Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo về các biện pháp ứng phó của EU đối với thuế quan của Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Các quan chức Liên minh châu Âu đang áp dụng cách tiếp cận hai phần đối với cuộc chiến thương mại đang diễn ra của Tổng thống Trump, đề xuất cắt giảm thuế đối với ô tô và các sản phẩm công nghiệp do Mỹ sản xuất nhưng cũng cùng lúc chuẩn bị trả đũa ngay lập tức bằng các khoản thuế rộng khắp.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 6/4 cho biết, khối 27 quốc gia này sẽ sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận "0 đổi 0" đối với các sản phẩm bao gồm ô tô, xóa bỏ thuế đối với hàng hóa nếu Mỹ cũng làm như vậy. Thuế ô tô của EU hiện được ấn định ở mức 10%.
Nhưng đồng thời, cả bà Leyen và ủy viên thương mại EU, Maros Sefcovic, đều nói rõ rằng các quan chức châu Âu đang chuẩn bị triển khai thuế quan và có khả năng là các rào cản thương mại khác để đáp trả Mỹ nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận. Các mức thuế đó sẽ bắt đầu được áp trong vài ngày tới.
Tối 6/4, các quan chức EU đã lưu hành tại Brussels một danh sách các sản phẩm mà họ dự định áp dụng thuế quan trả đũa - theo Olof Gill, phát ngôn viên thương mại của Ủy ban châu Âu. Các đại diện từ khắp các quốc gia thành viên của khối sẽ bỏ phiếu cho danh sách đó trong ngày 9/4. Nếu được chấp thuận, mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực trong hai đợt — đợt một vào ngày 15/4, đợt thứ hai vào một tháng sau đó.
Quyết định thuế quan này sẽ đánh dấu phản ứng cụ thể đầu tiên của EU đối với loạt biện pháp thương mại gần đây của ông Trump. Họ sẽ phản ứng cụ thể đối với mức thuế thép và nhôm của Mỹ có hiệu lực từ giữa tháng 3 và các quan chức EU cho biết đây chỉ là bước đầu tiên. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang cân nhắc cách phản ứng với các động thái tiếp theo của ông Trump, bao gồm mức thuế 25% đối với ô tô và mức thuế 20% đối với hàng hóa của EU mà ông đã công bố vào tuần trước.
Đợt thuế trả đũa đầu tiên của EU được kỳ vọng sẽ bao trùm nhiều loại hàng hóa, mặc dù đã có phần giảm nhẹ so với kế hoạch ban đầu.
Trước đó, các quan chức EU dự định đánh thuế khoảng 28,4 tỷ USD trị giá hàng hóa và danh sách sơ bộ của họ bao gồm các mặt hàng nhập khẩu như rượu bourbon, thuyền, quần áo và sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngày 6/4, một quan chức cấp cao của EU quan chức đã đề xuất rằng rượu bourbon có thể bị loại khỏi danh sách. Mặt hàng này đã gây chú ý sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 200% đối với rượu vang và các loại rượu khác của châu Âu để đáp trả. Ông Sefcovic, Ủy viên thương mại EU, cho biết số lượng hàng hóa bị nhắm mục tiêu cuối cùng sẽ nhỏ hơn, sau khi có phản hồi từ các quốc gia thành viên EU.
Tuy nhiên, việc châu Âu đánh cược vào việc sử dụng cả gậy và cà rốt để thúc đẩy chính quyền Tổng thống Trump ngồi vào bàn đàm phán có thể gây ra tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.
Nếu đạt được thỏa thuận, nó có thể thúc đẩy nhiều luồng thương mại không bị hạn chế hơn giữa hai thị trường lớn nhất thế giới và là những đối tác thương mại quan trọng nhất. Còn nếu căng thẳng leo thang và quan hệ xấu đi, nó có thể góp phần thúc đẩy một cuộc chiến thương mại gây ra hậu quả đau đớn cho người tiêu dùng và các công ty ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để ngồi vào bàn đàm phán bất cứ khi nào các đối tác Mỹ của chúng tôi sẵn sàng”, ông Sefcovic cho biết hôm 6/4 tại Luxembourg. Ông đã có cuộc họp kéo dài hai giờ mà ông mô tả là “thẳng thắn” với các đối tác Mỹ vào cuối tuần trước.
“Mặc dù EU vẫn cởi mở và muốn đàm phán, nhưng chúng tôi sẽ không chờ đợi”, ông nói thêm. “Chúng tôi đã chuẩn bị sử dụng mọi công cụ trong kho vũ khí phòng thủ thương mại của mình”.
Các quan chức châu Âu cũng nhận thức được rằng một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể gây tổn hại cho cả hai bờ Đại Tây Dương.
“Cho đến nay, họ đã chơi rất thông minh khi không bị kéo vào vòng xoáy leo thang”, Jorn Fleck, giám đốc cấp cao của Trung tâm Châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói. Ông giải thích rằng đối với châu Âu, một phần của “trò chơi” là chờ đợi cho đến khi nỗi đau của sự gián đoạn thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến Mỹ, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ.
Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố Pháp và Đức cần hành động vì một châu Âu “mạnh mẽ” sau cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Paris, ngày 22/1/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Các quan chức đã dành thời gian để chỉnh sửa bộ danh sách trả đũa đầu tiên vì họ muốn xem xét phản hồi từ khắp lục địa.
Một phần của danh sách ban đầu dự kiến có hiệu lực vào ngày 31/3. Thay vào đó, nó đã bị trì hoãn để điều chỉnh thêm sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 200% đối với tất cả các loại rượu của châu Âu.
Một động thái như vậy sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất rượu vang Pháp và Italy, và các nhà hoạch định chính sách từ các quốc gia đó đã lên tiếng báo động.
Rượu whisky, thứ đã gây ra phản ứng đó, hiện được nhiều người mong đợi sẽ bị loại khỏi danh sách cuối cùng. Stéphane Séjourné, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu, cho biết rằng ông hy vọng "tin tốt" là nó sẽ bị cắt giảm.
Diễn biến này nhấn mạnh thách thức với EU trong việc duy trì một mặt trận vững chắc và thống nhất trong việc phản ứng với thuế quan. Các quốc gia trên khắp lục địa có các ưu tiên kinh tế khác nhau và mong muốn khác nhau trong phản ứng đáp trả Mỹ
Một số quốc gia Bắc Âu đã kiên quyết rằng EU phải phản ứng mạnh mẽ - thậm chí thúc đẩy EU sử dụng một công cụ thương mại mới mạnh mẽ để dựng lên các rào cản thương mại đối với các dịch vụ, có khả năng nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google.
Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu khác lại không muốn đáp trả mạnh mẽ như vậy. Thủ tướng Italy, Giorgia Meloni, đã gọi ý tưởng rằng Italy phải lựa chọn giữa Mỹ và EU là "trẻ con".
Các quan chức từ khắp khối 27 thành viên chỉ thống nhất về một điểm: Họ muốn đàm phán. Nhưng một phần của thách thức là Mỹ tỏ ra không mấy mặn mà với một thỏa thuận nhanh chóng.
Các quan chức Mỹ dường như coi thuế quan "không phải là một bước đi chiến thuật, mà là một biện pháp khắc phục", ông Sefcovic nói.