Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 24/11 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 258.912.113 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.181.348 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 496.199 và 6.534 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 234.256.902 người, 19.473.863 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 81.286 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 63.280 ca; Đức đứng thứ hai với 54.268 ca; tiếp theo là Anh (42.484 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.243 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (854 ca) và Ukraine (720 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 48.811.860 người, trong đó có 795.834 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.533.473 ca nhiễm, bao gồm 466.147 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.030.182 ca bệnh và 613.066 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 81,47 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 71,12 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 58,44 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 38,84 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,66 triệu ca và châu Đại Dương trên 356.000 ca nhiễm.
Châu Âu nguy cơ thêm 700.000 ca tử vong vào mùa Xuân 2022
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu dự đoán khu vực gồm 53 quốc gia này có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong mới do COVID-19 vào mùa Xuân tới.
WHO khu vực châu Âu cho hay có bằng chứng cho thấy sự sụt giảm về khả năng bảo vệ ở những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trước nguy cơ mắc bệnh, đồng thời khẳng định các quốc gia châu Âu nên ưu tiên triển khai tiêm mũi tăng cường đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người bị suy giảm hệ miễn dịch, người trên 60 tuổi và nhân viên chăm sóc y tế.
WHO khu vực châu Âu chỉ rõ 3 yếu tố dẫn tới việc số ca tử vong gia tăng: đó là biến thể siêu lây nhiễm Delta, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách tại địa điểm công cộng và một bộ phận lớn người dân châu Âu chưa tiêm vaccine. Trước tình hình này, chuyên gia WHO kêu gọi người dân tại châu lục này đi tiêm chủng, tuân thủ các biện pháp kiểm dịch, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tuyên bố của WHO khu vực châu Âu cũng cảnh báo 25 quốc gia tại châu lục này sẽ đối mặt áp lực lớn về giường bệnh; và từ nay đến ngày 1/3/2022, 49 trong tổng số 53 quốc gia châu Âu có thể chứng kiến tình trạng quá tải trong các khu điều trị tích cực. Nếu diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng tiếp diễn, tổng số ca tử vong tại châu Âu có thể tăng lên 2,2 triệu ca vào mùa Xuân tới.
Đức cân nhắc siết chặt các biện pháp chống dịch
Ngày 23/11, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã lên tiếng kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đã tăng cao kỷ lục và Mỹ đưa ra khuyến cáo không nên tới Đức.
Quốc gia đông dân nhất của Liên minh châu Âu (EU) hiện đang phải vật lộn với làn sóng đại dịch thứ tư. Theo số liệu thống kê mới nhất ngày 23/11, trong vòng 24 giờ qua, Đức ghi nhận 54.268 ca mắc mới COVID-19. Tỷ lệ mắc trong 7 ngày là 399,8 ca/100.000 người, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch.
Trong khi đó, các khoa chăm sóc đặc biệt cũng đang quá tải bệnh nhân. Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng đột biến tại Đức trong những tuần qua được cho là do tốc độ tiêm vaccine bị chậm lại. Cho đến nay, chỉ 68% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với một số nước láng giềng.
Hà Lan chuyển bệnh nhân sang Đức điều trị
Ngày 23/11, Hà Lan đã bắt đầu chuyển bệnh nhân COVID-19 của nước này sang Đức điều trị nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong nước.
Trong những tuần gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại các bệnh viện ở Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ kể từ tháng 5 và dự báo sẽ tiếp tục tăng do số ca mắc đang tăng lên mức cao nhất từ đầu dịch.
Theo Cơ quan Y tế Hà Lan (NZA), gần 1/3 trong tổng số các phòng mổ của nước này đã phải đóng cửa để hạn chế sử dụng giường ICU. Khoảng 1/5 trong tổng số các bệnh viện ở Hà Lan không thể đáp ứng hạn chót thực hiện các cuộc phẫu thuật nghiêm trọng. Trong khi đó, các loại hình chăm sóc sức khỏe khác cũng bị cắt giảm ở 49 trong số 73 bệnh viện của nước này.
Bồ Đào Nha phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 dạng ăn được
Các nhà khoa học tại Viện bách khoa Porto của Bồ Đào Nha đang phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 có thể ăn cùng các chất lỏng như sữa chua hoặc nước trái cây.
Người điều phối dự án nghiên cứu trên, Ruben Fernandes, cho biết chất tạo miễn dịch được bào chế từ thực vật và các vi sinh vật được sửa đổi gien có lợi cho sức khỏe. Những lợi khuẩn này là những chất tăng cường miễn dịch tự nhiên, nhưng ở loại vaccine nói trên, chúng được sử dụng để tạo ra một chất mới giúp miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2. Theo ông Fernandes, nghiên cứu này không nhằm thay thế những công nghệ phát triển vaccine hiện nay, thay vào đó mục đích là nhằm tăng cường hệ miễn dịch để các loại vaccine đang được sử dụng hiện nay hoạt động hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với một số sản phẩm từ thực vật và những lợi khuẩn, cho thấy kết quả khả quan. Dự kiến, họ sẽ cho thử nghiệm trên động vật trong thời gian tới. Nếu thành công, các nhà khoa học hy vọng loại vaccine trên có thể được cung cấp rộng rãi cho người dân trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới. Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là bào chế được loại vaccine giá thành rẻ và nguồn cung bền vững.
Ấn Độ: Ca mắc mới thấp nhất trong 543 ngày
Ngày 23/11, Ấn Độ thông báo trong 24 giờ qua, nước này có 7.579 ca mắc mới COVID-19 - mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi qua.
Đáng chú ý, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày tại Ấn Độ liên tục giảm mặc dù vài tuần gần đây đã diễn ra nhiều sự kiện lớn tập trung đông người tại nước này. Trong các dịp lễ Durga Puja vào tháng 10 và Lễ hội Ánh sáng trong tháng 11, hàng triệu người đổ xô đi mua sắm, tụ họp gia đình và phần lớn không đeo khẩu trang. Hiện tại nhiều thành phố lớn của Ấn Độ người dân hầu như không đeo khẩu trang.
Israel tiêm chủng vaccine của Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Ngày 22/11, Israel bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi nhằm bảo vệ nhóm đối tượng này trước mối đe dọa từ làn sóng lây nhiễm mới. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Israel đã thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân từ 5 tuổi trở lên tại nước này.
Việc Israel mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhóm đối tượng trên được thực hiện trong bối cảnh mà Thủ tướng Naftali Bennett mô tả là làn sóng dịch bệnh tấn công trẻ em khi trong số trẻ nhiễm mới, có tới 50% là trẻ dưới 11 tuổi.
Hiện ngoài Israel, Mỹ đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Canada cũng đã cấp phép sử dụng loại vaccine này cho nhóm đối tượng nhỏ tuổi này.
Campuchia: Thiệt hại kinh tế khoảng 2,3 tỷ USD do COVID-19
Ngày 23/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 gây thiệt hại cho Campuchia khoảng 2,3 tỷ trong khoảng 20 tháng qua.
Phát biểu nhân lễ khánh thành Cầu Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc Stung Trang-Kroch Chhmar nối tỉnh Kampong Cham và Tboung Khmum ngày 23/11, ông Hun Sen khẳng định Campuchia đã sử dụng ngân sách quốc gia để mua 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và hơn 14 triệu người dân nước này đã được tiêm phòng. Thủ tướng Campuchia tin tưởng vào quyết định mở cửa kinh tế vào thời điểm này và hy vọng kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng nhanh hơn sau khi mở cửa trở lại, có thể đạt mức tăng 3% năm 2021 và khoảng 5% năm 2022.
Hơn 3 tuần sau khi Campuchia mở cửa lại hầu hết các lĩnh vực, số ca nhiễm COVID-19 theo ngàytại nước này tiếp tục ở mức hai chữ số và mọi hoạt động gần như trở đã lại quỹ đạo bình thường.
Thái Lan đặt mua thêm 30 triệu liều vaccine Pfizer
Nội các Thái Lan ngày 23/11 đã thông qua kế hoạch của Cục Kiểm soát Dịch bệnh mua thêm 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ), đồng thời hy vọng có vaccine thế hệ mới của Pfizer phù hợp với trẻ em.
Theo đó, hãng Pfizer sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ quý I đến quý III năm sau. Thỏa thuận sẽ bao gồm việc cung cấp một thế hệ vaccine mới thích hợp cho trẻ em nếu hãng hoàn thành quá trình phát triển. Với thỏa thuận sửa đổi, Thái Lan đặt hàng tổng cộng 60 triệu liều vaccine của Pfizer.
Dự kiến, Thái Lan sẽ nhận được 155,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay, vượt xa mục tiêu 100 triệu liều mà Chính phủ đặt ra vào tháng 4. Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã đặt mục tiêu mới phải đạt được trước cuối năm nay là 80% dân số được tiêm ít nhất một mũi và 70% dân số được tiêm đủ hai mũi.
Về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 23/11 ghi nhận thêm 5.126 ca mắc mới và 53 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 2.076.135 ca, trong đó có 20.489 ca tử vong.
Indonesia: Một nửa dân số tiêm ít nhất 1 liều vaccine
Theo Straits Times, Indonesia ngày 23/11 thông báo trên 135,4 triệu người dân nước này, tương đương một nửa dân số, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, đánh một dấu mốc quan trọng sau gần nửa năm thực hiện chương trình tiêm chủng.
Cũng theo số liệu do Bộ Y tế Indonesia công bố, 90,2 triệu người Indonesia đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chính phủ đã lên kế hoạch mở rộng mũi tăng cường, hiện đang được tiêm cho nhân viên y tế, ra toàn bộ dân số trưởng thành.
Indonesia về cơn bản đã giải quyết được nguồn cung vaccine, dự kiến tiếp nhận 447 triệu liều đến cuối năm nay, đủ để tiêm cho khoảng 80% tổng dân số.