Cuba phản đối Mỹ siết chặt lệnh cấm vận

Ngày 16/1, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã ra tuyên bố phản đối việc Mỹ gia hạn việc ngừng thực hiện Điều khoản III chống Cuba trong Luật Helms-Burton, vốn được ban hành từ năm 1996, chỉ trong vòng 45 ngày, thay vì 6 tháng như thông thường.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla. Ảnh: Lê Hà/Pv TTXVN tại Cuba

Hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Rodriguez đăng tải trên tài khoản Twitter nhấn mạnh quyết định của chính quyền Washington là động thái gây sức ép chính trị và đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế nhằm siết chặt lệnh cấm vận trong 6 thập kỷ qua chống đảo quốc Caribe này. Ông nêu rõ kể từ khi Luật Helms-Burton có hiệu lực từ năm 1996, tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều ngừng việc thực thi Điều khoản III do điều khoản này gây ra những tác động tiêu cực không chỉ đối với Cuba mà đối với Mỹ và một số quốc gia khác.

Điều khoản III của Luật Helms-Burton cho phép công dân Mỹ là người Cuba tị nạn kiện lên tòa án nước này những công ty, cá nhân nước ngoài và Cuba được hưởng lợi từ các tài sản từng thuộc sở hữu của họ tại Cuba và đã được chính quyền La Habana quốc hữu hóa từ sau năm 1959. Tuy nhiên, khác với các Tổng thống Mỹ trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày thông báo chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định gia hạn việc ngừng thực thi điều khoản trên chỉ trong 45 ngày, bắt đầu từ ngày 1/2 tới,  thay vì 6 tháng, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét thúc đẩy điều khoản gây tranh cãi này có hiệu lực. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington tiến hành xem xét kỹ lưỡng về thời gian ngừng thực thi Điều khoản III xuất phát từ những lợi ích quốc gia của Mỹ. 

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ thúc đẩy Điều khoản III có hiệu lực là động thái "gậy ông đập lưng ông". Giáo sư William Leogrande thuộc Đại học American cho rằng điều này sẽ dẫn tới sự hỗn loạn về pháp lý, "chọc giận" các đồng minh châu Âu tại Mỹ và Mỹ Latinh, vốn đang đẩy mạnh quan hệ thương mại với Cuba, và thậm chí kéo theo loạt vụ kiện Washington tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, sẽ có khoảng 200.000 vụ kiện  hoặc hơn nêu Điều khoản III của Luật Helms-Burton có hiệu lực. 

Cuba và Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 2015. Tuy nhiên, quan hệ hai nước sau đó lại xấu đi với việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và  thực thi các chính sách đảo ngược lại nỗ lực hàn gắn quan hệ với đảo quốc Caribe này của người tiền nhiệm Barack Obama.

Tháng 11/2017, Washington đã công bố một loạt các biện pháp thắt chặt cấm vận của Mỹ chống Cuba, bao gồm hạn chế hoạt động đi lại Cuba của người dân Mỹ, cũng như hạn chế những hoạt động kinh doanh của các thực thể Mỹ với các tổ chức, doanh nghiệp Cuba có liên quan tới các lực lượng vũ trang và Bộ Nội vụ Cuba.

Thanh Hương (TTXVN)
Cuba lên án lệnh cấm vận của Mỹ 'vi phạm nhân quyền có hệ thống'
Cuba lên án lệnh cấm vận của Mỹ 'vi phạm nhân quyền có hệ thống'

Ngày 24/8, Chính phủ Cuba thông báo thiệt hại kinh tế của nước này do lệnh cấm vận của Mỹ gây ra đã lên tới hơn 4,3 tỷ USD giai đoạn từ tháng 4/2017 - 3/2018, đồng thời chỉ trích lệnh cấm vận này là "sự vi phạm nhân quyền có hệ thống". 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN