Tình trạng đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh vẫn diễn ra tại một số nơi dù Chính phủ Pháp đã có những nhượng bộ trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực của phe "Áo vàng".
Theo Bộ Nội vụ Pháp, tổng cộng có khoảng 38.600 người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp cả nước trong ngày 22/12, giảm 66.000 người so với cuối tuần trước. Tại thủ đô Paris, các cuộc biểu tình của phe "Áo vàng" với khoảng 2.000 người tham gia ban đầu diễn ra ôn hòa, tuy nhiên vài giờ sau đó, căng thẳng dâng cao và cảnh sát buộc phải sử dụng vũ lực để khống chế người biểu tình.
Bạo lực nổ ra khi những người biểu tình tìm cách phong tỏa giao thông tại khu vực đại lộ Champs-Elysees, nơi có rất nhiều cửa hàng vẫn mở cửa kinh doanh trong tuần lễ bận rộn trước dịp lễ Giáng sinh. Cảnh sát thành phố cho biết đã bắt giữ 142 người biểu tình và 19 đối tượng bị giam giữ, trong đó có một lãnh đạo phe "Áo vàng" là Eric Drouet.
Ngoài thủ đô Paris, biểu tình cũng nổ ra tại một số thành phố khác của Pháp, trong đó có Bordeaux, Caen, Lille, Lyon, Marseille, Nantes, Rouen Saint-Etienne và Toulouse. Trong khi đó, gần biên giới Pháp - Tây Ban Nha, hàng trăm người biểu tình đã làm gián đoạn giao thông khi tụ tập quanh một đường cao tốc và dựng lều tại đây. Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình này. Đáng chú ý, ở khu vực biên giới giữa Pháp và vùng Catalonia của Tây Ban Nha, hàng chục nhà hoạt động đòi ly khai của Catalonia cũng tham gia cùng người biểu tình Pháp với trang phục tương tự phe "Áo vàng".
Trước đó một ngày, Quốc hội Pháp đã thông qua gói biện pháp cắt giảm thuế đầu tiên do Tổng thống Emmanuel Macron công bố trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực của phe "Áo vàng". Chỉ vài giờ sau quyết định này, Thủ tướng Edouard Philippe cũng đã đến thăm vùng Haute-Vienne ở miền Trung nước Pháp để tìm hiểu về sự bất bình của những người dân nông thôn đối với chính quyền địa phương.
Các cuộc biểu tình "Áo vàng" bắt đầu từ ngày 17/11 nhằm phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu, song đã bùng lên thành một làn sóng phản đối lịch trình kinh tế của Tổng thống Macron. Sau 3 tuần xảy ra biểu tình, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, tăng lương tối thiểu, không đánh thuế tiền làm thêm giờ và các khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động,... Sau hàng loạt động thái nhượng bộ từ phía chính phủ, số lượng người biểu tình đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho rằng mặc dù làn sóng biểu tình "Áo vàng" có xu hướng hạ nhiệt song vẫn còn một số thành phần bất mãn với thể chế tiếp tục xuống đường biểu tình.