Mẫu ô tô của Tesla được giới thiệu tại Triển lãm ô tô Brussels, Bỉ, ngày 10/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ El Pais, công ty Tesla của Elon Musk sản xuất xe tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc thông qua các nhà cung cấp khu vực, điều này sẽ cho phép công ty tránh được một phần thuế quan. Tuy vậy, định giá cực cao và hiệu suất bán hàng kém đã khiến công ty lỗ 750 tỷ USD trên thị trường chứng khoán kể từ tháng 12 năm ngoái.
Cuộc chiến thuế quan là một thực tế khắc nghiệt. Việc Mỹ công bố mức thuế cụ thể sẽ áp cho từng quốc gia mà nước này nhập khẩu hàng hóa - từ 10% đến 49% - đã gây ra một cơn địa chấn trên thị trường tài chính, lo ngại rằng biện pháp này sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và gây ra sự gia tăng đột biến về lạm phát.
Các nhà sản xuất ô tô đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tesla cũng vậy, dù ông chủ Elon Musk là cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump. Nhưng công ty ô tô điện này có một con át chủ bài trong tay: đó là các siêu nhà máy sản xuất ô tô, nơi hầu hết linh kiện đều đến từ các nhà cung cấp khu vực.
Ví dụ điển hình nhất về cách tiếp cận này là nhà máy khổng lồ mà Musk cho xây dựng tại Brandenburg, phía đông Berlin, với công suất 500.000 xe mỗi năm và có thể sớm đạt 1 triệu chiếc. Nhà máy sản xuất ô tô điện khổng lồ này đã tăng đáng kể nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp châu Âu cho hầu hết các thành phần. Với mẫu Model Y mới, khoảng 92% phụ tùng được cung cấp bởi các công ty trong Liên minh châu Âu (Litva, Bỉ, Séc, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan, Áo và Ba Lan).
Emérito Quintana, cố vấn cho quỹ đầu tư Numantia Patrimonio, đặt Tesla ở vị trí hàng đầu trong danh mục đầu tư của mình. Ông bắt đầu đầu tư vào công ty này cách đây 8 năm. Đối với ông, "việc Musk lựa chọn mô hình tích hợp toàn bộ chuỗi cung ứng và các nhà cung cấp địa phương sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến thương mại này".
Mỹ đã công bố mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ các quốc gia khác và một số đối tác cũ như Canada đã đáp trả bằng mức thuế tương đương đối với xe của Mỹ. Trung Quốc công bố mức thuế 34% đối với ô tô Mỹ và dự kiến phản ứng của châu Âu sẽ diễn ra trong những ngày tới. Trong bối cảnh đó, Tesla, mặc dù có đà tăng trưởng chứng khoán kém, lại là nhà sản xuất phương Tây duy nhất có giá trị tăng khi Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng đối với các loại xe không phải của Mỹ.
Lợi thế cạnh tranh
Trong ngành công nghiệp ô tô đầy phức tạp, mỗi bộ phận thường đến từ một địa điểm khác nhau. Ví dụ, một chiếc Chevrolet được lắp ráp và bán tại Mỹ có thể có các bộ phận được sản xuất tại Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Đài Loan/Trung Quốc. Tất cả những yếu tố này sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan mới, điều này sẽ làm tăng giá của xe. Như vậy có nghĩa là thuế quan không chỉ gây tổn hại cho các nhà sản xuất nước ngoài mà còn cả các nhà sản xuất Mỹ.
“Musk nhận thấy rằng việc có chuỗi cung ứng dài và phân tán là một điểm yếu, như đã chứng minh vào năm 2021, sau đại dịch. Đó là lý do tại sao ông quyết định rằng nhà máy khổng lồ ở Berlin sẽ có các nhà cung cấp châu Âu, nhà máy ở Thượng Hải sẽ có các thành phần của Trung Quốc và nhà máy ở Texas sẽ có các nhà cung cấp của Mỹ”, ông Quintana lưu ý. Tesla có ý định sản xuất các bộ phận như ghế, cản và vỏ gương tại chỗ hoặc hợp tác với các công ty địa phương.
Chuyên gia Juan Gómez Bada, tại quỹ Avantage Capital, cũng nhấn mạnh rằng việc có các chuỗi cung ứng tích hợp hơn này “đã giảm thiểu những rủi ro có thể ảnh hưởng đến các đối thủ cạnh tranh khác mạnh mẽ hơn”.
Ngoài ra, là một công ty tương đối trẻ so với các đối thủ cạnh tranh như General Motors, Stellantis hay BMW, Tesla có tính linh hoạt cao hơn. Do bức tranh cuối cùng về cuộc chiến thuế quan trong ngành ô tô vẫn chưa được xác định, nên vẫn còn quá sớm để biết tác động đến giá của từng loại xe, "nhưng điều rõ ràng là trong trường hợp của Tesla, nó sẽ không dữ dội bằng các đối thủ cạnh tranh", ông Quintana nhấn mạnh.
Nhà máy của hãng Tesla tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Những câu hỏi về tài chính
Tuy nhiên, cổ phiếu của Tesla đã mất gần một nửa giá trị kể từ giữa tháng 12/2024, giảm 750 tỷ USD.
Có một số lý do cho điều đó, bắt đầu với những lý do đơn giản nhất: dự báo lợi nhuận cho năm 2025 đã giảm 33% trong năm ngoái và năm 2026 là 29%. Hoạt động kinh doanh không tăng trưởng nhanh như mong đợi, như các báo cáo trong hai quý gần đây nhất cho thấy. Báo cáo mới nhất, được công bố vào tuần trước, cho thấy doanh số giảm 13% - điều không thể tha thứ đối với một công ty mà doanh thu vẫn được dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân.
Mặc dù các dấu hỏi về tài chính đã tồn tại từ lâu với Tesla, nhưng sự liên kết của tỷ phú Elon Musk với chính quyền Tổng thống Trump đã chính trị hóa thương hiệu và gây ra một loạt các cuộc tẩy chay.
Tuy nhiên, những người hâm mộ trung thành của Tesla thì không nản lòng. Đối với những người, như Emérito Quintana, thì "những khó khăn mà công ty phải đối mặt hiện nay ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những khó khăn mà Tesla từng đối mặt vào năm 2018, với số nợ khổng lồ và tổn thất lớn".
Theo ông Quintana, khi Musk bắt đầu vượt qua các biện pháp cắt giảm ngân sách của Chính phủ, xe tự lái hoàn toàn trở nên phổ biến ở Texas (dự kiến vào tháng 6) và phiên bản mới của Model Y — chiếc xe bán chạy nhất thế giới - bắt đầu được tiếp thị, "doanh số của Tesla sẽ quay trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ".
Tất nhiên, những người quan sát kém nhiệt tình hơn lại có quan điểm rất khác. Một số nhà đầu tư đã cảnh báo trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm qua rằng mức định giá mà công ty đang giao dịch, ngay cả bây giờ, là quá cao, điển hình của bong bóng và không thể biện minh được chỉ dựa trên dự báo doanh số trong tương lai và khi so sánh với giá cổ phiếu của các đối thủ cạnh tranh.
Tesla giao dịch ở tỷ lệ giá trên thu nhập (giá đóng cửa mới nhất chia cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu gần đây nhất) là 90, cao hơn 10 lần so với các công ty ô tô khác và cao hơn 4,5 lần so với công ty dẫn đầu về chip AI là Nvidia.
Ryan Brinkman, nhà phân tích tại J.P. Morgan, người từ lâu đã chỉ trích công ty của Elon Musk, tin rằng "thiệt hại về danh tiếng mà Musk gây ra cho thương hiệu vẫn chưa được định giá đúng mức".
Hai công ty lớn khác do tỷ phú công nghệ này kiểm soát, SpaceX (sản xuất tên lửa, tổ chức các sứ mệnh không gian và là nhà cung cấp đặc quyền của NASA) và Starlink (đã phóng 7.000 vệ tinh liên lạc vào không gian) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan. Mặc dù hoạt động kinh doanh chính của họ diễn ra tại Mỹ, nhưng trong những năm gần đây, các công ty này đã mở rộng hoạt động và ký kết hợp đồng với các chính phủ và công ty ở các nước thứ ba.