Theo trang thống kê worldometers.info, tới hết ngày 7/7, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.832 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 172.118 ca. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 96.339 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới vượt qua cả Indonesia. Nước này cũng đã soán vị trí thứ hai khu vực của Singapore về tổng số ca bệnh COVID-19.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 7/7:
Quốc gia |
Tổng ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca hồi phục |
Indonesia |
66.226 |
1.268 |
3.309 |
68 |
30.785 |
Philippines |
47.873 |
1.540 |
1.309 |
6 |
12.386 |
Singapore |
45.140 |
157 |
26 |
0 |
40.717 |
Malaysia |
8.674 |
6 |
121 |
0 |
8.481 |
Thái Lan |
3.195 |
0 |
58 |
0 |
3.072 |
Việt Nam |
369 |
0 |
0 |
0 |
341 |
Myanmar |
316 |
0 |
6 |
0 |
245 |
Brunei |
141 |
0 |
3 |
0 |
138 |
Campuchia |
141 |
0 |
0 |
0 |
131 |
Timor Leste |
24 |
0 |
0 |
0 |
24 |
Lào |
19 |
0 |
0 |
0 |
19 |
Philippines dỡ bỏ lệnh hạn chế ra nước ngoài
Ngày 7/7, người phát ngôn của Tổng thống Philippines thông báo chính phủ nước này đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại nước ngoài với người dân.
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn trên nêu rõ toàn bộ các hạn chế đi lại nước ngoài đối với công dân Philippines đã được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, chính phủ cũng áp dụng một số quy định. Cụ thể, những người ra nước ngoài bằng thị thực du lịch cần nộp vé khứ hồi, có bảo hiểm y tế du lịch phù hợp để trang trải chi phí đặt vé lại và lưu trú, trong trường hợp họ bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Ngoài ra, công dân Philippines cần đảm bảo rằng họ được phép nhập cảnh bởi nước sở tại, dựa trên các quy định về cách ly, y tế và đi lại. Họ cũng cần xác nhận việc nắm được các rủi ro khi du lịch. Khi trở về nước, họ cần xét nghiệm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tiến hành cách ly bắt buộc.
Trong khi đó, Chính phủ Philippines vẫn chưa ra quyết định về việc có cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này hay không. Chính phủ hiện mới chỉ cho phép công dân Philippines về nước, các quan chức ngoại giao nước ngoài và gia đình họ vào Philippines.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ngừng tăng. Bộ Y tế Philippines ngày 7/7 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.540 ca mắc bệnh COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 47.873 người.
Trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng nhanh. Giới chức Bộ Y tế Philippines cho rằng số ca mắc bệnh sẽ còn tăng trong những ngày tới do việc lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời khuyến cao người dân cẩn trọng trước những diễn biến của dịch bệnh. Tính đến nay, số người bình phục ở Philippines là 12.386, trong khi số ca tử vong là 1.309.
Indonesia: Vaccine COVID-19 nội địa vượt qua 8 cuộc thử nghiệm
Tại Indonesia, lực lượng đặc trách chống COVID-19 xác nhận vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển đã vượt qua được 8 giai đoạn thử nghiệm và sẽ trải qua 7 cuộc kiểm tra khác. Vaccine này do Viện Phân tử sinh học Eijkman, công ty PT Bio Farma, PT Kalbe Farma của Indonesia và một doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác sản xuất.
Theo một quan chức thuộc lực lượng đặc trách chống COVID-19, quá trình phát triển vaccine sẽ mất nhiều thời gian. Nếu các cuộc thử nghiệm sắp tới đều diễn ra suôn sẻ, việc sản xuất vaccine với quy mô lớn nhiều khả năng sẽ được hoàn tất vào giữa năm tới.
Số ca nhiễm mới hàng ngày của Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống, dù nhiều khu vực đã gần như khống chế được tình trạng lây nhiễm. Trong ngày 7/7, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận thêm 1.268 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 66.266 ca, trong đó có 3.309 ca tử vong.
Cũng trong ngày 7/7, Bộ Y tế Lào thông báo kể từ tháng 1 đến nay, đã xét nghiệm COVID-19 đối với 18.091 người, trong đó có 19 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện toàn bộ 19 ca bệnh này đều đã bình phục. Các cơ quan chức năng Lào đang theo dõi 4.060 người tại 88 trung tâm cách ly khắp cả nước. Chính phủ Lào khuyến cáo chính quyền và người dân các địa phương không được chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch, đồng thời thực thi các biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2 có thể xảy ra.
Lào ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 24/3 và bệnh nhân cuối cùng ở nước này được ra viện vào ngày 9/6.
Singapore: Chưa có làn sóng COVID-19 thứ hai
Theo tờ Straits Times, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong ngày 7/7 cho biết nước này chưa chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai bất chấp số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng lên. Nhưng theo ông Gan Kim Yong, nguy cơ nằm ở số ca lây nhiễm tại Khối nhà 111 Đường 11, chùm lây nhiễm này có thể trở thành một ổ dịch nghiêm trọng tại Singapore. Đó là lý do tại sao nhà chức trách quyết định xét nghiệm toàn bộ những người sống hoặc đã tới khu vực. Tổng cộng 118 người được xét nghiệm đến nay đều cho kết quả âm tính.
Ngày 7/7, Singapore ghi nhận 157 ca COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 45.140 trường hợp, với 40.717 bệnh nhân đã bình phục.
Malaysia hạ lãi suất cơ bản xuống thấp kỷ lục
Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) ngày 7/7 đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục nhằm giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo tốc độ hồi phục kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này không chắc chắn. Đây là lần thứ 4 liên tiếp BNM hạ lãi suất cơ bản.
BNM đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản xuống 1,75% và dự báo kinh tế Malaysia giảm mạnh trong quý II/2020 do tác động của các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. BNM nhấn mạnh hoạt động kinh doanh đang hồi phục và các gói kích thích của chính phủ sẽ tiếp tục củng cố triển vọng kinh tế đang được cải thiện.
Kinh tế Malaysia phụ thuộc chủ yếu vào thương mại và các mặt hàng xuất khẩu chính của nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á này là dầu cọ, dầu thô và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp ở Malaysia đã phải đóng cửa và người dân không được ra khỏi nhà từ giữa tháng 3 khi dịch bệnh bùng phát mạnh.
So với nhiều nước trên thế giới, sự bùng phát dịch bệnh tại Malaysia được đánh giá là nhỏ với hơn 8.600 ca nhiễm và 121 trường hợp tử vong, nhưng biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh cũng đã gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế nước này.