Theo trang thống kê worldometer.info, trong vòng 24 giờ tính đến 6h ngày 20/1 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận 541.075 ca nhiễm mới và 13.880 ca tử vong do bệnh COVID-19.
Như vậy, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 96.554.751 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.063.186 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 69.193.060 người, 25.292.237 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.654 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (141.728 ca), Brazil (61.626 ca) và Tây Ban Nha (34.291 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.286 ca), tiếp theo là Anh (1.610 ca) và Brazil (1.163 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 411.004 ca tử vong trong tổng số 24.776.905 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 152.747 ca tử vong trong số 10.582.647 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 211.491 ca tử vong trong số 8.573.864 bệnh nhân.
Mỹ: Giám đốc đề cử CDC cam kết giải quyết đại dịch, khôi phục lòng tin
Bà Rochelle Walensky, người sắp đảm nhiệm vai trò giám đốc Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 19/1 tuyên bố một số ưu tiên của bà ngay khi nhậm chức là hỗ trợ các bang thực hiện các chương trình tiêm chủng COVID-19, yêu cầu người dân Mỹ tiếp tục đeo khẩu trang và tiến hành nhiều biện pháp phòng ngừa khác.
Bà Walensky nhấn mạnh CDC sẽ phải thuyết phục người dân Mỹ để họ không hoài nghi về vaccine ngừa COVID-19 đồng thời cam kết sẽ khôi phục lòng tin của công chúng Mỹ đối với CDC.
CDC cũng sẽ tổ chức họp báo định kỳ, công bố dữ liệu và khuyến nghị cập nhật liên quan tới đại dịch. Bà Walensky sẽ ưu tiên củng cố hệ thống các sở y tế trong nước Mỹ vốn đã nhiều năm rơi vào tình trạng thiếu ngân sách và cắt giảm nhân viên đồng thời hiện đại hóa hệ thống dữ liệu đã bắt đầu lạc hậu của CDC.
Bà Walensky, 51 tuổi, sẽ chính thức trở thành giám đốc CDC vào ngày 20/1/2021 thay thế ông Robert Redfield trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn đang đe dọa sẽ khiến nước Mỹ đối mặt với làn sóng nhiễm bệnh mới trong vài tuần tới, nỗ lực triển khai tiêm chủng ở Mỹ vẫn khá chậm.
Colombia: Bộ trưởng Quốc phòng mắc COVID
Tại châu Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Carlos Holmes Trujillo đang phải điều trị tích cực tại bệnh viện sau khi mắc COVID-19. Trước đó, nhiều quan chức khác của Colombia cũng đã mắc COVID-19, trong đó bao gồm Phó Tổng thống Marta Lucia Ramirez và Ngoại trưởng Claudia Blum.
Tính đến nay, nước này có hơn 1,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 48.600 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, giới chức Colombia thông báo sẽ trục xuất những người nước ngoài bị phát hiện tham gia các bữa tiệc bí mật, vi phạm lệnh cấm tụ tập để phòng dịch COVID-19. Thị trưởng thành phố Bogota - bà Claudia Lopez cũng cho biết sẽ ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn thành phố từ ngày 26/1 để đối phó với tình trạng các ca nhiễm mới gia tăng có thể đẩy các bệnh viện trong thành phố vào tình trạng quá tải. Cuối tuần tới, Bogota có thể phải áp dụng lệnh cách ly tuần thứ 3 liên tiếp, theo đó, các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa từ 20h thứ Sáu đến 4h thứ Hai tuần tiếp theo. Tại một số khu vực ở thành phố Bogota, các biện pháp hạn chế sẽ vẫn có hiệu lực cho ngày 28/1 tới.
Châu Âu: Pháp phát hiện 2.000 ca nhiễm "biến thể ở Anh"
Tại châu Âu, cùng ngày 19/1, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết nước này đã phát hiện khoảng 2.000 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn (được xác định lần đầu tiên ở Anh). Theo ông Veran, các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 chiếm 1,4% trong tổng số các ca nhiễm mới được xác nhận ở Pháp mỗi ngày. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu y tế và sức khỏe quốc gia Pháp cho rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ trở nên lây lan mạnh trong nước từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
Đức gia hạn phong toả, bắt buộc đeo khẩu trang phẫu thuật
Thủ tướng Đức Angela Merkel và 16 thủ hiến bang ngày 19/1 đã nhất trí gia hạn phong toả bộ phận đến ngày 14/2. Quyết định này được đưa ra trước lo ngại về sự lây lan của biến thể virus mới, khiến tình hình đại dịch trầm trọng thêm.
Các nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc và hầu hết các cửa hàng sẽ vẫn đóng cửa cho đến giữa tháng 2, theo thông báo của bà Merkel trong buổi họp báo sau cuộc họp. Các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em tiếp tục đóng cửa. Nhưng các bang sẽ có các cách tiếp cận khác nhau và sẽ xử lý thủ tục riêng lẻ, đặc biệt là đối với các khoá học cấp cứu và tốt nghiệp. Các biện pháp mới bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang phẫu thuật FFP2 trên các phương tiện giao thông công cộng và các cửa hàng, bà Merkel tuyên bố.
Bồ Đào Nha cấm di chuyển giữa các thành phố
Trong khi đó, Chính phủ Bồ Đào Nha cùng ngày đã công bố thêm các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ sẽ cấm người dân di chuyển giữa các thành phố vào các ngày cuối tuần và cấm mọi hoạt động kinh doanh, trừ bán các mặt hàng thực phẩm
. Lực lượng an ninh sẽ tăng cường giám sát các tuyến đường công cộng, đặc biệt phạm vi gần trường học, nhằm ngăn chặn việc tụ tập đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. Người lao động sẽ chỉ được phép lưu thông trên đường phố khi có giấy chứng nhận của công ty.
Trong 48 giờ tiếp theo, các công ty cung cấp dịch vụ với hơn 250 nhân viên phải gửi danh sách tất cả những người được xem là tuyệt đối cần thiết phải làm việc trực tiếp tại công ty. Tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa lúc 20h vào các ngày làm việc và 13h vào cuối tuần, trừ các cửa hàng bán lẻ thực phẩm có thể đóng cửa lúc 17h vào cuối tuần.
Châu Á - Hàn Quốc siết chặt quy định nhập cảnh
Tại châu Á, ngày 19/1, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo nước này sẽ gia hạn thêm một tuần lệnh cấm các chuyến bay đến từ Anh (cho đến ngày 28/1) nhằm siết chặt quy định phòng chống các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, từ ngày 25/1, tất cả người nước ngoài nhập cảnh Hàn Quốc đều phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh thay vì 72 giờ như trước đây.
Theo Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun, dù số ca nhiễm mới đã giảm trong tuần qua nhưng số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng 45%, bao gồm các ca nhiễm do tiếp xúc cá nhân với người bệnh, trong gia đình, từ những nơi tập trung đông người và nơi làm việc. Ông cảnh báo: “Số ca nhiễm mới có thể tăng trở lại bất kỳ lúc nào khi tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên. Nếu tình hình xấu đi trước dịp Tết Âm lịch, có thể chúng ta sẽ phải siết chặt trở lại các quy định phòng dịch”. Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tránh tiếp xúc và tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghi mắc COVID-19.
Nhật Bản huỷ tổ chức sinh nhật Nhật hoàng
Trong khi đó, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo hủy sự kiện tổ chức sinh nhật trước công chúng cho Nhật hoàng Naruhito tại Hoàng Cung trong năm thứ hai liên tiếp để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 61 của Nhật hoàng Naruhito lẽ ra được tổ chức vào ngày 23/2 tới. Theo kế hoạch trước đó, Nhật hoàng Naruhito sẽ xuất hiện cùng Hoàng hậu Masako và những thành viên trong gia đình vẫy chào người dân. Năm ngoái, lễ kỷ niệm sinh nhật của Nhật hoàng Naruhito cũng bị hủy do đại dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 19/1, chính quyền tỉnh Shizuoka (miền Trung Nhật Bản) đã ban bố cảnh báo khẩn về biến thể của virus SARS-CoV-2, sau khi phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới của virus này tại đây.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, các ca nhiễm biến thể mới ở tỉnh Shizuoka là những ca nhiễm biến thể mới đầu tiên tại Nhật Bản và chưa rõ con đường lây nhiễm. Các chuyên gia y tế Nhật Bản sẽ thu thập mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân ở Shizuoka để xác định con đường lây sang nước này của biến thể mới.
Tương tự, chính quyền tỉnh Okinawa ở cực Nam Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc bệnh tiếp tục gia tăng tại Nhật Bản. Thống đốc tỉnh Okinawa Denny Tamaki đã thông báo các biện pháp khẩn cấp, trong đó có yêu cầu các nhà hàng, quán bar phải đóng cửa vào lúc 20h hằng ngày, người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết sau 20h. Tình trạng khẩn cấp dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 7/2.
Hong Kong/Trung Quốc gia hạn giãn cách xã hội
Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội thêm một tuần nữa, cho đến ngày 27/1.
Phó Cục trưởng Cục Lương thực và y tế của Hong Kong, Chui Tak-yi thông báo quyết định trên tại cuộc họp báo ngày 19/1, đồng thời cho biết tình hình dịch bệnh tại vùng lãnh thổ này đang trở nên trầm trọng hơn.
Theo ông Chui Tak-yi, từ ngày 12-18/1, Hong Kong ghi nhận 381 ca mắc COVID-19, tăng so với 266 ca của một tuần trước đó. Trung tâm Bảo vệ sức khỏe của Hong Kong ngày 19/1 thông báo có thêm 56 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 9.720 ca. Trong số các ca nhiễm mới có 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng mà 23 ca trong số này không rõ nguồn gốc lây nhiễm.
Philippines vẫn dùng vaccine Pfizer sau các ca tử vong ở Na Uy
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không ngăn cản người dân Philippines tiêm vaccin phòng COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất, bất chấp các báo cáo về những trường hợp người già yếu ở Na Uy tử vong sau khi tiêm chủng.
"Hầu như tất cả mọi người mà tôi biết đều tranh giành để mua vaccine Pfizer. Với tôi, tôi nghĩ đó là một loại tốt", ông Duterte phát biểu trên truyền hình. "Nếu các bạn muốn theo trải nghiệm của Na Uy, hãy cứ làm. Không ai ngăn cản bạn".
Hôm 17/1, Na Uy cho biết họ không thay đổi chính sách về sử dụng vaccine Pfizer sau những báo cáo tử vong ở người già yếu.
Châu Phi: Maroc cấm nhập cảnh với nhiều nước
Tại châu Phi, ngày 19/1, Chính phủ Maroc thông báo ngừng toàn bộ các chuyến bay và hành khách nhập cảnh đến từ Ireland, Brazil, Australia và New Zealand trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Lệnh cấm này đã được áp đặt trước đó đối với Nam Phi, Đan Mạch và Vương quốc Anh. Tính đến thời điểm này, Maroc có hơn 460.000 ca mắc COVID-19, trong đó gần 8.000 ca tử vong.
Tình hình vaccine COVID-19
Liên quan công tác tiêm phòng vaccine, Cơ quan Quản lý dược phẩm Pakistan (DRAP) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc), chỉ hai ngày sau khi chính phủ nước này thông qua vaccine do hãng AstraZeneca (Anh) và Đại học Oxford phối hợp bào chế. DRAP khẳng định cả hai loại vaccine trên đều đã qua đánh giá về mức độ an toàn và chất lượng, đáp ứng các điều kiện nhất định để được cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Tại Na Uy, chính quyền nước này khẳng định không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech với các ca tử vong sau tiêm phòng, song khuyến nghị các bác sĩ cân nhắc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi tiêm. Kể từ khi Na Uy bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vào cuối tháng 12/2020, nước này có 33 ca tử vong trong số những người cao tuổi được tiêm mũi đầu của vaccine. Giám đốc Viện Y tế công Na Uy nêu rõ trong số 13 trường hợp được phân tích chi tiết, họ đều là những người cao tuổi, sức khỏe yếu và mắc các bệnh nghiêm trọng. Mặc dù vẫn chưa có phân tích về nguyên nhân tử vong, song trung bình mỗi ngày Na Uy có khoảng 45 ca tử vong tại các nhà dưỡng lão, điều này cho thấy số ca tử vong trên không liên quan đến việc tiêm vaccine. Cho đến nay, Na Uy đã tiêm phòng được cho hơn 48.000 người.