Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các nước ASEAN khác cộng lại.
Philippines dịch bệnh đang quay trở lại với nhiều diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 9.131 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 75 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 376.085 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 272.455 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan, Malaysia hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Số liệu COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 17/8:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Philippines |
164.474 |
+3.314 |
2.681 |
+18 |
112.759 |
Indonesia |
141.370 |
+1.821 |
6.207 |
+57 |
94.458 |
Singapore |
55.838 |
+91 |
27 |
|
51.953 |
Malaysia |
9.212 |
+12 |
125 |
|
8.876 |
Thái Lan |
3.378 |
+1 |
58 |
|
3.194 |
Việt Nam |
976 |
+14 |
24 |
|
467 |
Myanmar |
375 |
|
6 |
|
329 |
Campuchia |
273 |
|
|
|
238 |
Brunei |
142 |
|
3 |
|
138 |
Timor-Leste |
25 |
|
|
|
24 |
Lào |
22 |
|
|
|
19 |
Hiện cả Malaysia và Singapore đều đã tuyên bố khống chế dịch bệnh COVID-19. Tính đến hết ngày 17/8, Malaysia ghi nhận 9.212 ca mắc COVID-19 bao gồm 125 ca tử vong, trong khi đó Singapore có 55.838 ca mắc và 27 ca tử vong.
Ngày 17/8, Malaysia và Singapore đã lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 mở lại biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, việc mở cửa lại một trong những cửa khẩu trên bộ nhộn nhịp nhất thế giới này bị hạn chế với số lượng người thông quan tối đa hai chiều mỗi ngày là 2.060 người.
Trước khi dịch COVID-19 khiến Malaysia đóng cửa biên giới từ ngày 18/3, mỗi ngày có hơn 300.000 người đi lại giữa hai nước thông qua 2 cây cầu nối Bán đảo Malaysia và Singapore. Trong số này có khoảng 100.000 người Malaysia thường xuyên đến và đi từ Singapore để làm việc hoặc học tập và hiện nhiều người đang bị mắc kẹt.
Người đứng đầu cơ quan nhập cư bang Johor, ông Baharuddin Tahir cho hay đơn xin đi lại xuyên biên giới giữa hai nước đã vượt hạn ngạch. Hai nước đã cùng nhau xây dựng 2 bộ quy tắc đi lại trong bối cảnh COVID-19, được gọi là Làn Xanh (RGL) và Thỏa thuận đi lại định kỳ (PCA). Theo RGL, chỉ có 400 người được cho phép thông quan mỗi tuần. Đối với PCA, hạn ngạch là 2.000 người/ngày.
Trong 24 giờ qua, Philippines vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trong số các nước ASEAN. Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines công bố cuối ngày 17/8, nước này có thêm 3.314 ca mắc COVID-19 và 18 ca tử vong. Như vậy, đến nay Philippines đã xác nhận 164.474 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.681 ca tử vong.
Ngày 17/8, Philippines bắt đầu thử nghiệm Avigan - một loại thuốc điều trị cúm của Nhật Bản để đánh giá hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh COVID-19. Thứ trưởng Y tế Philippines cho biết cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài 90 ngày và bước đầu được thực hiện tại 4 bệnh viện ở thủ đô Manila trước khi được mở rộng trong tương lai.
Avigan là tên của loại thuốc chống virus favipiravir do một chi nhánh của công ty Fujifilm Holdings Corp sản xuất. Loại thuốc này được đánh giá có khả năng điều trị COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Người tham gia thử nghiệm sẽ chia làm 2 nhóm, trong đó nhóm 1 chỉ được điều trị theo phác đồ điều trị hiện có ở các bệnh viện, còn phác đồ điều trị của nhóm 2 sẽ có thêm thuốc Avigan.
Tuần trước, Fujifilm Holdings bày tỏ hy vọng các cuộc thử nghiệm tính hiệu quả của Avigan tại Nhật Bản sẽ được hoàn tất trong tháng 9 và sớm được thông qua.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi đầu năm đã bày tỏ hy vọng thuốc Avigan sẽ được thông qua sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vào tháng 5, tuy nhiên một báo cáo sơ bộ công bố tại thời điểm đó đã không công nhận tính hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị COVID-19.
Trong ngày 17/8, Indonesia tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất Đông Nam Á, sau khi ghi nhận thêm 57 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo số liệu do lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia công bố cùng ngày, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 6.207 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia phát hiện thêm 1.821 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 141.370 ca.
Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cơn bão dịch COVID-19, Chính phủ Indonesia dự kiến phân bổ gói ngân sách 3.800 tỷ rupiah (257 triệu USD) nhằm khôi phục ngành du lịch thông qua việc cấp một số ưu đãi cho các doanh nghiệp liên quan ở trong nước bị tác động của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến về tình hình ngành du lịch - quy tụ đại diện Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo, Bộ Tài chính, Bộ Hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia - ông Febry Calvin Tetelepta, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống cho biết các ưu đãi nói trên bao gồm hỗ trợ và cắt giảm thuế thu nhập.
Ông Febry nêu rõ ngành du lịch, trong đó có khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch và các doanh nghiệp kinh tế sáng tạo tham gia trong các mảng quảng cáo, sản xuất phim… được hưởng các ưu đãi này.
Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody dự báo Indonesia sẽ huy động 27 tỷ USD trái phiếu Hồi giáo (Sukuk) trong năm nay, tăng mạnh so với mức 16 tỷ USD vào năm ngoái, trong bối cảnh chính phủ nước này đang tìm kiếm thêm nguồn tài chính để tài trợ cho cuộc chiến chống dịch.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cũng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 xuống còn -0,2 đến -1,1% từ mức 2,3% trước đó, và 4,5 đến 5,5% vào năm tới.
Hiện Singapore được đánh giá là đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tới hết ngày 17/8, "Đảo quốc sư tử" ghi nhận 55.838 ca mắc COVID-19, tăng 91 ca so với 1 ngày trước đó. Tuy nhiên, đã nhiều tháng nay nước này không ghi nhận ca tử vong nào vì virus SARS-CoV-2 và hiện số nạn nhân không quả khỏi ở Singapore vẫn là 27 trường hợp.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính nước này Vương Thuỵ Kiệt (Heng Swee Keat) cho biết chính phủ sẽ chi thêm 8 tỷ đôla Singapore (SGD) để hỗ trợ các công ty duy trì việc làm cho người lao động, tạo việc làm mới và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp chiều 17/8, ông Vương Thuỵ Kiệt cho biết nền kinh tế Singapore vừa chứng kiến mức tăng trưởng quý II/2020 tồi tệ nhất trong lịch sử trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu, cạnh tranh Mỹ-Trung diễn biến phức tạp và lan rộng, diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp.
Do đó, Singapore sẽ thúc đẩy các chiến lược hồi phục kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực trong thời gian tới gồm: Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ việc làm và tạo thêm việc làm mới. Thứ hai, hỗ trợ các ngành bị tác động mạnh nhất bởi đại dịch COVID-19. Thứ ba, tự định vị Singapore để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng trong thế giới hậu COVID-19.
Thái Lan tới nay ghi nhận 3.377 ca nhiễm, trong đó có 58 ca tử vong, trong khi số ca mắc mới tại "xứ sở chùa Phật ngọc" mỗi ngày cũng rất thấp. Từ ngày 13/8, nước này đã mở cửa trở lại nền kinh tế.
Dù vậy, đại dịch cũng đang tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của nước này. Theo Bloomberg, trong số liệu công bố ngày 17/8, Hội đồng Kinh tế và phát triển xã hội quốc gia (NESDC) của Thái Lan cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 12,2% so với năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nhưng thấp hơn một chút so với mức dự báo 13% mà các chuyên gia đưa ra.
Cụ thể, trong quý II, GDP giảm 9,7% so với quý liền kề trước đó. NESDC cũng đã giảm dự báo tăng trưởng cả năm, theo đó tăng trưởng trong năm 2020 sẽ suy giảm từ 7,3 đến 7,8% so với mức dự báo giảm 5 - 6% đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,95% và có thêm khoảng 1,8 triệu người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm.