Trong tuần qua, các lực lượng Iraq đã tiến chậm hơn nhằm tránh thương vong cho binh sĩ và dân thường, giữa lúc các tay súng IS gia tăng các vụ tấn công liều chết bằng bom xe tại những khu vực đông dân cư.
Lực lượng an ninh người Kurd triển khai tại Kirkuk ngày 21/10 sau khi các tay súng IS tiến hành nhiều vụ tấn công liều chết tại thành phố này. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quân đội Iraq hiện đang làm chủ một số mặt trận tại Mosul, thành phố lớn thứ hai và là thành trì chủ chốt cuối cùng của IS tại quốc gia này.
Trong khi đó, các lực lượng đặc nhiệm đã tiến sâu hơn và giành quyền kiểm soát một số quận nội thành của Mosul. Một số sĩ quan quân đội giấu tên cho biết, tới thời điểm này, các lực lượng quân đội và an ninh Iraq đã giải phóng hai quận Qadisiya và Zahra, đồng thời tiếp tục tiến sâu hơn để tái chiếm các quận lân cận ở thành phố này trong vài ngày tới.
Thiếu tướng Sami al-Aridi, một chỉ huy của lực lượng đặc nhiệm Iraq, cho biết: "Vũ khí duy nhất còn lại của các tay súng IS là bom xe và thiết bị nổ. Nhóm khủng bố này hiện có rất nhiều xe dân sự và những chiếc này có thể nổ tung bất cứ lúc nào".
Trước đó ngày 12/11, IS đã tiến hành một số vụ đánh bom xe liều chết, khiến một trẻ em thiệt mạng và làm hàng chục binh sĩ và dân thường bị thương. Các lực lượng Iraq đã buộc phải đào hào và dựng hàng rào bê tông trên các tuyến đường đường để ngăn chặn các vụ tấn công liều chết bằng bom xe của IS.
Từ ngày 17/10, các lực lượng của Iraq bắt đầu chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giải phóng Mosul từ IS và đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, chiếc dịch quân sự được coi là lớn nhất của Iraq kể từ năm 2003 đang vấp phải sự phản kháng ác liệt từ các tay súng IS. Chúng đã sử dụng các phương thức tiêu cực, như hành quyết tập thể, bắt dân thường làm lá chắn sống, tấn công liều chết bằng bom xe...
Cơ quan Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 8/11 cho biết các tay súng IS đã bắt cóc hàng nghìn người trong quá trình rút chạy khỏi thị trấn Hamam al-Alil khi lực lượng quân đội Iraq tái chiếm thị trấn này. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tới nay đã có 49.000 người rời bỏ Mosul đi lánh nạn, song vẫn còn hàng trăm nghìn người đang mắc kẹt tại những khu vực do IS kiểm soát.