ nữ mang thai phải bỏ việc vì không thể sắp xếp thời gian cho công việc và cuộc sống gia đình. Hơn nữa, số lượng trung tâm chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng ít ỏi và điều kiện làm việc không linh hoạt là một trong những lý do chính.

“Tại Italy, điều này đặc biệt nghiêm trọng. Bất bình đẳng giới, thiếu việc làm và dịch vụ chăm sóc trẻ em làm nổi bật vấn đề này trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm tăng mức độ nghiêm trọng và không chắc chắn. Thực tế là có rất nhiều người hiện đang mất việc làm. Nhiều người tự hỏi bản thân: ‘Nếu tôi có một đứa con hôm nay, ai biết được liệu ngày mai tôi có còn việc làm không?’”, Giorgia Serughetti, nhà xã hội học tại Đại học Milan-Bicocca, cho biết.

Trong một cuộc họp gần đây tại một hiệp hội phụ nữ ở Rome, Serughetti cho biết quan điểm phụ nữ lựa chọn không sinh con được nêu ra như một kiểu "phản kháng thầm lặng" chống lại các điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn mà họ buộc phải đối mặt.

Hồi đầu năm, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho biết tỉ lệ sinh giảm của quốc gia là một vấn đề liên quan đến sự sinh tồn của đất nước: “Là một người cao tuổi, tôi nhận thức rõ về tính trầm trọng khi tỉ lệ sinh đang giảm”.

Theo Istat, tại Italy, cứ 5 người trên 65 tuổi thì có một trẻ em.

“Dân số già là một vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thống an sinh xã hội của đất nước, không chỉ về kinh tế và việc trả lương hưu. Vấn đề khác là đất nước sẽ già đi, ít người trẻ hơn đồng nghĩa với việc ít năng lượng và ý tưởng hơn”, nhà xã hội học Serughetti nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Italy đặt quốc gia vào 'vùng đỏ'
Italy đặt quốc gia vào 'vùng đỏ'

Ngày 24/12, Italy bắt đầu thực thi các quy định "vùng đỏ" trên cả nước sau khi số ca mắc mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh trong những ngày cuối năm, theo đó các biện pháp phong tỏa chống dịch sẽ được duy trì trong suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới kéo dài đến ngày 6/1/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN