COVID-19 tới 6 giờ sáng 18/8: Thế giới trên 22 triệu ca bệnh, cuộc đua vaccine tăng tốc

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 180.851 trường hợp mắc COVID-19 và 3.807 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 22 triệu người.

Chú thích ảnh
 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Santarem, bang Para, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 22.004.409 ca, trong đó có 776.559 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 14.769.293 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 64.265 ca và 6.458.564 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 17/8, thế giới có tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong tại nhiều nước ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 4/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (54.288 ca), Mỹ (37.224 ca) và Brazil (19.373 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 880 ca), Brazil (657 ca), Mỹ (487 ca) và Colombia (275 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại một nhà thờ ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/8/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Châu Mỹ hiện vẫn là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Riêng tại Mỹ, tổng số ca mắc bệnh đã vượt mốc 5,6 triệu trường hợp. Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất, chiếm trên 30% số ca tử vong trên thế giới.

Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Dịch cũng đang lây lan mạnh tại các nước như Colombia, Peru, Argentina và Mexico. Ngày 17/8, Bộ Y tế Bolivia công bố số liệu cho thấy tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mức 100.000 người, đồng thời dự báo tháng 9 sẽ là giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ.

Tới nay Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với 5.608.647 ca nhiễm và 173.615 ca tử vong, sau đó là Brazil với 3.359.570 ca mắc, 108.536 ca tử vong và Ấn Độ với 2.701.604 ca mắc và 51.925 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á-Thái Bình Dương, số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng mạnh. Ấn Độ hiện có số ca mắc nhiều thứ 3 thế giới và là tâm dịch của châu Á, ghi nhận tổng cộng 2.690.831 triệu ca mắc, trong đó 51.795 ca tử vong.

Đáng chú ý, 12 bang ở nước này đã ghi nhận trên 55.000 ca mắc. Tiến sĩ V.K. Paul, thành viên lực lượng ứng phó COVID-19 của Chính phủ Ấn Độ, cảnh báo đại dịch sẽ tiếp tục là một thách thức và là "cuộc chiến trường kỳ" mà mỗi người dân phải đối mặt. Do đó, ông kêu gọi người dân Ấn Độ không lơ là cảnh giác và tự giác thực hiện các hướng dẫn đảm bảo an toàn mọi lúc, mọi nơi.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại các khu vực quanh nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/8/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 197 ca lên 15.515 ca. Hầu hết các ca bệnh mới (188 ca) là lây nhiễm trong cộng đồng.

Cũng theo KCDC, trong 24 giờ qua, Hàn Quốc không ghi nhận thêm ca tử vong nào và có thêm 7 bệnh nhân COVID-19 hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 13.917 ca.

Giới chức y tế Hàn Quốc cũng cho biết đã yêu cầu khoảng 3.400 thành viên nhà thờ Sarang Jeil theo đạo Tin lành tại Seoul cách ly sau khi ghi nhận 315 ca nhiễm liên quan đến nhà thờ này. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thủ đô Seoul và các địa phương lân cận thủ đô, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định khởi động nhóm đối phó khẩn cấp liên ngành ở các địa phương này kể từ ngày 17/8.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 15/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản xác nhận thêm 15 ca không qua khỏi do COVID-19. Đây là số ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc được dỡ bỏ cuối tháng 5 vừa qua.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 640 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 54.714 ca, trong đó có 1.088 ca tử vong, chưa kể số ca trên du thuyền Diamond Princess.

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục thông báo trong ngày 17/8 nước này không ghi nhận ca mắc mới nào do lây nhiễm trong cộng đồng và cũng không có thêm ca tử vong nào liên quan dịch bệnh này.

Có 22 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 17/8, tất cả đều là các trường hợp nhập cảnh. Tính đến hết ngày 17/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.849 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong, 79,603 người đã hồi phục, 612 bệnh nhân vẫn đang được điều trị với 30 người bệnh nặng.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 27/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tình hình dịch chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), buộc chính quyền vùng này phải gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Ngày 17/8, Hong Kong ghi nhận thêm 44 ca mắc, đưa tổng số ca mắc tại đây lên hơn 4.500 ca - trong đó có 69 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới có 31 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Số ca tử vong tại Australia đã tăng lên hơn 400 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nhà chức trách xác nhận 25 ca tử vong, tất cả đều ở bang tâm dịch Victoria, nhiều hơn mức cao nhất từng được ghi nhận trên cả nước là 21 ca hôm 12/8. Đến nay, Australia ghi nhận tổng cộng 23.500 ca mắc, trong đó có 421 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 10/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Trung Đông, Bộ trưởng Y tế Liban Hamad Hassan khuyến cáo nhà chức trách nước này cần phong tỏa đất nước trong hai tuần sau khi ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay (với 439 ca vào ngày 16/8).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, Liban đang đối mặt với nguy cơ ngày một tăng về việc lây lan virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Liban ghi nhận tổng cộng 8.881 ca mắc, trong đó có 103 ca tử vong.

Jordan đã quyết định phong tỏa thành phố Ramtha gần biên giới với Syria từ ngày 17/8 sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Jordan là một trong những nước có số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong khu vực, với 1.378 người mắc, trong đó 11 người tử vong. Trong khi đó, Syria đến nay ghi nhận tổng cộng 1.677 ca mắc, trong đó 64 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Khách du lịch thăm Đấu trường La Mã tại Rome, Italy, ngày 22/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, tâm dịch COVID-19 thế giới hồi tháng 3-4, một số nước đang siết chặt các biện pháp để phòng dịch. Nhà chức trách Italy quyết định đóng cửa các vũ trường và các hộp đêm, đồng thời yêu cầu người dân phải bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài vào ban đêm tại một số khu vực.

Quyết định này bắt đầu được thực hiện từ ngày 17/8 và sẽ kéo dài đến ngày 7/9. Quyết định tái áp đặt các biện pháp hạn chế nói trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh trên cả nước Italy đặc biệt là trong giới trẻ.

Tính đến rạng sáng 18/8, Italy ghi nhận tổng cộng 253.915 ca mắc, trong đó có 35.396 ca tử vong. Giới chức y tế Italy cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng gần đây là do những người trẻ tuổi không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.

Tây Ban Nha đã đóng cửa các hộp đêm ở thêm nhiều vùng, sau khi các quy định nhằm khống chế dịch chính thức có hiệu lực. Tây Ban Nha hiện có tổng cộng gần 343.000 ca nhiễm, mức cao nhất tại khu vực Tây Âu.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại London, Anh ngày 24/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 14 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm tại nước này là 115 ca trên 100.000 dân, trong khi con số này tại Pháp là 45 ca, Anh (19 ca) và Đức (16 ca). Tuy nhiên, phần lớn các ca nhiễm mới là những người không có triệu chứng và nguy cơ tử vong đã giảm đáng kể.

Kể từ khi chấm dứt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào ngày 21/6, Tây Ban Nha ghi nhận chưa tới 300 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện là 28.617 ca.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Séc Adam Vojtech cho biết Chính phủ Séc sẽ yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang kể từ ngày 1/9 khi di chuyển trên các phương tiện công cộng và tòa nhà công cộng.

Đến sáng 18/8 (theo giờ Việt Nam), CH Séc đã ghi nhận tổng cộng khoảng 20.000 ca nhiễm trong tổng số 10,7 triệu dân. Tổng số ca tử vong là 397 ca, khá thấp so với nhiều nước châu Âu khác.

Chú thích ảnh

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 5.253 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 9.130 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các nước ASEAN khác cộng lại.

Philippines dịch bệnh đang quay trở lại với nhiều diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân, trở thành ổ dịch lớn nhất ở khu vực này.

Chú thích ảnh

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 9.131 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 75 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 376.085 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 272.455 trường hợp.

Hiện cả Malaysia và Singapore đều đã tuyên bố khống chế dịch bệnh COVID-19. Tính đến hết ngày 17/8, Malaysia ghi nhận 9.212 ca mắc COVID-19 bao gồm 125 ca tử vong, trong khi đó Singapore có 55.838 ca mắc và 27 ca tử vong.

Ngày 17/8, Malaysia và Singapore đã lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 mở lại biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, việc mở cửa lại một trong những cửa khẩu trên bộ nhộn nhịp nhất thế giới này bị hạn chế với số lượng người thông quan tối đa hai chiều mỗi ngày là 2.060 người.

Chú thích ảnh
 Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh tại châu Phi - bắt đầu bước vào giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 NVX-CoV2373 do công ty công nghệ sinh học của Mỹ Novavax sản xuất.

Có 2.904 người tình nguyện trong độ tuổi từ 18-64 đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm này.

Chú thích ảnh
  Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của nhà sản xuất dược phẩm khổng lồ AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn thông tin từ Cục sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc cho biết, Tập đoàn sinh học Cansino chuyên điều chế vaccine của Trung Quốc đã nhận được bằng sáng chế điều chế vaccine COVID-19, với tên gọi Ad5-nCOV.

Tờ Nhân dân nhật báo của nhà nước Trung Quốc đưa tin ngày 16/8 rằng đây là lần đầu tiên bằng sáng chế vaccine COVID-19 được Trung Quốc cấp phép. Theo báo này, bằng sáng chế được cấp phép ngày 11/8.

Saudi Arabia cho biết trong tháng này nước này có kế hoạch khởi động giai đoạn III thử nghiệm vaccine CanSino. Tập đoàn sinh  học CanSino cho biết cũng đã trao đổi với Nga, Brazil và Chile để tiến hành giai đoạn III tại những nước này. 

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh học Gamaley, ông Alexander Gintsburg cho biết người dân Nga có thể được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt vào giữa tháng 9.

Theo ông Gintsburg, việc tiêm chủng hàng loạt sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến vì phần lớn vaccine đã sản xuất ra sẽ được sử dụng cho nghiên cứu hậu tiếp thị. Sau đó, phần còn lại sẽ được đưa vào sử dụng dân sự. Thời gian chậm là từ 2-3 tuần, có thể là 1 tháng.

Ông Gintsburg giải thích, giai đoạn thử nghiệm vaccine thứ 3 sau khi đăng ký sẽ bắt đầu trong vòng từ 7-10 ngày. Hàng chục nghìn người sẽ tham gia vào giai đoạn này. Nghiên cứu này có thể mất từ 4-6 tháng. Từ tháng 12, mỗi tháng có thể sản xuất từ 4-5 triệu liều vaccine, để trong vòng từ 9-12 tháng có thể đảm bảo sản xuất đủ lượng vaccine cần thiết cho cả nước.

Chú thích ảnh
 Kỹ thuật viên thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Trường đại học Oxford, Anh. Ảnh: AP/TTXVN

Australia cũng đang tiến gần hơn tới việc ký thỏa thuận trị giá hàng triệu đô la với một công ty dược phẩm khổng lồ của Anh để mua và sản xuất khoảng 30 triệu liều vaccine tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2, bao gồm cả cam kết sẽ hỗ trợ New Zealand và các quốc gia Nam Thái Bình Dương, trong nỗ lực chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành.

Chính phủ Australia nhiều khả năng sẽ ký thỏa thuận với nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh, để đảm bảo quyền được cung cấp vaccine ngừa COVID-19, dựa trên các nghiên cứu khả thi của Đại học Oxford. Nếu thuận lợi, vaccine dự kiến sẽ ra mắt vào nửa đầu năm tới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 17/8: Toàn khối 9.131 ca tử vong; Malaysia và Singapore mở cửa biên giới hai nước
COVID-19 tại ASEAN hết 17/8: Toàn khối 9.131 ca tử vong; Malaysia và Singapore mở cửa biên giới hai nước

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 5.253 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 9.130 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN