Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 28/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 149.289.818 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.147.190 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 801.473 và 13.866 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 127.326.251 người, 18.813.969 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.026 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (362.902 ca), Brazil (71.107 ca) và Mỹ (43.457); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.285 ca), tiếp theo là Brazil (2.818 ca) và Mỹ (777 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.918.502 triệu người, trong đó có 587.276 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 17.988.637 ca nhiễm, bao gồm 201.165 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 14.441.563 ca bệnh và 395.022 ca tử vong.
Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 277 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 272 người và Bosnia-Herzegovina với 255 người/100.000 dân.
Ấn Độ lại lập kỷ lục ca nhiễm mới; tổng ca bệnh có thể cao hơn báo cáo 30 lần, tới hơn nửa tỷ người
Theo trang thống kê worldometers, trong 24 giờ qua, Ấn Độ lại lập kỷ lục thế giới về ca nhiễm mới, với 362.902 ca, trong khi có thêm 3.285 ca tử vong mới.
CNN cho biết, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng hơn 17,9 triệu ca mắc COVID kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng con số thực, theo các chuyên gia, có thể cao gấp 30 lần, đồng nghĩa lên tới trên nửa tỷ ca mắc.
Các nhân viên y tế và nhà khoa học ở Ấn Độ từ lâu đã cảnh báo rằng các ca nhiễm COVID-19 và các trường hợp tử vong được báo cáo thiếu đáng kể vì một số lý do, bao gồm cơ sở hạ tầng yếu kém, lỗi của con người và tỉ lệ xét nghiệm thấp.
Ông Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách về bệnh tật ở New Delhi, cho biết: “Mọi người đều biết rằng cả số ca bệnh và số tử vong đều là những con số thấp nhất”. “Năm ngoái, chúng tôi ước tính rằng chỉ có một trong số khoảng 30 trường hợp nhiễm virus được phát hiện bằng cách xét nghiệm, vì vậy con số được báo cáo thấp hơn rất nhiều so với ca nhiễm thực sự. Thời gian này, số liệu tử vong có lẽ là những đánh giá thấp hơn thực tế nghiêm trọng, và những gì chúng ta đang thấy trên thực tế là nhiều ca tử vong hơn so với những gì được báo cáo chính thức", ông Ramanan nói.
Theo các mô hình dự đoán từ Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington (Mỹ) thì số người chết tại Ấn Độ có thể sẽ lên tới hơn 13.000 người một ngày - gấp hơn bốn lần số người chết hàng ngày được báo cáo hiện tại”.
Ấn Độ đã cam kết hỗ trợ y tế khẩn cấp trong bối cảnh các bệnh viện quá tải tiếp tục không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do thiếu giường bệnh và nguồn cung cấp oxy. Nước này cũng đã nhập khẩu 20 xe đông lạnh và chuyển số xe này tới các bang trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu xe chứa oxy.
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, cũng đã cam kết viện trợ y tế khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này đang "oằn mình" chống chọi với số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến.
Mỹ: Trên 67% người trưởng thành đã tiêm đủ vaccine
Tổng thống Joe Biden ngày 27/4 (theo giờ địa phương) cho biết, nước Mỹ đã đạt "tiến bộ đáng kinh ngạc", với trên 67% người trưởng thành đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ.
Ông cho biết: "Khi tôi lên nắm quyền vào tháng 1, chúng ta đang mất hàng chục ngàn người trưởng thành mỗi tuần... Khi đó, không đầy 1% người lớn được tiêm đủ vaccine. Ngày hôm nay, sau không đầy 100 ngày, trên 67%, tức 2/3 người trưởng thành, đã được tiêm đầy đủ vaccine. Và trên 80% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 mũi. NỖ lực đó đã giúp giảm 80% ca tử vong ở người Mỹ, giảm 70% ca nhập viện".
Triều Tiên mở lại một phần trường học
Cùng ngày, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin đã mở lại một phần các trường học, sau khi chuyển sang hình thức học trực tuyến vào năm 2020 do lo ngại dịch bệnh. Các hình ảnh phát sóng trên truyền hình cho thấy học sinh đeo khẩu trang đang đọc sách bên trong lớp học.
Các trường học ở Triều Tiên thường bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, năm ngoái, các trường học ở nước này đã mở lại vào tháng 6/2020 để tránh tụ tập đông người.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn tuyên bố chưa có ca mắc COVID-19, nhưng nước này đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt phòng tránh dịch bệnh, trong đó có việc kiểm soát biên giới từ đầu năm 2020.
Hong Kong (Trung Quốc) khởi động “bong bóng vaccine”
Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 ở Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang có xu hướng cải thiện, chính quyền đặc khu đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội thông qua chương trình "bong bóng vaccine", có hiệu lực từ ngày 29/4. Thông báo trên được Cục trưởng Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Hong Kong Trần Triệu Thủy (Sophia Chan) đưa ra ngày 27/4.
Các nhà hàng đủ điều kiện có thể mở cửa hoạt động muộn nhất đến 2h00' sáng hôm sau và 6 loại hình kinh doanh, trong đó có quán bar, karaoke và phòng tiệc, có thể mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa từ cuối tháng 11/2020. Nếu tất cả nhân viên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, các nhà hàng có thể mở cửa đến 00h00, với điều kiện khách hàng cần cài đặt và sử dụng ứng dụng “Đi lại an toàn” (LeaveHomeSafe) và nhà hàng chỉ được phục vụ 50% công suất. Nếu tất cả nhân viên đã tiêm đủ 2 liều vaccine được 14 ngày thì nhà hàng có thể mở cửa đến 2h00' sáng hôm sau, khách hàng cũng phải cài đặt và sử dụng ứng dụng “Đi lại an toàn” (LeaveHomeSafe) và công suất phục vụ là 75%.
Trước đó một ngày, chính quyền Đặc khu Hong Kong cũng đã công bố thỏa thuận đi lại “bong bóng đi lại hàng không” giữa Singapore và Hong Kong bắt đầu được thực hiện từ ngày 26/5 tới. Thỏa thuận này cho phép người từ Singapore và Hong Kong khi nhập cảnh phía kia không phải tiến hành các biện pháp cách ly.
Tính đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 11.748 ca mắc COVID-19, trong đó có 209 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với các thành phố phát triển khác.
Trung Quốc đề xuất hỗ trợ vaccine cho các nước Nam Á
Ngày 27/4, Trung Quốc đã đề xuất hỗ trợ các quốc gia Nam Á tiếp cận nguồn cung vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Cuộc họp trực tuyến do Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì với sự tham dự của đại diện các nước Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh.
Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng thiết lập nguồn cung khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước Nam Á trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông cũng khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ.
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, cũng đã cam kết viện trợ y tế khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này đang "oằn mình" chống chọi với số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến.
Nhật Bản lập trung tâm tiêm chủng khổng lồ
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi thành lập một trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở thủ đô Tokyo để đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi. Nhật Bản đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào giữa tháng 2 nhưng lại tụt hậu so với các nước tiên tiến khác như Israel, Anh và Mỹ. Chỉ hơn 1% trong tổng dân số 126 triệu người mới được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hầu hết là nhân viên y tế. Thủ tướng Suga cho biết chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho người cao tuổi vào cuối tháng 7 tới.
Đông Nam Á - Lào: 18/18 tỉnh thực hiện phong toả, giới nghiêm
Chiều 27/4, Lào ghi nhận thêm 75 ca mắc mới COVID-19, giảm 38 ca so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, số tỉnh/thành của Lào có ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng, cho thấy dịch vẫn tiếp tục lan rộng tại nước này.
Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 cho biết sau một ngày có số ca mắc mới thấp hơn tỉnh Champasak, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục có số người nhiễm cao nhất cả nước trong 24 giờ qua với 59 ca. Tiếp đó là tỉnh Champasak, tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Savannakhet, tỉnh Bokeo, tỉnh Luang Prabang và Xiengkhuang.
Với 59 ca mắc mới, thủ đô Viêng Chăn hiện có 333 ca mắc COVID-19, cao nhất trên cả nước, chủ yếu là các ca được phát hiện từ ngày 20/4 và đều có liên quan đến bệnh nhân số 59. Đáng chú ý, với việc tỉnh Xiengkhuang lần đầu có ca mắc COVID-19, số tỉnh/thành có người nhiễm bệnh đã lên tới 15/18, trong đó có tới 8 tỉnh tiếp giáp 9 tỉnh của Việt Nam gồm Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Hiện chỉ còn 2 tỉnh của Lào có chung đường biên giới với các tỉnh của Việt Nam là tỉnh Houaphanh và tỉnh Attapue là chưa có ca mắc COVID-19.
Tỉnh Xiengkhuang, Bắc Lào sáng 27/4 cũng áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn tỉnh. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 18/18 tỉnh/thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm. Tính đến thời điểm hiện tại, Lào ghi nhận tổng cộng 511 ca mắc COVID-19, tất cả bệnh nhân của Lào đều trong trạng thái sức khỏe ổn định, chưa có trường hợp diễn biến nghiêm trọng hoặc tử vong.
Thái Lan: Ca tử vong trong ngày cao nhất từ đầu dịch
Thái Lan ngày 27/4 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay sau khi quốc gia Đông Nam Á này xác nhận thêm 15 bệnh nhân không qua khỏi.
Giới chức Thái Lan ngày 27/4 cũng ghi nhận thêm 2.179 ca nhiễm mới, nâng tổng số các ca bệnh từ trước tới nay lên 59.687 ca, trong đó có 163 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận, có 2.149 ca lây nhiễm cộng đồng, 25 ca được phát hiện thông qua việc chủ động xét nghiệm và 5 ca ngoại nhập. Cho đến nay, Thái Lan vẫn còn 25.973 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong các bệnh viện, trong đó có 5.665 người tại các bệnh viện dã chiến và 169 người phải thở máy.
Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng một hệ thống chỉ huy duy nhất để nâng cao hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 quốc gia, với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30 triệu người trong 3 tháng tới và 50 triệu người vào cuối năm nay trên tổng dân số gần 70 triệu người.
Campuchia đóng cửa toàn bộ sòng bạc ở các tỉnh giáp giới Thái Lan
Bộ Y tế Campuchia chiều 27/4 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 508 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên tới 11.063 người, trong đó 3.704 trường hợp đã bình phục và 82 người không qua khỏi.
Làn sóng lây nhiễm cộng đồng đã lan tới tỉnh vùng biên xa xôi của Campuchia giáp Thái Lan là Banteay Meanchey - nơi chính quyền địa phương vừa ra lệnh tạm thời đóng cửa toàn bộ các khu sòng bạc tại tỉnh này từ ngày 27/4 để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Chính quyền cũng cho phong tỏa một số khu vực ở thành phố Poipet gần biên giới với Thái Lan đề phòng khả năng dịch lan vào các khu dân cư xung quanh.
Trong khi đó, tại Kampong Chhnang - một trong những tỉnh có đông cộng đồng người gốc Việt sinh sống, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 90km, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh phong tỏa 2 thôn Kampong Preah và Chhnuk Trou Village. thuộc huyện Boribo sau khi phát hiện 4 người gốc Việt nhiễm virus SARS-CoV-2.
Philippines sẽ gia hạn phong toả thủ đô
Cũng trong ngày 27/4, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 7.204 ca mắc mới và 63 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.013.618 và 16.916.
Bộ Y tế Philippines đã đề nghị gia hạn các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận, nhấn mạnh sự cần thiết của việc hạn chế lây nhiễm và cải thiện hệ thống y tế. Theo kế hoạch, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đưa ra quyết định về biện pháp trên trong ngày 27/4.
Kể từ ngày 29/3, Philippines đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vòng 1 tháng đối với vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận.
Mexico:
Tại Mexico, nhà chức trách đã cho phép những công ty tư nhân tại thủ đô Mexico City mở cửa trở lại từ ngày 26/4 - lần đầu tiên sau hơn một năm đóng cửa vì dịch COVID-19. Thị trưởng Mexico City - bà Claudia Sheinbaum cho biết theo quyết định trên, 500.000 người sẽ có thể trở lại văn phòng làm việc tại thủ đô. Tuy nhiên, các công ty vẫn phải tuân thủ những biện pháp an toàn sức khỏe như đảm bảo giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang, xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 hàng tuần. Trong khi đó, các nhân viên làm việc trong lĩnh vực công sẽ tiếp tục làm việc từ xa. Nhà chức trách Mexico nới lỏng biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc mới và số người nhập viện vì COVID-19 tại thủ đô đã giảm kể từ tháng 1 vừa qua. Theo thống kê chính thức, số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 khi Mexico City hứng chịu làn sóng đầu tiên của dịch bệnh.
Hạ viện Italy phê chuẩn kế hoạch phục hồi sau đại dịch
Hạ viện Italy đã phê chuẩn kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 của chính phủ nước này, vài ngày trước thời hạn chót phải trình văn bản trên lên Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, Thủ tướng Mario Draghi đã thông báo một chương trình phục hồi trị giá 222,1 tỷ euro (268,3 tỷ USD), khẳng định chương trình này sẽ vừa giảm thiểu những tác hại do dịch bệnh gây ra, vừa giải quyết được các vấn đề dai dẳng về cấu trúc nền kinh tế của Italy. Theo ông, chương trình này sẽ quyết định vận mệnh và uy tín của Italy trên trường quốc tế.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 27/4, Hạ viện Italy đã thông qua chương trình trên với 442 phiếu ủng hộ, 51 phiếu trắng và 19 phiếu chống. Một số nghị sĩ đối lập cho rằng cần có thêm thời gian để nghiên cứu bản kế hoạch dài hơn 300 trang nói trên. Tuy nhiên, Thủ tướng Draghi nhấn mạnh đến hạn chót phải trình kế hoạch lên EU. Ông cho biết: "Điều quan trọng là phải phê chuẩn kế hoạch này trước ngày 30/4 để chúng ta có thể tiếp cận quỹ hỗ trợ của EU trong thời gian sớm nhất".
Italy là nước thành viên EU đầu tiên chịu tác động của đại dịch COVID-19 và hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong năm ngoái, nền kinh tế nước này đã suy giảm tới 8,9% và hơn 119.000 người đã tử vong do COVID-19. Vì vậy, Italy được nhận tài trợ nhiều nhất từ quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro của EU. Nước này hy vọng sẽ nhận được 191,5 tỷ euro dưới dạng hỗ trợ và cho vay trong giai đoạn 2021-2026. Ngoài ra, Chính phủ Italy cũng bổ sung 30,6 tỷ euro trong giai đoạn này, nâng tổng trị giá chương trình phục hồi của nước này lên 222,1 tỷ euro.
Trong kế hoạch tái thiết nền kinh tế này, Chính phủ của Thủ tướng Draghi ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng xanh, dịch vụ Internet và số hóa hành chính công. Ngoài ra, chương trình cũng hỗ trợ tài chính cho phụ nữ và thanh niên lập nghiệp, cải cách hệ thống thuế khóa, hệ thống tư pháp và hành chính công.