Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) ở Caracas ngày 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela lần này diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay xuất phát từ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, cũng như sức ép từ bên ngoài.
Ngay khi Quốc hội lập hiến Venezuela được thành lập hồi giữa năm 2017, phe đối lập cánh hữu đã phản ứng quyết liệt, thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình gây bất ổn xã hội. Cùng với đó, một cuộc chiến kinh tế cũng được ráo riết phát động thông qua các hoạt động như phá hoại các nhà máy và hệ thống phân phối điện; đầu cơ, tích trữ quy mô lớn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường; tuồn trái phép đồng nội tệ Bolivar với số lượng lớn ra nước ngoài gây khan hiếm tiền mặt ở trong nước hòng gây hỗn loạn thị trường tài chính tiền tệ.
Mặc dù cơ quan chức năng Venezuela đã đấu tranh quyết liệt với những âm mưu phá hoại này, song cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Venezuela, vốn đã lâm vào khủng hoảng do giá dầu mỏ, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, giảm mạnh. Tình trạng lạm phát phi mã vẫn chưa được kiềm chế, các nhu yếu phẩm, thuốc men chủ yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân vẫn khan hiếm. Venezuela thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ giữa lúc đang phải hứng chịu nhiều lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Mặt khác, Venezuela cũng phải đối mặt với những sức ép từ Mỹ và các thế lực thù địch bên ngoài. Cùng với việc siết chặt trừng phạt, Washington liên tục dùng chiêu bài “dân chủ” để chỉ trích Chính phủ Venezuela, bao gồm cả việc nước này tổ chức bầu cử sớm. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước ở Mỹ Latinh đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử lần này, đồng thời yêu cầu Chính phủ Venezuela phải hoãn tổ chức bầu cử.
Mặc dù vậy, Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định cuộc bầu cử vẫn sẽ diễn ra một cách minh bạch và dân chủ bởi vì đây là ý nguyện của nhân dân Venezuela, và mọi âm mưu phá hoại tiến trình cách mạng Bolivar đều sẽ thất bại trước sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Nhà lãnh đạo cánh tả này đã nhiều lần tố cáo Mỹ và các thế lực cánh hữu tại Mỹ Latinh, được Washington giật dây và tài trợ, cổ vũ và trực tiếp giúp lực lượng đối lập Venezuela gây ra tình trạng bất ổn xã hội tại Venezuela trong suốt quá trình cách mạng Bolivar nắm quyền.
Bước vào chiến dịch tranh cử lần này, đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền vẫn khẳng định được vị thế là lực lượng chính trị hùng hậu nhất tại quốc gia Nam Mỹ. Các hoạt động tập hợp lực lượng từ cấp cơ sở vẫn thu hút được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân và đến nay PSUV đã quy tụ được gần 6 triệu đảng viên được cấp thẻ đảng. Cùng với đó, việc PSUV liên minh với một số đảng cánh tả khác, trong đó có đảng Cộng sản Venezuela, tạo thành khối Mặt trận Mở rộng của Tổ quốc để hậu thuẫn cho ứng cử viên duy nhất là đương kim tổng thống Maduro, cũng tạo ra một ưu thế lớn cho lực lượng cánh tả ủng hộ tiến trình cách mạng trong cuộc bầu cử lần này.
Sự ủng hộ của người dân Venezuela đối với PSUV cho thấy những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay đã được người dân ghi nhận. Trong bối cảnh bất lợi cả trong và ngoài nước như vậy, Chính phủ Venezuela vẫn quyết tâm thực hiện các chương trình xã hội lớn cải thiện đời sống của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp người nghèo, song song với các biện pháp nhằm giải quyết những khó khăn của nền kinh tế.
Tổng thống Maduro cũng cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu của “Kế hoạch Tổ quốc” và chương trình hành động của chính phủ để củng cố các chương trình giáo dục và y tế miễn phí và chất lượng, tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nhà cho người nghèo, đồng thời đẩy mạnh cuộc cách mạng kinh tế, làm thất bại những âm mưu phá hoại nền kinh tế của các thế lực thù địch. Những cam kết này là cơ sở để một bộ phận lớn nhân dân tin tưởng vào hướng đi đúng đắn của cách mạng Bolivar vì lợi ích của dân tộc và vì tương lai của một đất nước Venezuela độc lập, chủ quyền và tự chủ.
Trong khi đó, phe đối lập vẫn không thể tìm được tiếng nói chung và tỏ ra yếu thế sau khi Liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD), với các chính đảng đối lập mạnh nhất, đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử lần này. Những nhân vật có tiếng nói mạnh mẽ trong phe đối lập như Henrique Capriles, hay Leopoldo Lopez, đều không được tranh cử lần này do đang trong thời gian bị đình chỉ tham gia các hoạt động chính trị vì dính líu tới nhiều vụ vi phạm pháp luật. Ứng cử viên tiềm năng nhất của lực lượng đối lập là cựu thống đốc Henri Falcon, chưa thực sự tạo được niềm tin cho đại đa số tầng lớp nhân dân trong xã hội. Thậm chí, một số điểm trong cương lĩnh tranh cử của ông Henri Falcon khiến cho người dân cảm thấy hoài nghi về tương lai chủ quyền của đất nước, đặc biệt là ông này dự định sẽ đô la hóa nền kinh tế Venezuela nếu thắng cử. Hai ứng cử viên còn lại của các đảng đối lập là Javier Bertucci và Reinaldo Quijada hầu như không có cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.
Cũng cần phải nói thêm rằng đã có thời điểm những các đối lập tham gia cuộc bầu cử lần này dự định tập hợp lực lượng để đưa ra một ứng cử viên duy nhất tranh cử với đương kim Tổng thống Maduro, song do những bất đồng nội bộ, những khác biệt về quan điểm khiến họ không thể đạt được sự đồng thuận. Và việc này cũng phần nào đem lại lợi thế cho lực lượng cánh tả bởi số phiếu ủng hộ phe đối lập sẽ bị phân tán cho cả 3 ứng cử viên.
Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất trước thềm bầu cử cho thấy đương kim Tổng thống Maduro hiện dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ. Theo khảo sát của công ty Dịch vụ thăm dò và khảo sát quốc tế (ICS), Tổng thống Maduro nhận được gần 56% số phiếu ủng hộ, trong khi hai ứng cử viên tiềm năng nhất của phe đối lập là Falcon và Bertucci nhận được lần lượt 24,% và 16,2%. Khảo sát cũng chỉ rõ có tới 67,5% số người được hỏi khẳng định sẽ đi bỏ phiếu, trong khi tỷ lệ nói không với sự kiện này là 3,7%.
Lá phiếu của cử tri Venezuela trong cuộc bầu cử ngày 20/5 sẽ quyết định tương lai phát triển đất nước, và quan trọng hơn, người được cử tri Venezuela lựa chọn sẽ có nhiệm vụ tìm giải pháp cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng hiện nay.
Trước đó, Tổng thống Venezuela Maduro đã đề xuất các bên tham gia một cuộc đối thoại toàn quốc để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của đất nước, tìm kiếm một thỏa thuận khôi phục kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Nhà lãnh đạo cánh tả cũng kêu gọi phe đối lập tham gia tiến trình đối thoại mới ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống nhằm tìm kiếm hòa bình và ổn định cho đất nước. Đây cũng là điều người dân Venezuela mong mỏi khi tham gia cuộc bầu cử lần này.