Những số liệu mới được công bố cho thấy một điều rằng sự rối ren hiện nay đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh.
Theo hãng cung cấp dữ liệu IHS Markit, khảo sát chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) hàng tháng được thực hiện với các doanh nghiệp cho thấy, kinh tế Anh trên đà tăng trưởng chỉ 0,1% trong quý IV/2018. Với số liệu về PMI, tháng 11 và tháng 12/2018 là hai tháng chứng kiến lòng tin của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ chủ chốt của nền kinh tế yếu nhất kể từ tháng 3/2009, gần với mức thấp được ghi nhận trong cuộc suy thoái gần đây nhất. PMI của lĩnh vực dịch vụ theo khảo sát của IHS Markit/CIPS tăng nhẹ hơn dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters, lên 51,2 điểm trong tháng 12, nhưng là một trong những mức tăng thấp nhất kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.
Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho thấy mức tăng trưởng cho vay tiêu dùng hàng năm giảm từ 7,4% trong tháng 10/2018 xuống 7,1% trong tháng 11/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015. Số liệu này cũng ăn khớp với các số liệu từ nhiều nhà bán lẻ cho thấy người tiêu dùng đang hạn chế chi tiêu vào cuối năm ngoái.
BoE cũng cho biết số khoản vay thế chấp mua nhà được cấp giảm xuống 63.728 trong tháng 11/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018. Ngân hàng cho vay thế chấp Nationwide cho biết giá nhà giảm 0,7% trong tháng 11/2018, mức giảm trong tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2012.
Giới doanh nghiệp Anh cũng tỏ ra khá bi quan về triển vọng kinh tế sau Brexit. Thăm dò của Viện Các giám đốc của Anh (IoD) tiến hành tháng 12/2018 cho biết lãnh đạo các doanh nghiệp Anh không mấy lạc quan tin tưởng vào "sức khỏe" nền kinh tế Anh, những lo lắng về triển vọng kinh tế 2019 ngày một gia tăng trong những tháng cuối của năm 2018.
Kết quả điều tra cho thấy những bế tắc trong tiến trình Brexit đã khiến niềm tin về độ lành mạnh nền kinh tế Anh của giới doanh nghiệp rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý Brexit tháng 6/2016. IoD đã tiến hành phỏng vấn 724 giám đốc doanh nghiệp Anh trong tháng 12/2018, kết quả cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp vào kinh tế "xứ sở sương mù" đã sụt giảm mạnh kể từ mùa Xuân 2018. Kết quả điều tra thăm dò tháng 4/2018 cho thấy số các giám đốc lạc quan với kinh tế Anh nhiều hơn số người bi quan là 3%, nhưng đến cuộc điều tra thăm dò tháng 12/2018, số giám đốc bày tỏ bi quan với nền kinh tế nước này nhiều hơn số người lạc quan là 38%.
Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết tình trạng chung của nền kinh tế và mối quan hệ thương mại dài hạn bất ổn định của Anh với EU là hai vấn đề họ lo lắng nhất trong năm 2019. Kinh tế Anh tăng trường chậm trong năm 2018 là do năng suất lao động kém và do tình trạng bất ổn định do Brexit đem lại.
Chính phủ Anh và EU đã nhất trí về thỏa thuận Brexit tháng 11/2018. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải được Hạ viện Anh thông qua. Trước sự phản đối công khai của nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau, ngày 11/12/ 2018, Thủ tướng Anh Theresa May đã hoãn việc trình dự thảo này ra Hạ viện sang tháng 1/2019 để có thêm thời gian thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận. Nhà kinh tế học Tej Parikh thuộc IoD nhận định giới lãnh đạo doanh nghiệp Anh cho rằng kinh tế nước nhà sẽ nhiều chao đảo trong năm 2019. Ông này cho rằng chính những bất ổn định do Brexit mang lại đã ảnh hưởng đến tâm lý các doanh nghiệp, khiến họ trì hoãn đầu tư, hay đưa ra quyết định thuê mướn nhân công và đưa ra thị trường các sản phẩm mới, điều này khiến năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Anh bị giảm sút.
Chỉ số niềm tin của giới chủ doanh nghiệp Anh tại London và Scotland là thấp nhất, đây là những khu vực có tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU cao nhất trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Tỷ lệ lạc quan đối nền kinh tế Anh trong năm tới cao nhất được ghi nhận bởi các lãnh đạo doanh nghiệp vùng Tây Nam và Đông Bắc xứ England (Inh-lân), nơi tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU cao hồi năm 2016.