Leonid Aleksandrovich Bolshov trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.
|
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày nổ ra thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sĩ Toán lý, Giáo sư Vật lý điện tử, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga (RAN), Leonid Aleksandrovich Bolshov, Viện trưởng Viện Phát triển an toàn năng lượng hạt nhân trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) về an toàn hạt nhân và những tồn tại trong việc khắc phục hậu quả thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
PV: Thưa Giáo sư, 30 năm trước, vụ nổ tại tổ máy số 4 nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã dẫn tới thảm họa, tác động mạnh đến sự phát triển điện hạt nhân trên toàn thế giới. Kể từ đó, thế giới nói chung và LB Nga nói riêng đã có những biện pháp nào để tăng cường an toàn hạt nhân?Sau tai nạn Chernobyl, Liên Xô và sau đó là Nga đã thông qua một chương trình liên bang tăng cường an toàn và hiện đại hóa tất cả các nhà máy điện hạt nhân hiện có cũng như nâng cao độ an toàn của các dự án mới. Trong khuôn khổ chương trình này, tất cả các lò phản ứng kiểu RBMK và VVER được kiểm tra kỹ càng độ an toàn, kể cả khả năng xuất hiện sự cố lớn, ngoài ra cũng tiến hành nâng cấp, bổ sung thêm các hệ thống an toàn để không cho phép xảy ra kịch bản Chernobyl một lần nữa.
Nguyên nhân tai nạn Chernobyl được làm rõ cho thấy nguyên nhân chính là 3 yếu tố rất ít khả năng xảy liên quan tới lỗi của con người. Đó là lỗi của người vận hành, đã đưa lò phản ứng tới trạng thái không đúng theo chỉ dẫn, quy định; thứ 2 là trong trạng thái bất thường như vậy lò phản ứng không đáp ứng các khả năng vật lý cần thiết. Lãnh đạo khoa học đã không nghiên cứu trạng thái bất thường này. Trong trạng thái đó cho thấy rõ mối quan hệ ngược, công suất lò phản ứng không giảm bớt mà chỉ tăng lên; và cuối cùng là sai sót thiết kế: lõi điều tiết bảo vệ tránh sự cố có cấu tạo khiến lúc đầu chúng không giảm mà làm gia tăng phản ứng. Dù tất cả các lõi điều tiết được rút ra, song nhà thiết kế vẫn không thể dự báo lò phản ứng ở trạng thái bất thường như vậy.
Từ tất cả các bài học này, thiết kế, khả năng vật lý của lò phản ứng cũng như thành phần nhiên liệu đã được thay đổi, cũng như những nỗ lực lớn để nâng cao văn hóa an toàn. Hiện nay tại mỗi nhà máy điện hạt nhân của Nga đều có thiết bị mô phỏng như thật, và nếu tổ máy có cấu tạo khác nhau thì không chỉ có một hệ thống mô phỏng. Các công nhân vận hành, điều khiển luyện tập trên các thiết bị mô phỏng này cách thức xử lý tình huống không quy chuẩn.
Ngoài ra, trong các dự án, chúng tôi đưa ra khả năng xuất hiện các tai nạn lớn, và bổ sung thêm hệ thống loại bỏ hậu quả những tai nạn như vậy ở tất cả các tổ máy mới. Ở đây tôi muốn đề cập tới hệ thống trao đổi nhiệt trong không khí thụ động, giúp làm mát không khí trong lò phản ứng, "bẫy" hứng nhiên liệu nóng chảy, không có nó thoát khỏi lò phản ứng, và nguội lại ở trong đó. Và một số những giải pháp khác được ứng dụng sau tai nạn Chernobyl. Tai nạn Chernobyl cho thấy cần có quan điểm tôn trọng công nghệ cao, bởi vậy hiện nay tất cả các nhà máy điện hạt nhân của tổng công ty Rosatom, được các chuyên gia quản lý với sự tôn trọng dành cho các công nghệ đó và ưu tiên an toàn được quán triệt ở mọi cấp độ và cơ sở của doanh nghiệp nhà nước này. Nếu để chọn giữa sự kinh tế và độ an toàn thì yếu tố an toàn luôn được ưu tiên.
Sau những bài học trên, chúng tôi đang phát triển theo những đường hướng mới. Nga có chương trình nghiên cứu nền tảng công nghệ năng lượng hạt nhân mới, nhằm tạo ra hệ thống có phản ứng nhanh, chu trình nhiên liệu khép kín, sản xuất, tái tạo nhiên liệu, trong một tổng thể thống nhất. Ưu điểm của giải pháp này là biên độ trong các phản ứng như vậy thấp, và không thể dẫn đến tai nạn kiểu như Chernobyl. Nếu tai nạn xảy ra, nhờ các hệ thống an toàn thụ động sẽ không xảy ra tai nạn lớn, qua đó hoàn toàn giải quyết vấn đề an toàn của lò phản ứng hạt nhân. Ngoài ra việc sử dụng hoàn toàn uranium-235 trong lò phản ứng nhiệt. Lượng uranium này chỉ chiếm khoảng 7% uranium tự nhiên. Những lò phản ứng này cùng lúc vừa có thể đốt uranium vừa tạo ra loại nhiên liệu mới plutonium, và loại nhiên liệu mới này có thể sử dụng cho các công ty, lò phản ứng mới và đem lại hiệu suất cao nhất. Loại nhiên liệu này hoàn toàn có thể cho phép sử dụng uranium-238. Vấn đề không phổ biến cũng rất quan trọng. Còn khả năng cạnh tranh, do bổ sung thêm các biện pháp an toàn khiến chi phí lò phản ứng hạt nhân tăng lên. Trong vài năm gần đây chi phí này tăng mạnh. Và những nhà máy điện hạt nhân mới cạnh tranh khó khăn hơn với nhà máy nhiệt điện. Nền tảng công nghệ mới sẽ giải quyết được vấn đề cạnh tranh. Và nhờ các nguyên lý vật lý và công nghệ mới có thể giảm đáng kể chi phí của lò phản ứng hạt nhân mới.
PV: Những biện pháp nào đã được sử dụng và những vấn đề nào còn tồn tại trong việc khắc phục hậu quả thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl?Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Liên Xô đã thành lập ủy ban chính phủ và nhóm tác chiến thuộc Bộ chính trị đứng đầu là Thủ tướng chính phủ để tiến hành công việc khắc phục hậu quả tai nạn trên qui mô lớn, dành ra khoản tiền lớn và công việc khắc phục hậu quả được thực hiện theo mọi hướng. Hướng đầu tiên là xây dựng "quan tài" chôn tổ máy số 4. Hướng thứ 2 là làm sạch phóng xạ và khôi phục hoạt động các tổ máy 1, 2, sau đó là tổ máy số 3; Hướng tiếp theo là thực thi trật tự tại khu vực công nghiệp của nhà máy; hướng tiếp theo là bảo vệ hệ thống nước. Các biện pháp được đưa ra sau khi đã rõ rằng thành phố cư trú các công nhân hạt nhân - Pripyat cùng một số điểm dân cư nằm trong bán kính 30km nhiễm phóng xạ quanh nhà máy được tái định cư tới nơi khác. Rất ít nước có thể tưởng tượng rằng 40.000 dân thành phố Pripyat được sơ tán trong 6 tiếng một cách có trật tự, không hoảng hốt và không có thiệt hại.
Tiếp đó là công việc lâu dài xây dựng các làng mới dành cho người sơ tán. Công nhân nhà máy, công nhân vận hành, nhân viên nhà máy điện hạt nhân Chernobyl thì được chuyển đến làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân khác. Người dân được chuyển tới những ngôi nhà mới. Một số từ chối rời đi và một số ít người dân vẫn tiếp tục trụ lại trong khu vực được xác định là vùng cấm.
Hiện nay một phần lớn khu vực cấm đã thích hợp cho việc sinh sống. Sự phân rã phóng xạ cùng với quá trình tự nhiên thẩm thấu hạt nhân phóng xạ trong đất, việc bảo vệ thiên nhiên đã hình thành điều kiện phù hợp để sinh sống. Thậm chí là ở tỉnh Bryansk, nơi từng nhiễm phóng xa cao, người dân cũng đã quay trở về nhà từ lâu. Tháng 11/1986 đã hoàn thành việc xây dựng quan tài (chôn tổ máy số 4), điều này được thực hiện trong điều kiện khó khăn. Mức phóng xạ trong những ngày đầu, tuần đầu ở nhà máy điện hạt nhân Chernubyl rất cao. Con người và phương tiện không được tiếp cận. Và tháng đầu tiên phải sử dụng phương pháp bơm bê tông từ xa để nó chảy vào che phủ các nơi nhiễm xạ. Sau đó mới có thể tiếp cận gần hơn và dựng các kết cấu bằng kim loại. Đến tháng 11/1986, việc xây dựng quan tài đã hoàn tất và cấu trúc lớn nhất được xác định có tuổi thọ 20 năm.
Trong vòng 10 năm tiếp theo dự kiến sẽ hoàn tất che phủ tổ máy bằng bê tông và cấu trúc thép. Nghĩa là kết thúc vấn đề. Tuy nhiệt thật đáng tiếc, 5 năm sau thảm họa, Liên Xô đã không còn tồn tại. Các chuyên gia Nga đề nghị Ukraine hoàn thành công việc này tuy nhiên nước Ukraine độc lập đã quyết định quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế và cho đến nay vẫn đang diễn ra quá trình kéo dài và khó khăn để chọn dự án xây dựng quan tài thứ 2. Tôi lưu ý rằng năm 1986, chỉ trong 2 tháng 5 và 6 đã soạn thảo hơn 20 dự án xây quan tài đầu tiên. Tôi cho rằng nếu chúng tôi tiếp tục con đường đó, trong 15 năm chúng ta có thể hoàn tất việc che phủ tổ máy số 4. Tôi cũng cho rằng tổ máy số 1, 2 của nhà máy vẫn có thể khai thác trở lại. Tổ máy thứ 3 thì có vấn đề vì nó nằm cạnh tổ máy số 4 song tổ máy số 1 và 2 hoàn toàn có thể sử dụng để sản xuất điện.
Liên quan tới khu vực 30km xung quanh nhà máy, hiện đang diễn ra hoạt động đưa người dân quay trở lại khu vực này. Chính quyền trước đây, trước đảo chính ở Ukraine đã bắt đầu dự án với sự tham gia của người dân để biến nơi này thành khu vực du lịch Chernobyl. Các nhóm du lịch được mời tới, và họ vui vẻ đi xem rừng và muông thú phát triển ở đó thế nào. Ở đó thú hoang tự do đi lại vì không bị con người cản trở và thiên nhiên rất tuyệt vời. Vì vậy tôi cho rằng từng bước sẽ có hoạt động kinh doanh tại Chernobyl. Ở Nga, tại tỉnh Bryansk hiện chỉ còn 4 khu vực cấm lui tới theo quy định quốc tế được thông qua sau tai nạn. Người dân đang trở lại ở Bryansk.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình trạng an toàn hạt nhân ở LB Nga hiện nay?Anh biết không có các chỉ số chủ quan và khách quan. Một trong các chỉ số khách quan đó là số các vụ tai nạn trong mỗi tổ máy điện một năm. Theo chỉ số này, trong 18 năm qua, Nga nằm ở ngưỡng cao hơn mức trung bình của thế giới. Nghĩa là chỉ số các nhà máy điện hạt nhân của Nga tốt hơn đa phần các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Điều này có được là nhờ nỗ lực lớn của con người, phương tiện, và hoạt động huấn luyện. Tôi cho rằng mức an toàn hạt nhân của Nga là cao và tôi hy vọng Việt Nam sắp tới cũng sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân, có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Chúng tôi hiện đang hợp tác với các đồng nghiệp Việt Nam ở Viện Vinatom để lập hệ thống quốc gia giám sát phóng xạ ở Việt Nam. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tôi hy vọng dự án sẽ hoàn thành và mỗi người Việt Nam cũng như người Nga có thể biết mức phóng xạ tại bất cứ điểm nào của Việt Nam thông qua máy tính.
Chúng tôi biết rất rõ các chuyên gia của các bạn. Ở Vinatom có những chuyên gia có trình độ. Một số học ở Nga, số còn lại học ở phương Tây.