COVID-19 tại ASEAN ngày 21/6: Đại dịch chỉ còn 'nóng' ở Indonesia, Philippines

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.796 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.840 người.

Chú thích ảnh
 Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Surakarta, Indonesia, ngày 18/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Đặc biệt, Indonesia dịch bệnh chưa hề thấy dấu hiệu hạ nhiệt và hiện nước này đang dẫn đầu toàn khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực có đến 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.848 người dân ở khu vực này, tăng 55 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 130.710 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 73.248 trường hợp.

Chú thích ảnh
Du khách thăm quan Cung điện Hoàng Gia ở Bangkok, Thái Lan ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines, xét cả về số ca mắc bệnh mới và ca tử vong phát sinh.

Trong khi đó, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 21/6

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 45.891 +862 2.465 +36 18.404
Singapore 42.095 +262 26   34.942
Philippines 30.052 +652 1.169 +19 7.893
Malaysia 8.572 +16 121   8.156
Thái Lan 3.148 +1 58   3.018
Việt Nam 349       327
Myanmar 290 +3 6   200
Brunei 141   3   138
Campuchia 129       127
Timor-Leste 24       24
Lào 19       19
Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài bưu điện ở Manila, Philippines, ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia tiếp tục là điểm nóng nhất khu vực Đông Nam Á. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia vạn đảo ghi nhận 862 ca mắc COVID-19 và 36 ca tử vong.

Hết ngày 21/6, Indonesia có tổng cộng 2.465 ca tử vong và 45.891 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Song song với việc áp đặt các biện pháp phòng dịch, Indonesia đã bắt đầu tính tới khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ cho phép mở cửa trở lại theo từng giai đoạn đối với các trường học nằm trong khu vực ít rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, hay còn gọi là “vùng xanh”, bắt đầu vào tháng 7 tới.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 15/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Các Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa, Tôn giáo, Gia đình, và Y tế đã công bố một thông tư liên tịch quy định việc mở lại các trường học trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Nadiem Makarim nêu rõ chính phủ sẽ cho phép mở cửa trở lại các trường học tại khoảng 90 thành phố và huyện thị thuộc “vùng xanh”, chiếm 6% tổng số học sinh trên toàn quốc, trong khi 94% còn lại vẫn tiếp tục học theo hình thức trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Văn hóa sẽ ủy quyền cho các địa phương ra quyết định mở lại các trường học tại “vùng xanh” và lễ khai giảng năm học 2020-2021 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/7 tới. Tuy nhiên, phụ huynh là người “có tiếng nói cuối cùng” trong việc cho phép học sinh đến trường. Nếu họ cảm thấy không an tâm, nhà trường cần tiếp tục tổ chức học trực tuyến.

Trong giai đoạn đầu, chỉ các trường trung học cơ sở và trung học được phép mở cửa trở lại, trong khi các trường tiểu học và mẫu giáo sẽ được xem xét hoạt động trở lại trong 2 tháng và 4 tháng sau đó. Các trường nội trú vẫn bị cấm mở cửa ký túc xá trong ít nhất hai tháng sau khi mở cửa trở lại. Trong hai tháng đầu, các trường không được điều hành căng tin và nhà ăn, trong khi các lớp giáo dục thể chất và các hoạt động ngoại khóa cũng bị cấm.

Chú thích ảnh
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trước khi được phép mở cửa đón học sinh, các trường sẽ phải thực hiện nghiêm các yêu cầu và tuân thủ các quy trình y tế như bắt buộc phải có nhà vệ sinh sạch sẽ, thiết bị rửa tay, khử trùng, máy đo thân nhiệt, giữ liên hệ với các cơ sở y tế và quy định các địa điểm đeo khẩu trang.

Bộ trưởng Nadiem nhấn mạnh rằng các trường sẽ phải thay đổi để có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh. Học sinh được yêu cầu tuân thủ các biện pháp giãn cách vật lý và đeo khẩu trang. Trong khi đó, các trường học phải giới hạn số lượng học sinh mỗi lớp xuống còn 18 người, hoặc khoảng 50% sĩ số so với trước đây.

Bộ trưởng Nadiem khuyến cáo học sinh, giáo viên và phụ huynh bị ốm hoặc có nhiều bệnh lý nền tránh đến trường, và tự cách ly 14 ngày nếu ra khỏi “vùng xanh”. Đồng thời, ông cũng tuyên bố sẽ cho đóng cửa trở lại các trường học nếu có bất kỳ ca mắc COVID-19 nào trong khu vực, hoặc nếu trạng thái dịch bệnh của khu vực đó chuyển sang màu vàng, màu cam hoặc màu đỏ.

Chú thích ảnh
  Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một cửa hiệu cắt tóc ở Manila, Philippines, ngày 7/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines trong ngày 21/6 ghi nhận 652 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 19 ca tử vong, qua đó nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 và tử vong tại nước này lên lần lượt 30.052 ca và 1.169 ca.

Hiện nước này cũng đã có 7.893 bệnh nhân hồi phục và xuất viện, tỷ lệ khá thấp so với các nước có dịch bệnh hoành hành mạnh tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Singapore hay Malaysia.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giới chức Philippines cho biết hàng chục triệu học sinh ở nước này sẽ chưa được đến trường cho đến khi có vaccine phòng virus SARS-CoV-2.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Giáo dục Philippines Leonor Briones mới đây nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tuân thủ hướng dẫn của tổng thống về hoãn các lớp học trực diện cho đến khi có vaccine phòng bệnh". Ông cho biết thêm, các lớp học sẽ được nối lại vào cuối tháng 8 và giáo viên sẽ giảng dạy từ xa qua mạng Internet hoặc qua truyền hình trong trường hợp cần thiết.  

Chú thích ảnh
 Người dân và khách du lịch thăm Hoàng cung ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số các nước dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á, Thái Lan đang kiểm soát tốt tình hình.

Trong vòng 24 giờ qua, "xứ sở chùa phật ngọc" chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca COVID-19. Như vậy, Thái Lan tới nay ghi nhận tổng cộng 3.148 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 58 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân mua sắm tại một chợ thực phẩm ở Bangkok, Thái Lan ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã phát động sáng kiến “bình thường mới” của Chính phủ bằng cách mời gọi người dân từ tất cả các khu vực xã hội vạch ra tương lai của quốc gia Đông Nam Á này sau cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 17/6 về kế hoạch của Chính phủ đối với đất nước trong kỷ nguyên hậu COVID-19, Thủ tướng Prayut tuyên bố sự quản lý của Chính phủ trước cuộc khủng hoảng y tế công cộng do COVID-19 đã thành công, đồng thời công bố chi tiết về 3 cách làm việc "bình thường mới".

Thủ tướng Prayut cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ của mình rằng Thái Lan sẽ nổi lên từ thử thách COVID-19 như là "một quốc gia mới mạnh hơn và được tôn trọng hơn".

Chú thích ảnh
 Công nhân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore trong ngày 21/6 ghi nhận số ca COVID-19 nhiều thứ 3 trong số các nước thành viên ASEAN, với 262 trường hợp.

Tới hết ngày 21/6, theo số liệu của trang worldometers.info, đảo quốc sư tử ghi nhận tổng cộng 42.095 ca COVID-19 và 26 ca tử vong.

Singapore cũng đã có 34.942 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Singapore, một nhóm các nhà khoa học nước này đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.

Tổ chức Nghiên cứu và phát triển phòng vệ Singapore (DSO) cho biết kể từ tháng Ba, các nhà khoa học nước này đã sàng lọc hàng trăm nghìn tế bào B, loại tế bào sản sinh ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ các mẫu máu của các bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi.

Với giai đoạn nghiên cứu đã hoàn tất, công trình nghiên cứu này giờ đây đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sẽ được đưa vào sản xuất nếu thử nghiệm trên người thành công.

Trong 24 giờ qua, các quốc gia ASEAN khác như Việt Nam, Campuchia, Brunei, Timor Leste Lào đều không xuất hiện ca nhiễm mới trong ngày 21/6.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến

Ngày 21/6, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26/6/2020 theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN