Trong một bài phỏng vấn độc quyền với hãng tin Reuters, ông Ri Il-Gyu tiết lộ Triều Tiên đang nỗ lực đưa ra chiến lược đàm phán mới.
Ông Ri Il-Gyu là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc kể từ năm 2016.
Theo ông này, Triều Tiên đã đặt Nga, Mỹ và Nhật Bản là những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu trong năm nay.
Ông Ri cho biết trong khi tăng cường quan hệ với Nga, Bình Nhưỡng mong muốn mở lại các cuộc đàm phán hạt nhân nếu ông Trump - người có chính sách ngoại giao chưa từng có với Triều Tiên trong nhiệm kỳ trước - tái đắc cử vào tháng 11.
Theo ông Ri, các nhà ngoại giao của Bình Nhưỡng đang vạch ra một chiến lược cho kịch bản đó, với mục tiêu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các chương trình vũ khí của nước này, loại bỏ việc nước này bị coi là quốc gia tài trợ cho khủng bố và kêu gọi viện trợ kinh tế.
Những tiết lộ của cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên dường như báo hiệu một sự thay đổi tiềm tàng đối với lập trường hiện tại của Bình Nhưỡng sau những tuyên bố gần đây loại bỏ khả năng đối thoại với Mỹ và cảnh báo về đối đầu vũ trang.
Theo tờ Japan Times, các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đã bị đình trệ kể từ tháng 2/2019. Kể từ đó đến nay, tình hình bán đảo Triều Tiên nóng trở lại và có chiều hướng leo thang nhanh chóng, đặt khu vực vào thế "báo động đỏ" về nguy cơ xung đột.
Có thể nói bán đảo Triều Tiên đã bước vào một chu kỳ leo thang căng thẳng mới trong bối cảnh Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật- Hàn mở rộng các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và Triều Tiên gia tăng các vụ thử vũ khí, trong đó có thử tên lửa, bao gồm cả những tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Sau mỗi hành động phô trương sức mạnh quân sự, hai bên lại chỉ trích lẫn nhau về việc biến bán đảo Triều Tiên trở thành "thùng thuốc súng".