‘Nóng’ ngày 17/8: Hà Nội yêu cầu quán ăn có vách ngăn chống COVID-19; đề nghị kỷ luật 2 tướng quân đội

Ngày 17/8, dư luận đặc biệt quan tâm tới các thông tin: Thêm ca mắc COVID-19, Hà Nội yêu cầu từ ngày 19/8 quán ăn phải có vách ngăn; ý kiến về việc cách ly tập trung với các ca F1; UBKT Trung ương đề nghị kỷ luật một số tướng lĩnh quân đội; có thể khai giảng trực tuyến nếu dịch bệnh...

Việt Nam có thêm 12 ca mắc mới COVID-19

Chú thích ảnh

Trong ngày 17/8, Việt Nam ghi nhận thêm 12 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1 ca ở Hà Nội, 4 ca ở Hải Dương.

Trong số 12 ca mắc mới COVID-19 mới ghi nhận (BN965-976), có 11 ca cộng đồng (Đà Nẵng: 6, Hải Dương: 4 và Hà Nội: 1) và 1 ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Hà Nội (đoàn Guinea Xích đạo).

Như vậy, đến 18 giờ ngày 17/8, Việt Nam có tổng cộng 639 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 499 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 107.642, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 4.015 trường hợp; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 24.948 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 78.679 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều 17/8 có 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm có 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: BN435, BN455, BN571, BN610, BN611, BN712. Ba bệnh nhân tại Trung tâm y tế Hòa Vang: BN492, BN555, BN819 và 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Lao Và Bệnh phổi Trà Vinh là BN559, BN560

Hiện số ca âm tính với SARS-CoV-2 1 lần là 47 ca; 2 lần là 23; 3 lần là 48 ca; số ca tử vong là 24 ca; số ca điều trị khỏi là 465 ca.

Không để lọt F1

Chú thích ảnh
Phun khử khuẩn phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

PGS. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra, giám sát dịch khi trả lời phỏng vấn về việc điều tra, giám sát dịch và làm thế nào để sớm đẩy lùi dịch COVID-19 đã nêu quan điểm: Một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng. Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19.

Theo PGS. TS Trần Như Dương, với các ca F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, cần chú ý đặc biệt hơn. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh; có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng. Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.

“Hiện Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi vì, việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với những người thuộc diện F1, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung”- PGS. TS Trần Như Dương phân tích.

Cửa hàng ăn uống, giải khát Hà Nội phải có vách ngăn

Chú thích ảnh
Một quán phở trên phố Tôn Đức Thắng lắp những vách ngăn bằng tấm mica để chắn giọt bắn cho từng bàn ăn (ảnh chụp ngày 26/4/2020). Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Chiều 17/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khuyến cáo người dân Thủ đô không nên khỏi nhà khi không có việc cần thiết; 30 quận, huyện và các xã, phường tăng cường rà soát và xử phạt nặng những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; xử phạt các đơn vị kinh doanh vi phạm về quy định phòng chống dịch COVID-19, thậm chí đóng cửa.

Đáng chú ý: UBND TP Hà Nội yêu cầu từ 0 giờ ngày 19/8, tất cả các cửa hàng ăn uống, quán bia, giải khát… phải có vách ngăn, thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 1 mét, nhân viên phải có trang bị bảo hộ, sát khuẩn…

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các bệnh viện chưa kiểm soát tốt, nhiều người nhà vẫn ra vào bệnh viện, tổ giám sát phòng chống dịch của các quận huyện hoạt động vẫn chưa hiệu quả, nhà hàng, quán ăn thực hiện chưa nghiêm túc, không giãn cách. Đặc biệt những quán nước xung quanh bệnh viện vẫn lơ là, chủ quan, thiếu các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các cấp tăng cường kiểm tra và xử lý sai phạm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng chủ quan trong phòng chống dịch. Đặc biệt kiểm tra việc tuân thủ của người dân nhất là tại các nhà hàng, quán ăn…

Trường học có thể khai giảng trực tuyến vào ngày 5/9 nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Chú thích ảnh
Từ năm học tới, học sinh sẽ có nhiều thời gian nghỉ hè hơn. Ảnh: Lê Vân

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán các kịch bản để chuẩn bị cho năm học mới trong điều kiện dịch bệnh.

Cụ thể, trong điều kiện chưa đảm bảo an toàn để khai giảng trực tiếp thì tùy từng hoàn cảnh, địa phương có thể tổ chức lễ khai giảng trực tuyến. Ngày khai giảng được tổ chức ngắn gọn, cần giữ ý nghĩa, học sinh cảm nhận được không khí và thể hiện thông điệp “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học".

Ông Nguyễn Xuân Thành gợi ý, tùy điều kiện, các trường có thể sử dụng một phòng, căng phông khai giảng. Học sinh ở nhà vẫn có thể theo dõi thông điệp của năm học mới từ phát biểu của hiệu trưởng, hòa chung không khí tựu trường trên khắp cả nước, để các em không có cảm giác đứng ngoài cuộc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến để ứng phó trong tình hình dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện tinh giản chương trình dạy học và sẽ ban hành thời gian tới. Tuy nhiên, việc tinh giản lần này không lấy việc rút ngắn thời gian học làm mục tiêu quan trọng nhất như giai đoạn 1 mà vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình, chỉ giảm những nội dung mang tính nguyên liệu nhưng vẫn giữ yêu cầu cần đạt của chương trình.

Bắt đầu từ năm học này, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất ngày 1/9. Các trường tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Học kỳ I kết thúc trước ngày 16/1. Học kỳ II hoàn thành trước ngày 25/5. Năm học sẽ kết thúc trước ngày 31/5.

Cứu sống bé gái 3 tuổi nhẹ cân bị viêm cơ tim tối cấp

Một tin vui trong ngày 17/8: Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) đã cứu sống bé gái L.T.K.Ng (3 tuổi, cân nặng 11kg, ngụ TP Mỹ Tho, Tiền Giang) bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim.

Chú thích ảnh
Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, tình trạng huyết động học ổn định, chức năng tim phục hồi tốt. Ảnh: HN

"Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, một cuộc hội chẩn toàn viện được tổ chức khẩn cấp và ngay lập tức quyết định tiến hành kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể ECMO (hay còn gọi kỹ thuật tim phổi nhân tạo) để cứu bệnh nhi. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là bệnh nhi nhỏ tuổi và nhẹ ký nên việc tiếp cận mạch máu và kỹ thuật ECMO sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, bác sĩ Ngoại khoa phải thực hiện phẫu thuật mạch máu ngay tại phòng Hồi sức tích cực mà không thể chuyển lên phòng phẫu thuật, bởi chỉ chậm vài phút là bé có thể tử vong”, bác sĩ , PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết.

Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh táo, thở bình thường, tình trạng huyết động học ổn định, chức năng tim phục hồi tốt. Nếu diễn tiến thuận lợi, bé có thể được xuất viện vào cuối tuần sau khi siêu âm kiểm tra chức tim mạch.

Đề nghị kỷ luật một số tướng quân đội và cán bộ địa phương

Tại kỳ họp 47, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật một số tướng lĩnh quân đội và cán bộ địa phương.

Cụ thể, sau khi xem xét đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy, các đồng chí:

Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Trung tướng Trần Xuân Ninh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4; Đại tá Mai Văn Hào, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 và Đại tá Phan Văn Tiên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 4 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

Đại tá Nguyễn Xuân Đông, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ; Đại tá Phạm Bảo, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Binh đoàn 15 đã có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai tại đơn vị.

Đại tá Nguyễn Văn Giang, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Hệ trưởng Hệ 5, Học viện Quân y đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng Ký túc xá của Nhà trường.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Đại tá Mai Văn Hào, Đại tá Phan Văn Tiên và Đại tá Nguyễn Văn Giang; khiển trách các đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Đông, Đại tá Phạm Bảo và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh.

Xem xét đề nghị của Tỉnh ủy Gia Lai về thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, UBKT Trung ương nhận thấy: Trong thời gian giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, đồng chí Nguyễn Văn Quân đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo giải quyết vụ án hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn, kéo dài đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân Đồng chí.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Nguyễn Văn Quân.

Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng đối với một số trường hợp và quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Khảo sát của Aruba: tác động của COVID-19 ảnh hưởng đến các khoản đầu tư mạng ngắn hạn như thế nào?
Khảo sát của Aruba: tác động của COVID-19 ảnh hưởng đến các khoản đầu tư mạng ngắn hạn như thế nào?

HỒNG KÔNG, TRUNG QUỐC – Media Outreach – Ngày 14 tháng 8 năm 2020 – Theo một cuộc khảo sát trên phạm vi toàn cầu với sự tham gia của 2.400 nhà quản lý có quyền ra quyết định về công nghệ thông tin (IT decision-maker – ITDM) ở các công ty, thì sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc khi nhân viên chuyển sang môi trường làm việc lai (hybrid) vừa ở nhà vừa ở văn phòng và các doanh nghiệp thay đổi cách các nhóm công nghệ thông tin mua sắm và sử dụng các giải pháp mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN