Hơn 290 người thiệt mạng và khoảng 500 người khác bị thương trong 8 vụ đánh bom liên tiếp tại các nhà thờ Công giáo, khách sạn hạng sang mà người nước ngoài hay lui tới và những địa điểm khác trong và ngoài thủ đô Colombo ngày 21/4. Mô tả đây là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe kêu gọi người dân hãy mạnh mẽ và đoàn kết. Nhưng đối với nhiều người ở đất nước được coi là "Hòn ngọc trên Ấn Độ Dương" này, chiến tranh vẫn là một quá khứ còn dang dở, xung đột bạo lực đang là câu chuyện chưa có điểm dừng
Sri Lanka vốn có một lịch sử dài chống chủ nghĩa khủng bố và ly khai. Cuộc chiến gần 30 năm chống tổ chức ly khai cực đoan Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) đã cơ bản chấm dứt năm 2009. Tuy nhiên, ở một đất nước đa tôn giáo, đa sắc tộc với nhiều biến cố trong lịch sử như Sri Lanka, có lẽ những mầm mống xung đột luôn tiềm ẩn và dễ dàng bùng phát. Cộng đồng người Cơ đốc giáo chỉ chiếm khoảng 7-8% dân số nước này, người Hồi giáo 10%, Hindu giáo 13%, còn lại là Phật giáo.
Xung đột giáo phái và sắc tộc trở thành vấn đề dai dẳng làm đau đầu tất cả các chính phủ ở Sri Lanka. Bản thân sự xuất hiện của LTTE và cuộc chiến tranh đẫm máu ở Sri Lanka từ năm 1983 cũng được cho bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa cộng đồng người thiểu số Tamil theo đạo Hindu và cộng đồng sắc tộc Sinhala theo Phật giáo. Sau thời gian được "ưu đãi" với chính sách "chia để trị" dưới thời thực dân Anh, sau khi Sri Lanka giành độc lập, với quan điểm rằng Sri Lanka là "đất nước của người Sinhala theo Phật giáo", những người thiểu số Tamil dường như bị tách khỏi các hoạt động văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước, trở thành mục tiêu của các nhóm tội phạm người Sinhala.
Mặc dù chiến tranh đã kết thúc 10 năm, đến nay Sri Lanka vẫn chưa thể thực hiện hòa giải và giải quyết thỏa đáng quá khứ xung đột. Từ năm 2011, liên tục xuất hiện những "làn sóng" tấn công nhằm vào cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại Sri Lanka. Tháng 6/2014, Sri Lanka đã phải ban bố lệnh giới nghiêm tại khu du lịch miền Nam nổi tiếng của nước này sau khi căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo thiểu số và tín đồ Phật giáo quá khích leo thang thành các cuộc đụng độ làm gần 50 người bị thương. Tháng 3/2018, bạo lực tôn giáo bùng phát và lan rộng buộc Tổng thống Maithripala Sirisena phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và triển khai quân đội ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thậm chí, các cuộc tấn công, bạo lực tôn giáo diễn ra không phải tự phát mà là có tổ chức.
Trong bối cảnh đó, những tư tưởng ly khai, cực đoan, thánh chiến... mà các tổ chức khủng bố "gieo rắc" thông qua nhiều hình thức cũng xâm nhập vào Sri Lanka dễ dàng hơn. Năm 2016, Chính phủ Sri Lanka tiết lộ 32 công dân nước này đã gia nhập tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và đã rời bỏ đất nước. Một số báo cáo chỉ ra rằng các thành viên IS ở Ấn Độ có quan hệ với Sri Lanka, làm dấy lên lo ngại sau khi IS bị đánh bại, nhiều khả năng những thành viên của nhóm khủng bố này sẽ quay trở về. Điều này có vẻ giống với chủ nghĩa cực đoan ở Bangladesh thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công ở Dhaka năm 2016 do những thành viên có học vấn của IS thực hiện nhằm vào người nước ngoài tại một quán cà phê.
Mặc dù trước đây các vụ tấn công nhân dịp lễ Phục sinh do các nhóm Hồi giáo cực đoan tiến hành cũng từng xảy ra trên thế giới, như vụ ở Pakistan (năm 2016 làm 75 người thiệt mạng) và Ai Cập (năm 2017 làm 45 người chết), song mức độ phức tạp và bản chất phối hợp của loạt vụ tấn công vừa qua ở Sri Lanka dường như giống với các vụ tấn công ở Mumbai năm 2008 hơn. Năm đó, 12 vụ đánh bom phối hợp và xả súng diễn ra tại nhiều địa điểm ở Mumbai, như một quán cà phê, khách sạn Taj Mahal Palace, khách sạn Oberoi Trident và một cơ sở Do Thái giáo.
Hầu hết các vụ tấn công chết người trước đây ở Sri Lanka đều do phiến quân LTTE thực hiện. Song hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào thừa nhận thực hiện các vụ tấn công mới nhất. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến các vụ tấn công liên hoàn ở Sri Lanka. Đây có thể là sản phẩm của hành động thù địch chống phương Tây hoặc chống chính phủ, hay thậm chí bắt nguồn từ sự thù ghét của chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo. Có ý kiến liên hệ đây là hành động của những phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm trả đũa các vụ xả súng tại hai đền thờ Hồi giáo ở New Zealand giữa tháng 3 vừa qua khiến gần 50 người thiệt mạng. Nếu vậy, kiểu tấn công này có thể lặp lại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới nhằm vào các nhà thờ của người Công giáo.
Sri Lanka cũng là nơi có một số phong trào Phật giáo cực đoan mạnh, hoạt động dưới khẩu hiệu "người Sri Lanka là người Phật giáo", bên cạnh những phong trào Hindu giáo cực đoan ngày càng gia tăng ở khu vực miền Đông, nơi cộng đồng người Hindu sống tập trung. Một khả năng khác là loạt vụ tấn công này có liên quan đến lễ kỷ niệm 10 năm (2009-2019) kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu kgiữa các lực lượng chính phủ và phiến quân LTTE ở miền Bắc Sri Lanka vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì, chính phủ nước này đã thừa nhận rằng các cơ quan an ninh và tình báo không hay biết về việc ai đứng sau hay động cơ gây ra các vụ tấn công. Chỉ đến khi xảy ra vụ việc, Chính phủ Sri Lanka mới ban hành lệnh giới nghiêm, chặn các mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin để tránh lan truyền tin giả, trong khi các lực lượng chức năng lùng sục truy tìm thủ phạm.
Tư lệnh cảnh sát Sri Lanka Pujuth Jayasundara được cho là đã đưa ra cảnh báo hồi đầu tháng Tư về một nguy cơ tấn công nhằm vào các nhà thờ và văn phòng Cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka, gần các khách sạn trở thành mục tiêu. Tuy nhiên, không rõ liệu quan chức này có tin đó thực sự là mối đe dọa hay không, bởi dường như công tác an ninh đã không được tăng cường trước thềm lễ Phục sinh. Điều đáng lo ngại, là những vụ tấn công kiểu này lại đang trở nên thường xuyên hơn, nhất là khi các chính phủ chưa thể tìm ra cách thức để ngăn chặn, bất chấp việc sở hữu những công nghệ tối tân nhất và hợp tác với nhau để chia sẻ thông tin tình báo.
Những biện pháp Chính phủ Sri Lanka đưa ra sau loạt vụ khủng bố có thể tạm thời làm yên lòng dân, song mới chỉ giải quyết được phần ngọn khi những mâu thuẫn gốc rễ dẫn tới nguy cơ xung đột và bạo lực vẫn luôn tiềm ẩn. Tới nay, Chính phủ Sri Lanka vẫn khá lúng túng trong hoạt động chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Cộng đồng Hồi giáo ở quốc gia Nam Á từng chỉ trích rằng làn sóng tấn công vào cộng đồng này đã tái diễn nhiều năm song chính quyền dường như "làm ngơ", không ai chịu trách nhiệm sau các vụ bạo lực tôn giáo. Việc Chính phủ Sri Lanka "bất lực" trong giải quyết xung đột tôn giáo càng làm tình hình thêm phức tạp. Tình trạng bất bình đẳng giữa các tôn giáo và sắc tộc cũng khiến mâu thuẫn trong xã hội luôn âm ỉ. Các nỗ lực đối thoại để xây dựng lòng khoan dung tôn giáo ở Sri Lanka chưa mang lại kết quả.
Trong khi đó, một báo cáo của Liên hợp quốc tháng 7 năm ngoái chỉ ra rằng việc thực hiện các cam kết của chính phủ đoàn kết sau năm 2015 nhằm đảm bảo thực thi công lý về các tội ác trong quá khứ hầu như không đạt được tiến triển. Theo tài liệu này, các lực lượng an ninh tiếp tục sử dụng vũ lực mạnh tay, như tra tấn, mà không bị trừng phạt, và nhiều người đã trở thành nạn nhân của tình trạng lạm dụng tư pháp trong quá trình thực thi Đạo luật ngăn ngừa khủng bố. Bên cạnh đó, những yếu kém về an ninh, tình báo khiến nguy cơ tái diễn những vụ khủng bố tương tự ở Sri Lanka là rất cao.
Với con số thương vong khoảng 800 người, đây là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất trong nhiều năm qua ở Sri Lanka, phá vỡ một thập niên hòa bình dù mong manh sau khi kết thúc cuộc nội chiến ác liệt ở nước này. Vết thương chiến tranh chưa lành, nay Sri Lanka lại phải gồng mình đối phó với mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng, đặc biệt khi giới chức nước này không hề được chuẩn bị sẵn sàng cho loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tương tự.