Phát biểu trên đài truyền hình Fuji TV trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 29/9 tới, các ứng cử viên gồm ông Seiko Noda - quyền Tổng thư ký của LDP; bà Sanae Takaichi - cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông cùng cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida khẳng định rằng việc tái chế nhiên liệu hạt nhân là cần thiết để bảo đảm cung cấp năng lượng ổn định cho Nhật Bản.
Theo ông Seiko Noda, việc tái chế nhiên liệu là cần thiết để đảm bảo cung cấp điện ổn định. Quá trình này liên quan đến việc thu hồi plutoni từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để tái chế trở lại thành nhiên liệu mới.
Trong khi đó, ông Fumio Kishida và bà Sanae Takaichi cho biết các công ty điện lực không thể vận hành các nhà máy điện hạt nhân, nếu Nhật Bản ngừng chương trình tái chế nhiên liệu. Hai ứng cử viên này cũng ủng hộ việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân hiện đang không hoạt động ở Nhật Bản và đưa vào hoạt động các lò phản ứng tổng hợp hạt nhân như một phần trong nỗ lực đạt được mục tiêu không phát thải khí carbon vào năm 2050.
Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính và chống đại dịch COVID-19 - ông Taro Kono là ứng cử viên duy nhất kêu gọi loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, cho rằng Nhật Bản nên dừng hoạt động tái chế nhiên liệu “sớm nhất có thể”. Ông cũng phản đối các đề xuất của ông Kishida và bà Takaichi về việc xây dựng các lò phản ứng môđun nhỏ do hoạt động này không hiệu quả về mặt kinh tế và ông không thấy bất kỳ địa điểm nào ở Nhật Bản phù hợp để vận hành những lò phản ứng này.
Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã ngừng hoạt động kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Các lò phản ứng môđun nhỏ được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn và vận hành an toàn hơn các lò phản ứng thông thường, trong khi các lò phản ứng tổng hợp hạt nhân không thải ra chất thải phóng xạ nồng độ cao.