COVID-19 tại ASEAN hết 23/11: Việt Nam vượt 24.000 ca tử vong; Campuchia thiệt hại 2,3 tỉ USD vì dịch

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận gần 25.000 ca nhiễm mới, 432 ca tử vong. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước ta đã vượt 24.000, trong khi Campuchia ước tính thiệt hại 2,3 tỉ USD vì đại dịch.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại một trường học ở tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 15/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.995 ca mắc mới COVID-19 và 432 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.884.465 trường hợp và 288.868 ca tử vong. Toàn khối có 13.143.384 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế giảm nhiệt ở nhiều quốc gia. Ca nhiễm mới ở Philippines giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 1.153 ca trong ngày 23/11. Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn ở mức cao so với ca nhiễm, với 195 ca trong ngày. Từ ngày 5/11, Philippines đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động phổ biến tại quốc gia này như karaoke và bóng rổ cũng như mở cửa trở lại các trường đại học tại thủ đô Manila.

Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 11.132 ca nhiễm mới, đứng đầu khu vực và 167 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 24.118 người. Cho đến nay, nước ta đã có 911.310 ca hồi phục.

Chú thích ảnh
Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Cambodia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 5.757 ca trong 24 giờ qua. Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới trồi sụt quanh khoảng 5.000-6.000 ca. Gần 95% dân số trưởng thành tại Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Có 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Thái Lan ghi nhận 5.126 ca nhiễm mới trong ngày 23/11. Nước này đã mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, tình hình dịch phức tạp đã khiến Chính phủ Thái Lan ngày 12/11 đã quyết định lùi thời điểm mở lại các địa điểm giải trí vào ban đêm trên toàn quốc cho tới ít nhất là giữa tháng 1/2022 do lo ngại việc mở lại những địa điểm này có thể dẫn tới bùng nổ lây nhiễm mới. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã mở lại hai cửa khẩu biên giới với Malaysia từ ngày 15/11. 

Trong khi đó, Campuchia đã thông báo miễn cách ly đối với tất cả du khách đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ muốn tới thăm nước này kể từ ngày 15/11. Tất cả khách đã tiêm phòng đầy đủ có thể đến Campuchia bằng đường bộ, đường không và đường thủy và không cần cách ly, với điều kiện khách cần có giấy chứng nhận đã tiêm phòng hai mũi và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Có hai loại giấy tờ trên, du khách chỉ cần xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu và có thể tự do đi lại sau khi nhận kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia: Thiệt hại kinh tế khoảng 2,3 tỷ USD do COVID-19

Ngày 23/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 gây thiệt hại cho Campuchia khoảng 2,3 tỷ trong khoảng 20 tháng qua.

Phát biểu nhân lễ khánh thành Cầu Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc Stung Trang-Kroch Chhmar nối tỉnh Kampong Cham và Tboung Khmum ngày 23/11, ông Hun Sen khẳng định Campuchia đã sử dụng ngân sách quốc gia để mua 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và hơn 14 triệu người dân nước này đã được tiêm phòng. Thủ tướng Campuchia tin tưởng vào quyết định mở cửa kinh tế vào thời điểm này và hy vọng kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng nhanh hơn sau khi mở cửa trở lại, có thể đạt mức tăng 3% năm 2021 và khoảng 5% năm 2022.

Chú thích ảnh
Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hơn 3 tuần sau khi Campuchia mở cửa lại hầu hết các lĩnh vực, số ca nhiễm COVID-19 theo ngàytại nước này tiếp tục ở mức hai chữ số và mọi hoạt động gần như trở đã lại quỹ đạo bình thường. Trong thông cáo phát đi ngày 23/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận trong 24 giờ qua có 39 ca mắc COVID-19 và thêm 4 ca tử vong, trong đó 2 ca chưa tiêm phòng. Báo chí Campuchia cũng đưa tin một số trường mẫu giáo tư nhân vẫn hoạt động, bất chấp yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục Campuchia về việc các trường này chưa được mở cửa trở lại để bảo vệ trẻ em còn chưa tiêm phòng COVID-19.

Thái Lan đặt mua thêm 30 triệu liều vaccine Pfizer

Nội các Thái Lan ngày 23/11 đã thông qua kế hoạch của Cục Kiểm soát Dịch bệnh mua thêm 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ), đồng thời hy vọng có vaccine thế hệ mới của Pfizer phù hợp với trẻ em.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết Nội các đã tán thành kế hoạch ký "Thỏa thuận sửa đổi thứ ba về sản xuất và cung ứng" với Pfizer do Bộ Y tế đề xuất. Theo ông Thanakorn, hãng Pfizer sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ quý I đến quý III năm sau. Thỏa thuận sẽ bao gồm việc cung cấp một thế hệ vaccine mới thích hợp cho trẻ em nếu hãng hoàn thành quá trình phát triển. Với thỏa thuận sửa đổi, Thái Lan đặt hàng tổng cộng 60 triệu liều vaccine của Pfizer.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết một số nước châu Âu sẵn sàng tài trợ vaccine cho Thái Lan, nhưng không nói rõ cụ thể những nước nào. Ông Don Pramudwinai đưa ra thông báo trên sau khi một triệu liều vaccine của hãng Moderna do Mỹ tài trợ đã đến Thái Lan hôm 22/11.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại một trường học ở tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 15/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự kiến, Thái Lan sẽ nhận được 155,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay, vượt xa mục tiêu 100 triệu liều mà Chính phủ đặt ra vào tháng 4. Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã đặt mục tiêu mới phải đạt được trước cuối năm nay là 80% dân số được tiêm ít nhất một mũi và 70% dân số được tiêm đủ hai mũi.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 23/11 ghi nhận thêm 5.126 ca mắc mới và 53 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 2.076.135 ca, trong đó có 20.489 ca tử vong.

Lào đã tiêm vaccine cho 64,5% người trưởng thành

Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn thông báo của Trung tâm Thông tin và Giáo dục Y tế, Bộ Y tế Lào, cho biết đã có 64,5% người trưởng thành tại nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là một trong những bước chuẩn bị để Lào mở cửa trở lại đất nước trong thời gian tới.

Theo thông báo, Lào hiện đang sử dụng 6 loại vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân gồm vaccine Sputnik V, vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Johnson&Johnson. Lào cũng đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm từ 12-17 tuổi nhằm sớm mở cửa trở lại các trường học trên cả nước sau một thời gian dài đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Học sinh từ 12-17 tuổi đang chờ quét mã QR tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane, trước khi được phát thẻ vào tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 3,6 triệu người tại Lào đã được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, chiếm hơn 50% dân số trưởng thành và hơn 3 triệu người đã tiêm đủ 2 liều, tương đương gần 42% dân số, trong đó thủ đô Viêng Chăn có số người được tiêm vaccine cao nhất cả nước với tỷ lệ 90%.

Liên quan tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 23/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.323 ca mắc mới và 4 ca tử vong. Sau 2 ngày có chiều hướng giảm, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng trở lại ở mức 4 con số. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 64.482 ca, trong đó có 137 người tử vong.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia: Một nửa dân số tiêm ít nhất 1 liều vaccine

Theo Straits Times, Indonesia ngày 23/11 thông báo trên 135,4 triệu người dân nước này, tương đương một nửa dân số, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, đánh một dấu mốc quan trọng sau gần nửa năm thực hiện chương trình tiêm chủng.

Cũng theo số liệu do Bộ Y tế Indonesia công bố, 90,2 triệu người Indonesia đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chính phủ đã lên kế hoạch mở rộng mũi tăng cường, hiện đang được tiêm cho nhân viên y tế, ra toàn bộ dân số trưởng thành. 

Indonesia về cơn bản đã giải quyết được nguồn cung vaccine, dự kiến tiếp nhận 447 triệu liều đến cuối năm nay, đủ để tiêm cho khoảng 80% tổng dân số.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 24/11: Châu Âu nguy cơ thêm 700.000 ca tử vong; Đức quá tải bệnh nhân nặng
COVID-19 tới 6h sáng 24/11: Châu Âu nguy cơ thêm 700.000 ca tử vong; Đức quá tải bệnh nhân nặng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 496.000 ca nhiễm và 6.534 ca tử vong. Châu Âu đối mặt nguy cơ thêm 700.000 người chết vì COVID-19 trong mùa Xuân tới, trong khi nước Đức đang quá tải bệnh nhân chăm sóc đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN