Đại dịch COVID-19 có thể đẩy thêm hơn 200 triệu người vào cảnh nghèo đói

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 3/12 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thế giới sẽ có thêm 207 triệu người có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực đến trước năm 2030 do những tác động nghiêm trọng kéo dài của đại dịch COVID-19, nâng tổng số người sống trong tình cảnh này lên hơn 1 tỷ người. 

Chú thích ảnh
Trẻ em bị suy dinh dưỡng điều trị tại bệnh viện ở Hajjah, Yemen. Ảnh: THX/TTXVN

Nghiên cứu trên đã đưa các kịch bản khác nhau về quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19 nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), cũng như đánh giá những tác động đa chiều của dịch bệnh trong thập kỷ tới. Theo kịch bản "COVID cơ bản", dựa trên tỷ lệ tử vong do đại dịch hiện nay và dự báo tăng trưởng kinh tế mới đây nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch COVID-19 sẽ đẩy thêm 44 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030 so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay. 

Tuy nhiên, kịch bản "thiệt hại lớn", trong đó quá trình hồi phục bị kéo dài, cho rằng đại dịch hiện nay có thể đẩy thêm 207 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030 và làm gia tăng số người nghèo là nữ giới. Kịch bản này đồng thời dự báo rằng 80% cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra sẽ tiếp diễn trong 10 năm tới do năng suất lao động sụt giảm, từ đó cản trở sự phục hồi hoàn toàn về mức tăng trưởng như trước đại dịch. 

Trong kịch bản "thúc đẩy các SDG", UNDP cho rằng nếu tập trung cao độ vào việc đạt được các SDG, thế giới có thể giúp 146 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực, thu hẹp khoảng cách đói nghèo về giới và giảm số người nghèo là nữ giới, dù có tính đến những tác động hiện nay của đại dịch. UNDP đánh giá kịch bản này đầy tham vọng nhưng không phải bất khả thi. Nghiên cứu trên của UNDP cũng đưa ra những đề xuất để thế giới đạt được các SDG trong bối cảnh đại dịch.

Theo đó, các nước cần phối hợp để thúc đẩy cả chính phủ và người dân cùng hành động, như cải thiện hiệu quả trong quản trị, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm, năng lượng và nước sạch. Đề xuất cũng tập trung vào sự hợp tác toàn cầu về hành động chống biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư vào quá trình hồi phục sau đại dịch và cần cải thiện khả năng truy cập băng thông rộng cũng như đổi mới công nghệ. 

Nghiên cứu là một phần trong báo cáo đầu tiên của UNDP về tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc đạt được các SDG. Nghiên cứu tập trung vào những ảnh hưởng của đại dịch đối với sự nghèo đói, giáo dục, y tế, dinh dưỡng và bình đẳng giới - các vấn đề được đề cập trong các mục tiêu về con người của Chương trình nghị sự 2030. Dự kiến, vào đầu năm 2021, UNDP sẽ có các nghiên cứu tiếp theo về tác động của đại dịch đối với các khía cạnh khác của Chương trình nghị sự 2030, trong đó tập trung vào sự thịnh vượng, hòa bình và hành tinh.

Trần Quyên (TTXVN)
LHQ: COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở nhiều quốc gia
LHQ: COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở nhiều quốc gia

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn một báo cáo mới của tổ chức này công bố hôm 3/12 cho biết đại dịch COVID-19 có thể đẩy 32 triệu người ở các nước kém phát triển nhất thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN