Cuộc chiến giành giật sự sống nơi tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 ở Anh

Tại Bệnh viện Đại học Milton Keynes thuộc vùng England (Vương quốc Anh), các bác sĩ và bệnh nhân đang ở trong cuộc chiến giữa sự sống và cái chết. Với những bệnh nhân có triệu chứng nặng nhất, tính mạng của họ đang bị đặt trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ở Essex, miền Đông xứ England ngày 1/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới nhất khiến bệnh viện nằm tại vùng Tây Bắc London này phải vất vả hơn nhiều so với làn sóng dịch bệnh đầu tiên, khi các bệnh nhân có xu hướng trẻ hóa và những người bị bệnh nặng nhất ngày càng ít phản ứng với các loại thuốc điều trị. Các bác sĩ và y tá đang căng hết sức lực, trong khi một số bệnh nhân đang cạn kiệt sức khỏe.

Ông Stephen Marshall, 68 tuổi, là một trong số những bệnh nhân như vậy. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong quá trình phẫu thuật ở lưng, ban đầu ông Marshall chỉ nghĩ rằng mình bị cảm lạnh. Trò chuyện qua một chiếc mặt nạ hỗ trợ bơm oxy vào phổi, ông cho biết mình không nên bỏ máy trợ thở ra, bởi việc này khiến bệnh tình của ông nghiêm trọng hơn.

Y tá Joy Halliday cho biết trong bối cảnh việc thăm bệnh bị hạn chế, các bác sĩ và y tá tại đây có vai trò hỗ trợ bệnh nhân cả về mặt y tế lẫn tinh thần. Cô bày tỏ cảm thông đối với những gia đình khi nghe qua điện thoại và biết được tình trạng bệnh của người thân đang trở nên xấu đi, bị kích động mạnh hoặc mức oxy đang tụt dần. Cô Halliday và các nhân viên khác sẽ phải làm quen với bệnh nhân, cho dù đang mặc đầy đủ đồ bảo hộ, cũng như tương tác trong khi đang phải đeo khẩu trang và kính che mặt.

Bệnh nhân ít tuổi nhất trong phòng chăm sóc đặc biệt gồm 8 giường bệnh này là Victorita Andries, một nhân viên siêu thị 51 tuổi. Cô Andries được đeo máy trợ thở oxy khi mới nhập viện 5 ngày trước. Trong khi đó, bệnh nhân trẻ nhất trong cả bệnh viện được trợ thở chỉ mới 28 tuổi.

Còn tại đơn vị chăm sóc tích cực, nơi cả 7 bệnh nhân đều mắc COVID-19, âm thanh chủ yếu là tiếng của các máy móc điều trị và tiếng bơm oxy. Bác sĩ Wassim Shamsuddin, Trưởng khoa gây mê và chăm sóc đặc biệt cho biết các bệnh nhân ở đây đều được điều trị bằng thông khí cơ học, một phương pháp đòi hỏi phải có thuốc giảm đau. Ông cho biết hiện tại, bệnh viện phát hiện ra rằng sức khỏe của các bệnh nhân sẽ không được cải thiện, nếu họ cần đến thông khí xâm nhập, một phương pháp thông khí bằng cách đưa dụng cụ vào khí quản thay vì sử dụng mặt nạ.

Bác sĩ Shamsuddin cho biết tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân được chăm sóc tích cực tại bệnh viện trong làn sóng dịch đầu tiên là 40%, nhưng trong giai đoạn hiện tại, tỉ lệ này đã lên đến khoảng 80%. Theo giải thích của ông Shamsuddin, khác với làn sóng dịch bệnh thứ nhất, tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay ở bệnh viện đều được tự động điều trị bằng thuốc Remdesivir và Dexamethasone sau khi phát hiện có hiệu quả. Điều này đồng nghĩa những bệnh nhân được chăm sóc tích cực trong làn sóng dịch thứ hai là những người có triệu chứng nặng nhất, bởi họ không hề phản ứng với các thuốc này. Ông cho biết không rõ biến thể mới phát hiện ở Anh có làm tăng tỉ lệ tử vong hay không. 

Theo bác sĩ Shamsuddin, đội ngũ nhân viên chăm sóc tích cực, vừa được bổ sung thêm các bác sĩ và y tá từ các trạm xá khác để đảm bảo tỉ lệ chăm sóc 1:1, chưa từng phải đối mặt với số bệnh nhân tử vong cao như vậy. Ông cho biết các bệnh viện chăm sóc tích cực được lập ra với mục đích cải thiện sức khỏe người bệnh, nhưng khó khăn ở đây là ngay cả khi cố gắng áp dụng mọi biện pháp điều trị, thì hiệu quả mang lại dường như không đáng kể.

Bệnh viện Đại học Milton Keynes cho biết số bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện trong làn sóng dịch thứ hai cao gấp hơn 2 lần so với làn sóng thứ nhất, hiện đã lên đến 186 người. Ông cho rằng trong tuần tới, khoa chăm sóc tích cực của bệnh viện sẽ tiếp tục chịu áp lực rất lớn.

Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Anh là 93.290 người, cao nhất châu Âu và cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico. Hiện Anh có 39.068 người mắc COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện. Trong ngày 20/1, nước này có thêm 1.820 ca tử vong, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Minh Tuấn (TTXVN)
Dịch COVID-19: Đức đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người dân vào cuối mùa Hè tới
Dịch COVID-19: Đức đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người dân vào cuối mùa Hè tới

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21/1 cho rằng các loại vaccine hiện nay có thể thích ứng để phòng ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, do đó Đức cần tiêm chủng cho toàn bộ người dân vào cuối mùa Hè tới để có thể chấm dứt dịch bệnh này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN