Cuộc khủng hoảng mới của nền văn minh phương Tây

“Báo Độc lập” (Nga) số ra mới đây có bài viết cho biết “cơn địa chấn chính trị” ở Mỹ đã tác động mạnh tới giới tinh hoa châu Âu. Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến người ta phải nhìn lại toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội phương Tây.

Sự kiện phản ánh sự khủng hoảng trong hệ thống chính trị và sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội phương Tây. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, phương Tây tin rằng sức mạnh của họ có thể thống trị thế giới vĩnh viễn và chủ nghĩa xã hội sẽ không thể trở thành một đối trọng đối với chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Sau đó đã diễn ra cuộc đua chạy theo lợi nhuận. 

Cuộc đua này không hề có đạo đức, không có giới hạn về luân lý hay các tiêu chuẩn cần hạn chế, đã dẫn đến sự phân chia lớn chưa từng có giữa các thành phần xã hội trong cùng một quốc gia và trên thế giới nói chung. Xu hướng này đang gây bất mãn đối với tầng lớp trung lưu ở các quốc gia phương Tây. Đây là phần dân số quan trọng và chủ yếu trong xã hội. Và thời điểm đã đến, khi mức sống của người dân bắt đầu giảm sút nghiêm trọng. Họ hiểu rằng họ đã bị lừa dối.

Một cuộc tuần hành ở Baltimore ngày 30/4 phản đối tình trạng phân biệt sắc tộc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 25 năm qua, số lượng tỷ phú trên thế giới tăng lên đến 2.500 người, và số vốn của họ cũng tăng lên gấp nhiều lần, đạt tới mức gần 8.000 tỷ USD. Con số này thậm chí còn nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc. Sự khác biệt ngày càng tăng về mức thu nhập đã diễn ra. Tại Mỹ, mức độ của sự khác biệt này đã gần đạt đến mức hồi năm 1928, và đây là nguyên nhân cơ bản của việc đưa ra chính sách gây hỗn loạn nhằm phục vụ lợi ích của những tập đoàn lớn. Tờ "Daily Mail" đã viết: “Trong nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, sự bất bình đẳng về mức thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội đạt mức cao kỷ lục. Chính bởi vậy mà một số lượng đáng kể người Mỹ da trắng muốn quay trở lại thế kỷ 20”.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở châu Âu - giảm tỷ lệ sinh, già hóa dân số, cùng với đó, làn sóng người di cư tiếp tục làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong xã hội. Nhiều người châu Âu bản xứ ác cảm với người di cư bởi họ đã cướp đi công việc của họ.

Tại Mỹ, số lượng người Mỹ da trắng đang giảm nhanh chóng. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, số lượng này hiện chỉ còn khoảng 62-64% dân số. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của số người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latinh (đứng đầu là từ Mexico) và châu Á. 

Chính tình hình đó nên ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử về việc xây dựng bức tường biên giới khổng lồ ngăn giữa Mỹ và Mexico, hay áp đặt lệnh cấm người Hồi giáo ở Mỹ. Không ngạc nhiên khi những lời cam kết này của ông Trump lại được phần lớn người da trắng ủng hộ, những người đang lo ngại chỉ vài năm nữa họ sẽ trở thành dân số thiểu số ở chính đất nước của họ.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra đối với tầng lớp trung lưu ở Anh. Chính vì thế mà người dân Anh đã cân nhắc giữa những “ưu điểm” và “nhược điểm” để quyết định rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Điều quan trọng là giới tinh hoa Mỹ và các cường quốc phương Tây khác vẫn tiếp tục cho rằng thế kỷ 20 và thậm chí là cả thế kỷ 21 là nơi họ thống trị thế giới một cách tuyệt đối. Nhưng thời gian đã thay đổi và cán cân quyền lực trên thế giới cũng thay đổi theo. Trên vũ đài chính trị thế giới, người ta tin rằng đang xuất hiện các nền văn minh mới, gắn kết các quốc gia muốn có được sự công bằng, tôn trọng đối với họ và tính đến cả lợi ích của họ.

Tờ "Monde" thẳng thắn thừa nhận rằng “giới cầm quyền phương Tây đã không thể tìm ra một giải pháp thích hợp cho vấn đề người di cư, hay thu hẹp khoảng cách thu nhập”. Một chính sách đối ngoại thiển cận và thiếu thận trọng đã dẫn đến sự hỗn loạn ở Trung Đông, châu Phi và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Lời cảnh báo đối với giới cầm quyền phương Tây là thế giới đã thay đổi triệt để. Ngày nay, có nhiều vấn đề cần đến sự hợp tác toàn cầu một cách bình đẳng, đa phương. Đây không phải là sự lựa chọn có hoặc không mà là sự cần thiết bắt buộc. 
TTK
Brexit có thể hủy hoại nền văn minh phương Tây
Brexit có thể hủy hoại nền văn minh phương Tây

Brexit, hay là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), có thể là sự khởi đầu quá trình hủy hoại không chỉ EU mà còn toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN