Trong đó khoảng 7.000 lao động có nhu cầu trở về địa phương, còn lại vẫn ở lại để tiếp tục chờ sau dịch COVID-19 làm việc trở lại. Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 sinh viên ở các trường đại học vẫn còn ở lại thành phố Đà Nẵng. Sở đã liên hệ các trường, đơn vị nào khó khăn sẽ hỗ trợ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có người lao động ở lại phải hỗ trợ người lao động; nếu như còn khó khăn, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người lao động ở lại đây.
Trước đó, vào ngày 24/7, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các doanh nghiệp, các đơn vị và khu công nghiệp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Đà Nẵng về thực hiện phòng chống dịch trong tình hình mới, nơi nào còn tiếp tục sản xuất được thì tiếp tục sản xuất. Qua quá trình rà soát, các đơn vị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có rất ít doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc. Những doanh nghiệp làm dịch vụ ở ngoài bị ảnh hưởng rất lớn nên cho người lao động nghỉ việc nhiều.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn cụ thể, nếu doanh nghiệp có trường hợp F0 thì cho người lao động nghỉ việc, được hưởng chế độ của bảo hiểm xã hội. Còn doanh nghiệp có trường hợp F1, F2 thì phải cách ly họ, Sở đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo Điều 98 của Bộ Luật lao động về ngừng thực hiện lao động, tức là cho hưởng lương theo thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng thấp nhất phải bằng lương tối thiểu vùng để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong vấn đề cách ly.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thống nhất mức hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các đối tượng khó khăn. Cụ thể, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong vùng cách ly y tế 5 kg gạo/1 khẩu/14 ngày, thực phẩm và nhu yếu phẩm trị giá 40.000 đồng/khẩu/ngày (trong thời gian thực hiện cách ly y tế theo quy định); hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở tại cộng đồng với 15 kg gạo/1 khẩu/1 tháng và thực phẩm, nhu yếu phẩm (nếu có).
Ngày 16/8, UBND thành phố Đà Nẵng có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép công dân của các địa phương đang tạm trú tại thành phố Đà Nẵng được trở về nơi cư trú. Theo Tờ trình này, UBND thành phố cho biết, thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 từ 0 giờ ngày 28/7/2020 đến nay. Theo đó, tất cả các phương tiện giao thông đi, đến Đà Nẵng đã dừng hoạt động, dẫn đến một số lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên, người dân ngoài thành phố đến làm việc, học tập, thăm thân chưa kịp rời khỏi thành phố Đà Nẵng trở về nơi cư trú. Hiện nay, nhiều người có nguyện vọng về nơi cư trú để tiếp tục ổn định cuộc sống và phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh ở Đà Nẵng còn diễn biến rất phức tạp.
Xét tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu chính đáng của người dân ngoài thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cho phép người lao động, học sinh, sinh viên và người dân ở các địa phương khác đang tạm trú ở Đà Nẵng được rời Đà Nẵng về lại nơi cư trú theo nguyện vọng. UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành có người dân đang tạm trú ở thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận, đón công dân về địa phương theo phương án cụ thể; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải mở một số tuyến tàu hỏa đưa người dân từ Đà Nẵng về các địa phương.
* Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, qua tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của hơn 80 doanh nghiệp với 14.800 công nhân, người lao động thuộc nhóm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và những trường hợp nghỉ việc không lương đề nghị được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ, đến nay Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã thẩm định xong hồ sơ số người lao động thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ. Các trường hợp này phải thực hiện đúng quy trình là thông qua doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị phê duyệt để thực hiện đúng quy định hưởng thụ chính sách.
Qua công tác rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh của Liên đoàn Lao động Bình Dương, dịch COVID-19 kéo dài đã khiến 295 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này gặp khó khăn, với hơn 224 ngàn công nhân, người lao động bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 7/2020, số người lao động ở Bình Dương bị chấm dứt hợp đồng lao động là 13 ngàn người; số lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương gần 55 ngàn người; số lao động phải thực hiện giảm giờ làm việc hơn 94 ngàn người…
Ghi nhận tại Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2020, Trung tâm đã tiếp nhận gần 60.000 hồ sơ của người lao động đến đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; trong đó có tuần tiếp nhận 1.000 - 2.000 người đến nộp hồ sơ giải quyết thất nghiệp.