COVID-19 tại ASEAN hết ngày 25/6: Trên 4.000 ca tử vong; Indonesia ngày càng nghiêm trọng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.070 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.040 người.

Chú thích ảnh
 Khử trùng các phương tiện nhằm ngăn dịch COVID-19 bùng phát tại Karo, Bắc Sumatra, Indonesia ngày 20/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Indonesia tình hình ngày càng nghiêm trọng khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục ở mức cao. Indonesia đang dẫn đầu khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới.

Chú thích ảnh
 Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.046 người dân ở khu vực này, tăng 50 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 138.709 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 78.120 trường hợp.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp.

Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội. Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia tăng.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 25/6

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 50.187 +1.178 2.620 +47 20.449
Singapore 42.736 +113 26   36.604
Philippines 33.069 +774 1.212 +8 8.910
Malaysia 8.600 +4 121   8.271
Thái Lan 3.158 +1 58   3.038
Việt Nam 352       329
Myanmar 293   6   211
Brunei 141   3   138
Campuchia 130       127
Timor-Leste 24       24
Lào 19       19
Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Indonesia ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 25/6, Indonesia đã ghi nhận thêm 1.178 ca mắc bệnh viêm đường hô hâp cấp COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 50.187 người.

Theo giới chức y tế Indonesia, tổng số ca tử vong cũng tăng lên 2.620 người sau khi có thêm 47 người tử vong vì virus SARS-CoV-2.

Số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng lên khi Chính phủ Indonesia đang cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong bối cảnh áp lực kinh tế gia tăng. Indonesia đã cho phép các cơ quan, văn phòng, nhà hàng và trung tâm mua sắm được mở cửa trở lại nhưng chỉ 50% nhân viên được làm việc. Giao thông công cộng cũng được nối lại hoạt động.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 21/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Do nhiều người bày tỏ lo ngại về việc mở cửa trở lại nói trên, Chính phủ Indonesia có kế hoạch triển khai 340.000 nhân viên an ninh nhằm đảm bảo người dân tuân thủ các quy định về y tế khi các biện pháp hạn chế dần dần được dỡ bỏ cho đến tháng 7 tới. 

Kinh tế Indonesia chỉ đạt tăng trưởng 2,9% trong quý I/2020, mức tăng trưởng thấp nhất trong khoảng 2 thập kỷ qua.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Indonesia sẽ không tăng trưởng trong cả năm 2020, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia sẽ giảm 1% trong năm nay, xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 23/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày ở Philippines, tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 33.069 người sau khi Bộ Y tế nước này ngày 25/6 ghi nhận thêm 778 người nhiễm mới.

Philippines cũng đã có thêm 255 người khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 8.910 người.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines cũng tăng lên 1.212 người sau khi có thêm 8 người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
 Hành khách và tài xế xe tuktuk đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tỉnh trưởng tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan Worapan Suwannut cho biết hiện chưa có thời gian biểu cho việc mở lại cửa ngõ chính với Campuchia qua huyện Aranyaprathet.

Truyền thông sở tại ngày 25/6 dẫn lời Tỉnh trưởng Worapan Suwannut nói rằng tỉnh Sa Kaeo chưa sẵn sàng mở cửa khẩu Klong Luk đối diện với Poipet của Campuchia, vốn bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Trước đó hôm 24/6, Tỉnh trưởng Worapan cho biết ông không thể nói khi nào biên giới sẽ mở lại, vì điều đó phụ thuộc vào sự phê chuẩn từ Chính phủ. Ông Worapan đã có một cuộc điện đàm với Tỉnh trưởng tỉnh Banteay Meachey của Campuchia Oum Reatrey hôm 23/6. Phía Campuchia hy vọng mở lại cửa khẩu để hồi phục thương mại biên giới, đặc biệt là việc kinh doanh tại chợ Rong Kluea.

Klong Luk là cửa khẩu chính cho thương mại, vận tải và du lịch với Campuchia. Hầu hết hàng xuất khẩu của Thái Lan sang Phnom Penh đều đi qua cửa khẩu này.

Tới hết ngày 25/6, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.158 ca mắc COVID-19 và 58 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên giới thiệu mẫu vaccine phòng COVID-19 được phát triển tại Đại học Chulalongkorn ở Saraburi, Thái Lan ngày 23/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan đang có nhiều nỗ lực nhằm nghiên cứu-phát triển một loại vắc-xin phòng chống COVID-19.

Các nhà khoa học Thái Lan tuần qua đã tiêm liều vaccine thứ hai thử nghiệm phòng chống bệnh COVID-19 cho khỉ và chờ đợi phản ứng tích cực để có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở người vào tháng 10 tới. 

13 con khỉ đã được tiêm vaccine và 2 tuần tới sẽ quyết định liệu các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục thử nghiệm nữa không.  Ông Kiat Ruxrungtham, Trưởng nhóm nghiên cứu của chương trình phát triển vaccine phòng chống COVID-19 tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết :"Chúng tôi sẽ phân tích phản ứng miễn dịch một lần nữa. Nếu phản ứng miễn dịch rất cao, thì đây sẽ là phản ứng tốt". 

Những con khỉ được chia thành 3 nhóm với một nhóm được tiêm liều cao, một nhóm khác được tiêm liều thấp và nhóm cuối cùng không được tiêm. Các con khỉ sẽ được tiêm tổng cộng 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Chính phủ Thái Lan đang hỗ trợ các cuộc thử nghiệm và hy vọng có thể có được vaccine sản xuất trong nước và sẵn sàng sử dụng vào năm 2021.

Hết ngày 25/6, Lào đã không còn bệnh nhân COVID-19 sau khi cả 19 trường hợp đều hồi phục và xuất viện. Nước này cũng không có ca tử vong nào vì virus SARS-CoV-2, trong khi Timor Leste. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ASEAN khác như Việt Nam, Brunei, Timor Leste đều không xuất hiện ca nhiễm mới trong ngày 25/6.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Ngày 25/6: Không để xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 2
Ngày 25/6: Không để xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 2

Tính đến chiều tối ngày 25/6, Việt Nam đã tròn 70 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Chính phủ tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN