Theo Báo cáo tổng quan về tình hình nhân đạo toàn cầu năm 2021 của LHQ, cứ 33 người thì sẽ có 1 người cần được viện trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như lương thực, nước sạch và vệ sinh vào năm 2021, tăng 40% so với năm nay - năm có tỷ lệ người cần viện trợ là 1/45, cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Theo đó, toàn thế giới sẽ có 235 triệu người cần được viện trợ, trong đó tập trung tại Syria, Yemen, Afghanistan, CHDC Congo và Ethiopia.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, trong khi ngân sách viện trợ nhân đạo đang có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra những tác động tàn khốc.
Báo cáo cho biết trong năm 2020, các nước đã chi kỷ lục 17 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo tập thể, đáp ứng 70% số người nằm trong diện cần viện trợ, tăng 6% so với năm trước đó. Tuy nhiên, LHQ cảnh báo rằng khoản viện trợ này chưa bằng một nửa nhu cầu thực tế là 35 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói lan rộng, chống đói nghèo và giúp trẻ em được đến trường. Do đó, LHQ kêu gọi các nước giàu trên thế giới đóng góp tài chính mạnh mẽ hơn.
LHQ cũng cho biết việc đóng cửa các trường học đã ảnh hưởng đến 9/10 học sinh trên toàn thế giới, với gần 24 triệu trẻ em có nguy cơ không thể quay lại trường học trong năm 2020. Cũng theo LHQ, khi đại dịch COVID-19 gây trở ngại cho các hệ thống cung ứng lương thực, nạn đói càng trở nên trầm trọng hơn.
Theo báo cáo, số tiền chi cho các nhu cầu viện trợ lương thực trong năm nay là 9 tỷ USD, tăng so với 5 tỷ USD vào năm 2015.
Theo trang thống kê worldometers.info, hiện toàn thế giới ghi nhận trên 63,6 triệu ca nhiễm, trong đó trên 1,4 triệu ca tử vong do COVID-19.