Theo hãng tin AP, bệnh ghẻ, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp đang tràn vào những nơi trú ẩn đông đúc ở Dải Gaza. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng ấy, một số người gia đình buộc phải lựa chọn người nào sẽ được ăn.
Bà Suzan Wahidi - nhân viên cứu trợ, và là mẹ của 5 người con, đang trú ẩn tại trại tị nạn của Liên hợp quốc ở thị trấn Deir al-Balah, trung tâm Dải Gaza, nơi hàng trăm người đang dùng chung một nhà vệ sinh - chia sẻ: “Các con tôi khóc vì đói, lả đi và không thể sử dụng nhà vệ sinh. Tôi chẳng có gì cho chúng ăn”.
Khi cuộc xung đột Israel - Hamas bước sang tháng thứ 2 với ít nhất 10.000 người thiệt mạng, nhiều người dân Palestine bị mắc kẹt đang phải vật lộn để sinh tồn vì không có điện hoặc nước uống. Những người khác đang tìm cách sơ tán khỏi phía Bắc Gaza, nơi Israel đang tiến hành cuộc tấn công trên bộ, cũng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và thuốc men. Trong khi đó, cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trên 500.000 người đang phải sống chen chúc trong các bệnh viện và trường học ở miền Nam, được Liên hợp quốc chuyển thành nơi trú ẩn. Tuy nhiên, các trường học quá đông đúc, rác chất đống không đảm bảo vệ sinh đã trở thành nơi sinh sản của các bệnh truyền nhiễm.
Kể từ khi xung đột nổ ra, hàng trăm chiếc xe tải viện trợ đã tiến vào Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Tuy nhiên, các tổ chức viện trợ cho rằng những chuyến xe đó chỉ như giọt nước đổ vào đại dương. Hầu hết người dân đang phải vật lộn để sống qua ngày, không thể tìm bánh mì, nước uống và xếp phải hàng nhận thực phẩm cứu trợ.
Yousef Hammash, một nhân viên cứu trợ của Hội đồng Tị nạn Na Uy ở thị trấn Khan Younis phía Nam Dải Gaza, cho biết: “Đi đến đâu cũng thấy những ánh mắt đầy căng thẳng. Mọi người đang phải sống trong tình thế tuyệt vọng”.
Các kệ hàng trong siêu thị gần như trống rỗng. Hầu hết các cửa hàng bánh phải đóng cửa vì thiếu bột mì và nhiên liệu để vận hành lò nướng. Đất nông nghiệp của Gaza hầu như không thể tiếp cận được và thị trường nông sản vô cùng khan hiếm, ngoài hành và cam. Trên đường phố, nhiều gia đình phải nấu đậu lăng trên đống lửa nhỏ để ăn qua ngày.
Anh Ahmad Kanj, 28 tuổi, nhiếp ảnh gia tại trại tị nạn ở thị trấn Rafah phía Nam, cho biết: “Bạn có thể nghe thấy tiếng trẻ em khóc trong đêm vì đói khát. Chúng đòi kẹo và đồ ăn nóng. Tôi chẳng thể nào ngủ được”.
Nhiều người nói rằng họ đã nhiều tuần không ăn thịt, trứng sữa và hiện chỉ ăn một bữa mỗi ngày.
Bà Alia Zaki, phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, cho biết tình trạng suy dinh dưỡng và chết vì đói đang trở thành mối đe doạ thực sự. Các món ăn nổi tiếng của người Gaza như jazar ahmar – cà rốt đỏ nhồi thịt cừu xay và cơm – giờ chỉ còn xuất hiện trong ký ức của những người dân ở dải đất này. Thay vào đó, họ phải ăn chà là và bánh quy đóng gói. Song những món ăn đó cũng khó có thể tìm thấy.
Trước khi Mặt Trời mọc, các gia đình sẽ cử người thân tới một trong số ít tiệm bánh mì vẫn còn hoạt động. Một số người phải mang theo dao và gậy để tự vệ nếu bị tấn công khi các cuộc ẩu đả thường xuyên nổ ra ở các hàng bánh mì và nước uống.
Bà Etaf Jamala, 59 tuổi, người đã rời thành phố Gaza đến thị trấn phía Nam Deir al-Balah, chia sẻ: “Các con trai của tôi đến đến cửa hàng bánh mì. Tám giờ sau, chúng trở về với những vết bầm tím và thậm chí chẳng có chiếc bánh mì nào”. Bà Jamala phải ngủ trong hành lang chật cứng của một bệnh viện cùng 15 thành viên khác trong gia đình.
Một người phụ nữ nói rằng cháu trai của bà, 27 tuổi, ở trại tị nạn Jabaliya ở phía Bắc Gaza, đã bị đâm vào lưng bằng một con dao làm bếp, sau khi bị buộc tội chen lấn khi nhận hàng cứu trợ. Anh đã phải khâu hàng chục mũi.
Bạo lực, bất ổn tràn lan đang gây thêm đau thương cho dải đất nhỏ bé này. Và ngay cả những hành vi thiếu thận trọng nhỏ nhặt cũng có thể bị phóng đại trong mắt người dân.
Israel đã cắt nguồn nước tới Gaza ngay sau cuộc tấn công của Hamas. Tel Aviv tuyên bố sẽ chỉ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh bao vây sau khi các chiến binh Hamas trả tự do cho 240 con tin đang bị bắt giữ. Israel cũng đã xây dựng đường ống dẫn tới miền Trung và miền Nam nhưng không có nhiên liệu để bơm hoặc xử lý nước. Các vòi nước cũng đã cạn kiệt.
Những người dân không thể tìm hoặc không đủ tiền mua nước đóng chai phải uống nước lợ, không lọc. Các bác sĩ cho rằng loại nước này có thể gây tiêu chảy và nhiễm trùng đường tiêu hóa nghiêm trọng.
“Tôi không thể nhận ra con trai mình. Trước xung đột, cậu bé có khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, nhưng giờ đây môi cậu bé bị nứt nẻ, da hơi vàng và mắt trũng sâu”, cô Fadi Ihjazi nói và cho biết con trai 3 tuổi của cô đã giảm 5 kg chỉ sau hai tuần và được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột mãn tính.
Tiến sĩ Ali al-Uhisi, bác sĩ của một cơ sở y tế ở Deir al-Balah, cho biết tại các nơi trú ẩn tạm thời, tình trạng thiếu nước uống đã khiến việc duy trì vệ sinh cơ bản trở nên khó khăn. Ông cho biết chấy và bệnh thủy đậu đã lan rộng ra khắp khu vực. Chỉ riêng sáng ngày 8/11, ông đã điều trị 4 trường hợp viêm màng não. Tuần này, ông cũng đã chứng kiến 20 trường hợp bị nhiễm trùng gan, viêm gan A.
“Điều khiến tôi lo lắng là đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số ca bệnh tại các nơi trú ẩn ở Gaza”, ông nói.
Hầu hết căn bệnh đều không còn cách để điều trị. Kẽm và muối bù nước đã hết sạch vào tuần đầu tiên của cuộc xung đột. Bác sĩ Al-Uhisi cho biết những bệnh nhân tuyệt vọng còn hành hung các nhân viên y tế.
Sadeia Abu Harbeid, 44 tuổi, nói rằng cô đã bỏ lỡ đợt điều trị hóa chất cho bệnh ung thư vú trong tuần thứ 2 của cuộc chiến và không thể tìm được thuốc giảm đau. Harbeid cho biết nếu không được điều trị thường xuyên, cơ hội sống sót của cô rất mờ mịt. Hơn nữa, Harbeid hầu như không ăn vì phải dành số thức ăn ít ỏi mình có cho con gái 2 tuổi của cô.
Cảnh tượng bất ổn đang diễn ra khắp nơi ở Gaza. Một số người Palestine công khai thách thức quyền lực của Hamas, tổ chức từ lâu đã kiểm soát khu vực này.
Trong khi đó, tương lai về hoà bình ở Gaza vẫn còn mờ mịt khi những đoàn xe tăng của Israel liên tục lao xuống các con đường ở thành phố Gaza với mục tiêu lật đổ Hamas.
Anh Jehad Ghandour, 16 tuổi, người đã sơ tán đến Rafah, cho biết: “Gaza mà tôi biết giờ chỉ còn là ký ức. Không có nơi nào hay bất cứ điều gì tôi biết còn sót lại”.