COVID-19 tại ASEAN hết 8/7: Malaysia mở cửa với sinh viên nước ngoài; Philippines ca bệnh tăng vọt

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 4.502 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.880 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho du khách tại Bali, Indonesia, ngày 12/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.

Trong ngày, khu vực ASEAN chỉ có 5 nước phát sinh các ca mắc COVID-19. Philippines chứng kiến xu thế dịch leo thang khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh/ngày cao nhất khu vực trong ngày thứ 4 liên tiếp.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 3/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.887 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 55 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 176.620. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 97.690 trường hợp.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, dù vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai.

Số liệu về dịch bệnh COVID-19 tại ASEAN ngày 8/7:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 68.079 +1.853 3.359 +50 31.585
Philippines 50.359 +2.486 1.314 +5 12.588
Singapore 45.298 +158 26   41.323
Malaysia 8.677 +3 121   8.486
Thái Lan 3.197 +2 58   3.074
Việt Nam 369       347
Myanmar 316   6   245
Brunei 141   3   138
Campuchia 141       131
Timor-Leste 24       24
Lào 19       19
Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 6/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Philippines ngày 8/7 đã ghi nhận thêm 2.486 ca mắc dịch COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi bùng phát dịch bệnh ở nước này, nâng tổng số ca mắc ở đây lên thành 50.359 người.

Trong thông báo, bộ trên cũng cho hay Philippines cùng ngày có thêm 5 ca tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 1.314 người.

Chính phủ Philippines đã cảnh báo nước này có khả năng tái siết chặt lệnh phong tỏa lâu nhất trên thế giới để hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Quốc gia Đông Nam Á này đã nới lỏng hạn chế cách ly tại thủ đô vào tháng 6 để tái khởi động dần dần nền kinh tế.

Chú thích ảnh
 Du khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bali, Indonesia, ngày 26/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 8/7, Indonesia ghi nhận thêm 1.853 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 68.079 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất ở Indonesia. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 50 ca lên 3.359 ca.

Dịch bệnh khiến tiêu dùng bị đình trệ, theo đó doanh thu bán lẻ tại Indonesia trong tháng 5 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm. Một cuộc khảo sát do Ngân hàng trung ương Indonesia tiến hành cho thấy doanh thu bán lẻ của nước này trong tháng 5 đã giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008, và giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 16,9% trong tháng 4.

Trong đó, doanh thu từ các sản phẩm thời trang và hoạt động giải trí giảm sâu nhất. Theo dự báo, đà giảm này sẽ chậm lại ở mức 14,4% trong tháng 6. Trong khi đó, lĩnh vực hàng hóa của nền kinh tế đã dần phục hồi kể từ tháng 6, trong bối cảnh các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại, cùng với việc tuân thủ các biện pháp hạn chế.

Chú thích ảnh
 Khách du lịch thăm quan Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Vientiane Times ngày 8/7 cho biết Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 của Lào vừa ra thông báo cho biết mọi cá nhân, kể cả người nước ngoài và công dân Lào, khi xuất cảnh khỏi nước này sẽ phải trình chứng nhận y tế có kết quả âm tính với COVID-19.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giấy chứng nhận y tế đối với du khách, báo trên dẫn lời Phó Giám đốc bệnh viện Mittaphab (Hữu nghị), Tiến sĩ Vangnakhone Dittaphong cho biết có rất nhiều điểm kiểm tra y tế ở các nước và nhà chức trách sẽ yêu cầu du khách trình các chứng nhận y tế từ quốc gia khởi hành. Những người không có chứng nhận y tế hợp pháp có thể bị các quốc gia đích đến từ chối cho nhập cảnh.

Theo Tiến sĩ Vangnakhone, để được cấp chứng nhận y tế, những người muốn xuất cảnh Lào phải đến các bệnh viện được chỉ định tại Lào để xét nghiệm COVID-19 và phải trả phí. Tại thủ đô Viêng Chăn, bệnh viện Mittaphab, bệnh viện Mahosot, Viện Pasteur là các cơ sở y tế có thẩm quyền cấp chứng nhận y tế liên quan COVID-19.

Tuy nhiên, những trường hợp có các biểu hiện như ho, sốt, đau họng hoặc có vấn đề về hô hấp hoặc đã có tiền sử tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ không được cấp chứng nhận y tế.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Campuchia, Quốc vụ khanh phụ trách Kinh tế và Tài chính Vongsey Vissoth thông báo chính phủ nước này đã quyết định phân bổ 1,16 tỷ USD để giải quyết các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19.

Trong đó, 564 triệu USD dành cho hỗ trợ y tế và xã hội, 600 triệu USD dùng để hỗ trợ kinh tế thông qua việc cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Campuchia đã chi 364 triệu USD để hỗ trợ kinh tế và xã hội. Ông Vissoth nêu rõ gói kích thích trên không bao gồm giãn thuế cho các công ty bị ảnh hưởng, đặc biệt trong các ngành may mặc và du lịch.

Theo Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề lao động Campuchia Heng Sour, đại dịch đã khiến xuất khẩu các sản phẩm may mặc, giày dép, hàng hóa du lịch của nước này giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Trong hai quý đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng này đạt 3,78 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch là lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, với khoảng 750.000 lao động, 1.100 nhà máy và các chi nhánh.

Tính tới thời điểm này đã có 45 nhà máy may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch ở Campuchia phải ngưng hoạt động do dịch bệnh. Trong khi đó, ước tính gần 3.000 cơ sở liên quan đến ngành du lịch đã phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, ảnh hưởng đến 45.405 lao động.

Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này đã ghi nhận tổng cộng 141 ca mắc COVID-19, trong đó 131 bệnh nhân đã bình phục và 10 người đang điều trị trong bệnh viện.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chuyên gia hàng đầu thuộc Bộ Y tế Thái Lan, Tiến sĩ Anupong Sujariyakul ngày 8/7 cho biết làn sóng lây nhiễm thứ nhất của dịch COVID-19 ở nước này đã kết thúc sau khi không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng trong 44 ngày liên tiếp.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Anupong cảnh báo người dân Thái cần chuẩn bị tinh thần cho làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát, vì dịch vẫn đang lây lan ở nhiều nơi trên thế giới, và một số nước đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Theo Tiến sĩ Anupong, thực tế trên chứng tỏ những gì Chính phủ Thái Lan làm đến nay là hoàn toàn đúng đắn. Dù không có ca nhiễm mới nào trong hơn một tháng qua nhưng chính phủ vẫn rất thận trọng trong việc mở lại biên giới cho du khách.

Chú thích ảnh
 Khách du lịch trên đường Khao San ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thừa nhận rằng lĩnh vực du lịch chủ lực của Thái Lan đã bị tác động nặng nề của dịch, nhưng Tiến sĩ Anupong nhấn mạnh việc đảm bảo sức khỏe phải là ưu tiên hàng đầu trước khi tái thúc đẩy nền kinh tế. Ông cũng kêu gọi mọi người luôn cảnh giác bằng cách đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách xã hội và sát khuẩn tay thường xuyên.

Ngày 8/7, Thái Lan ghi nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đều là công dân Thái trở về từ nước ngoài và những người này đã được đưa đến cơ sở cách ly. Không có ca tử vong mới nào được ghi nhận.

Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 3.197 ca nhiễm, trong đó 58 ca tử vong. 3.074 ca đã phục hồi, hiện 65 ca đang được điều trị trong bệnh viện. Những ca COVID-19 mới được ghi nhận ở Thái Lan trong hơn 40 ngày qua đều là từ công dân hồi hương đã được cách ly.

Chú thích ảnh
 Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 8/7, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia Noraini Ahmad thông báo nước này sẽ mở lại hoàn toàn các trường đại học vào tháng 10 tới, cho phép sinh viên quốc tế nhập học với một số điều kiện về y tế.

Theo Bộ trưởng Ahmad, một trong các điều kiện trên là sinh viên quốc tế phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khoảng 3 ngày trước khi nhập cảnh.

Cùng ngày, Malaysia ghi nhận thêm 3 ca nhiễm, đều là các ca nhập cảnh từ nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.677 ca. Cùng ngày, cũng có 5 ca đã bình phục và được xuất viện, không ghi nhận ca tử vong mới.

Chính phủ Malaysia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ đầu tháng 5 vừa qua và cuộc sống đang dần dần trở lại bình thường. Để khắc phục tác động của dịch bệnh, Chính phủ Malaysia cũng đã đưa ra các gói kích thích kinh tế cùng Kế hoạch khôi phục kinh tế quốc gia.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
ASEAN 2020: Hội nghị trực tuyến Chính sách An ninh diễn đàn khu vực ASEAN
ASEAN 2020: Hội nghị trực tuyến Chính sách An ninh diễn đàn khu vực ASEAN

Ngày 8/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính sách An ninh diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN