Quốc gia tử vong do COVID cao nhất châu Á gặp khó với chiến dịch tiêm phòng

Trong khi tốc độ lây nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày càng căng thẳng, Indonesia cũng đang đối mặt nhiều trở ngại với chương trình tiêm vaccine phòng bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine Sinovac tại bệnh viện Aceh, Indonesia ngày 15/1/2021. Ảnh: Anadolu Agency

“Những người đồng bào Indonesia của tôi, vào lúc 9h42 sáng nay, tôi đã tiến hành một bước đi quan trọng để người dân Indonesia được nhận vaccine phòng COVID và giải thoát mình khỏi đại dịch”, Tổng thống Joko Widodo viết trên trang Facebook cá nhân vào ngày 13/12/2020, trong lúc tỉ lệ lây nhiễm đang lập những kỷ lục mới trên khắp đất nước.

Nhà lãnh đạo 59 tuổi đã phát động vòng đầu tiên của chương trình tiêm phòng COVID bằng vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất, với hiệu quả là 65,3% - theo dữ liệu cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 tiến hành tại Bandung, phía nam Jakarta. 

Nhưng không ai trong số các tình nguyện viên ở độ tuổi trên 59, nhóm tuổi dễ lây nhiễm nhất, và tâm lý lo ngại vẫn phổ biến sau khi cuộc thử nghiệm tương tự, do Viện Butanta của Brazil tiến hành, cho thấy hiệu quả của vaccine này chỉ ở mức 50,45, hơn một chút so với ngưỡng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo về thiết lập và duy trì miễn dịch cộng đồng.

Mặc dù vaccine Sinovac gần đây đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) và Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) phê duyệt sử dụng khẩn cấp, chính phủ của Tổng thống Widodo sẽ còn nhiều việc phải làm để giành được lòng tin của dân chúng với một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới.

Tất cả các loại vaccine phải được chứng nhận “halal” (sản phẩm không có các chất cấm theo luật Hồi giáo) từ MUI, một thủ tục quan trọng tại quốc gia Hồi giáo này.

Hai năm trước, MUI đã từng từ chối cấp chứng nhận halal cho một loại vaccine sởi, tuyên bố rằng nó chứa chất ổn định gelatin có nguồn gốc từ thịt lợn – được sử dụng để ngăn vaccine biến chất trong quá trình bảo quản và vận chuyển.

Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu và tư vấn Saiful Mujani vào tháng trước cho thấy, chỉ 37% người được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID, 40% không chắc chắn và 17% nói sẽ từ chối, chủ yếu là do lo ngại về an toàn và hiệu quả.

Các chuyên gia y tế cho rằng, ngay cả với một chiến dịch tiêm chủng suôn sẻ qua các bệnh viện và 10.000 phòng khám cấp 1, Indonesia sẽ mất ít nhất 15 tháng để chương trình đạt được tỷ lệ cần thiết cho miễn dịch cộng đồng với dân số tới 270 triệu người.

Chính phủ ước tính sẽ cần tới 427 triệu liều vaccine, tính theo tỷ lệ hao hụt là 15%, để tiêm phòng cho 181.5 triệu công dân, con số mà Tổng thống Widodo muốn đạt được vào giữa năm 2022. 

Một số chuyên gia lo ngại Indonesia sẽ mất 3-4 năm để đạt được mục tiêu đó mặc dù tân Bộ trưởng Y tế Budi Sadikian tỏ ra lạc quan hơn về chương trình. 

Ở giai đoạn đầu, 3 triệu liều vaccine Sinovac có sẵn sẽ được đưa đến tay các nhân viên y tế, người kinh doanh, các lãnh đạo cộng đồng, công chức, thành viên lực lượng cảnh sát và quân đội.

Chính phủ đã ký các hợp đồng mua thêm 125 triệu liều Sinovac, dự kiến đủ để tiêm cho thêm 65 triệu người dân, và 50 triệu liều mỗi loại vaccine AstraZeneca (Anh) và Novavax (Mỹ).

Chú thích ảnh
Vaccine Sinovac tại một trung tâm y tế cộng đồng ở Jakarta ngày 15/1/2021. Ảnh: AFP

 Tuy nhiên, các cuộc thương lượng với Pfizer về hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine của hãng này, kèm theo các phương tiện bảo quản siêu lạnh, lại đang lâm vào bế tắc. Lý do nằm ở chỗ Pfizer muốn đảm bảo miễn trừ khỏi các vụ kiện tụng từ bất cứ vụ hứng chịu tác dụng phụ lâu dài nào có thể xuất hiện trong chương trình tiêm chủng.

Ngoài ra, Indonesia vẫn phải hoàn tất “chuỗi lạnh” trên khắp quần đảo nhằm xử lý việc phân phối vaccine. Người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 Wiku Adisasmito cho biết, “chuỗi lạnh” sẽ chủ yếu được trang bị tại các trung tâm đô thị lớn.

Trong lúc đó, số ca lây nhiễm hàng ngày của Indonesia đã tăng gần gấp đôi từ 8.000 ca lên 14.000 trong hai tuần qua, một hệ quả trực tiếp từ hoạt động đi lại tăng mạnh trong dịp Giáng sinh – Năm mới. Tổng ca lây nhiễm tại Indonesia đã vượt ngưỡng 900.000 trong khi số ca tử vong cũng vượt mốc 26.000, với trung bình 250-300 ca/ngày.

Giới chức Indonesia cho biết, nước này đã sử dụng hết 80% công suất giường chăm sóc đặc biệt trong lúc chính phủ đang thực hiện bộ giao thức nghiêm ngặt hơn tại Java và đảo Bali nhằm kiềm chế làn sóng lây nhiễm mới nhất và tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Chú thích ảnh
Một nghĩa trang chôn cất nạn nhân COVID-19 ở Jakarta. Ảnh: AFP

Tại châu Á, khu vực dường như đã thoát khỏi giai đoạn nặng nề nhất của đại dịch, Indonesia có tỷ lệ tử vong trên dân số cao nhất, với 5,52%, theo Statisca. Công dân nước ngoài đã bị cấm nhập cảnh vào nước này cho đến ngày 28/1 nhằm ngăn chặn lây nhiễm biến thể mới tại Anh, Nam Phi và Brazil. Khách du lịch trong nước chỉ được di chuyển nội địa sau khi xét nghiệm và được cấp thẻ y tế. 

“Thách thức lớn nhất là bối cảnh địa lý của chúng tôi”, ông Wiku, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và chính sách y tế cho biết. Ông cũng cảnh báo chương trình tiêm chủng cũng phụ thuộc vào năng lực cung cấp vaccine. Trong tuần này Bộ trưởng Y tế Sadikan từng cho biết chính phủ có thể cho phép các công ty tư nhân phân phối vaccine sau khi hoàn tất giai đoạn 1.

Giới chức cho biết hiện tại họ không bắt buộc người dân tiêm chủng, nhưng sẽ chờ đợi trước khi áp đặt chính sách phạt, trong đó có phạt tiền 100 triệu rupiah với những người không tuân thủ quy định cách ly hoặc trốn tránh thực hiện chương trình tiêm chủng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)
Indonesia: Khoảng 4.000 người thiệt mạng do COVID-19, thảm họa từ đầu năm 2021
Indonesia: Khoảng 4.000 người thiệt mạng do COVID-19, thảm họa từ đầu năm 2021

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn số liệu do Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) công bố, cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, nước này liên tục hứng chịu các thảm họa trong khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục hoành hành tại quốc gia trên, khiến tổng cộng gần 4.000 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN