Câu chuyện của cụ ông 90 tuổi và thảm họa Chernobyl

Cụ ông 90 tuổi Ivan Shamyanok chia sẻ bí quyết để sống lâu chính là gắn bó với quê hương ngay cả khi đó là một ngôi làng Belarus đã bị phóng xạ từ thảm họa hạt nhân vây hãm trong 3 thập kỷ qua.

Cụ Ivan Shamyanok bên ngôi nhà đơn sơ.

Vào ngày 26/4/1986, một lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân ở Chernobyl, Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô) phát nổ. Từ sự cố này, những đám mây hạt nhân đã “lang bạt” khắp châu Âu và buộc hơn 100.000 người phải tha hương bởi nơi họ ở nay bị xếp vào những “khu vực nhiễm phóng xạ vĩnh viễn” trải dài dọc biên giới Ukraine-Belarus.

Ngôi làng Tulgovich thân thương của cụ Shamyanok nằm ngay sát vách khu vực này. Cụ Shamyanok và vợ đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị tái định cư để bám trụ tại quê hương đồng thời khẳng định rằng họ chưa hề mắc phải căn bệnh nào liên quan tới phóng xạ.

Cụ Shamyanok bộc bạch: “Cho đến giờ mọi chuyện vẫn ổn cả. Hôm trước bác sĩ vừa tới, kiểm tra sức khỏe cho tôi. Họ còn khen sức khỏe của tôi khá tốt”.

Cụ còn chia sẻ thêm: “Chị gái tôi cũng bám trụ ở lại làng cùng với chồng. Nhưng đến khi họ quyết định rời đi thì chẳng bao lâu sau đó cả hai người đều về với lòng đất. Chị ấy và chồng qua đời do bị lo lắng hành hạ. Tôi thì không như vậy, tôi vẫn ca hát, làm vườn và sống một cách thật chậm rãi”.

Cụ Shamyanok thổ lộ rằng cuộc đời cụ không có nhiều biến động sau thảm họa Chernobyl. Cụ và các thành viên trong gia đình vẫn ngày ngày tiêu thụ rau và hoa quả được trồng sau vườn nhà. Gia đình cụ Shamyanok còn nuôi bò, gà và lợn để lấy trứng, sữa cùng thịt.

Đến nay, khi người vợ thân yêu đã qua đời, còn các con cái đều lần lượt rời quê hương thì cụ Shamyanok và một người cháu họ sống ở phía bên kia làng là hai cư dân duy nhất còn bám trụ tại làng Tulgovich có diện tích 2.600 km vuông (gần bằng diện tích Luxembourg).

Cụ Shamyanok bồi hồi: “Sẽ không có ai quay trở lại. Những người có ý định hồi hương nay đều viên tịch cả rổi”.

Hàng ngày, cụ Shamyanok vẫn duy trì nếp sống bình dị. Cụ dậy lúc 6 giờ sáng khi quốc ca được phát vang trên chiếc đài radio. Rồi cụ hâm nóng lò để làm bữa sáng, sau đó cho lợn và chú chó của cụ ăn.

Cụ Shamyanok khẳng định thảm họa Chernobyl đã không tác động quá lớn tới cuộc sống của cụ.

Một chiếc xe lưu động bán hàng hóa sẽ đến thăm ngôi làng hai lần một tuần do vậy cụ Shamyanok không quá lo lắng về đồ dùng sinh hoạt. Bên cạnh đó, cháu gái cụ Shamyanok ngày thứ bảy nào cũng đến thăm và dọn dẹp, nấu ăn cho cụ.

Cụ Shamyanok nói không hề cảm thấy sức khỏe có vấn đề nhưng đôi khi cụ cũng uống thuốc, còn trước mỗi bữa ăn cụ đều uống một cốc vodka nhỏ để thấy “ngon miệng” hơn.

Những sự kiện sắp tới kỷ niệm 30 năm ngày thảm họa hạt nhân Chernobyl sẽ một lần nữa nhắc nhở nhân loại về những ảnh hưởng lâu dài mà tai nạn này đã tác động tới con người.

Đã có 31 người thiệt mạng ngay sau vụ tai nạn tại nhà máy Chernobyl nhưng còn rất nhiều người khác qua đời do các căn bệnh liên quan tới phóng xạ như ung thư. Tổng số nạn nhân cũng như người chịu ảnh hưởng sức khỏe dài hạn do thảm họa Chernobyl cho đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Hà Linh (Theo Reuters)
Xuất hiện nhiễm xạ nguy hiểm tại Chernobyl do cháy rừng
Xuất hiện nhiễm xạ nguy hiểm tại Chernobyl do cháy rừng

Các thanh sát viên hạt nhân Ukraine đã ghi nhận được mức gia tăng lớn về nồng độ phóng xạ tại nhà máy Chernobyl thuộc vùng cách ly.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN