COVID-19 tại ASEAN hết 7/2: Thái Lan lo dịch lan trong Tết Nguyên đán; Malaysia nới lỏng quy định phòng dịch 

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 7/2, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 16.631 ca mắc COVID-19 và 248 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.164.754 ca, trong đó 46.921 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Trung Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại ASEAN, tình hình COVID-19 nghiêm trọng nhất ở Indonesia. Nước này thông báo ghi nhận thêm 10.827 ca mắc COVID-19 và 163 ca tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong ở nước này lần lượt là 1.157.837 và 31.556. 

Trong khi đó, Malaysia có thêm 3.731 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm lên 242.452. Tổng số người tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này là 872 sau khi có thêm 15 ca tử vong trong ngày 7/2.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines cũng thông báo ghi nhận thêm 1.790 ca nhiễm mới và 70 trường hợp không qua khỏi. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 537.310 ca nhiễm, trong đó có 11.179 trường hợp tử vong.

Tại Thái Lan, nhà chức trách nước này phát hiện thêm 237 ca nhiễm mới, trong đó đa số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này là 23.371 ca. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận, có 112 ca được phát hiện theo chiến dịch chủ động xét nghiệm, 113 ca được phát hiện trong các bệnh viện và 12 ca nhập cảnh. Cho tới nay, có 14/77 tỉnh, thành ở Thái Lan đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong thời gian 7 ngày từ ngày 31/1.

Các nước còn lại có số ca mắc không đáng kể. Myanmar chưa công bố số liệu ngày 7/2.

Thái Lan cảnh báo nguy cơ lây lan dịch trong Tết Nguyên đán

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 khi các gia đình đoàn tụ để đón Tết Nguyên đán sắp tới.

Giám đốc bộ phận kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp và nguy cơ đối với sức khỏe thuộc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Chawetsan Namwat đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong các cuộc họp mặt gia đình. Theo ông, các gia đình nên ăn mừng một cách an toàn bằng cách sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp, đặc biệt là với những người cao tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ. Mọi người nên đeo khẩu trang khi nói chuyện, hoặc sử dụng các ứng dụng trò chuyện có tính năng gọi video để giảm tiếp xúc trực tiếp.

Theo ông Chawetsan, người dân sẽ vẫn phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có được khả năng miễn dịch cộng đồng. Việc xét nghiệm chủ động sẽ tiếp tục mặc dù số lượng các ca mắc COVID-19 đã bắt đầu giảm.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) được công bố ngày 7/2 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan hài lòng với cách xử lý của Chính phủ đối với làn sóng COVID-19 thứ hai, nhưng gần 1/4 dân số không muốn tiêm chủng.

Cuộc thăm dò được thực hiện bằng phỏng vấn qua điện thoại đối với 1.315 người từ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau trong cả nước từ ngày 1-3/2. Khi được hỏi họ sẽ làm gì liên quan đến việc tiêm vaccine  ngừa COVID-19, 63,12% cho biết sẽ chấp nhận tiêm vaccine miễn phí do Chính phủ cung cấp, nhưng gần 1/4 (23,57%) nói rằng họ không muốn tiêm vaccine. Ngoài ra, 7,98% muốn tiêm vaccine ở bệnh viện tư được phép của Chính phủ bằng chi phí của riêng họ, trong khi 5,33% không có bình luận hoặc không quan tâm.

Về mức độ hài lòng đối với cách xử lý của Chính phủ trong làn sóng COVID-19 thứ hai, 27,6% rất hài lòng và 42,13% hài lòng ở mức độ vừa phải, nói rằng các biện pháp đã được thực hiện nhanh chóng để ngăn chặn dịch và các khu vực được phân loại rõ ràng để chỉ ra mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát

Malaysia nới lỏng quy định phòng dịch 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 30/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông báo chiều 7/2, Bộ Thống nhất Malaysia cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đã quyết định cho phép tổ chức các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của NSC do Bộ trưởng Cao cấp phụ trách vấn đề An ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob chủ trì. 

Cụ thể, các bữa tiệc đoàn viên này chỉ được tổ chức vào ngày 11/2 với tối đa 15 người, trong đó các thành viên phải đảm bảo điều kiện sống cách nhau trong phạm vi 10 km và không được đi lại liên quận hoặc liên bang. 

Cùng với đó, các hoạt động tôn giáo tại các ngôi chùa và địa điểm thờ cúng cũng được phép tổ chức vào ngày các 11, 12 và 19/2 với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định hoạt động tiêu chuẩn (SOP). 

Trước đó, ngày 4/2,  nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ông Ismail Sabri Yaakob tuyên bố các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán chỉ được phép tổ chức giữa các thành viên trong cùng một nhà trong khi chỉ 5 thành viên trong ban quản trị các ngôi chùa được phép hoạt động, tổ chức các hoạt động tế tự, nghi thức tôn giáo trong thời gian này. Nhà chức trách Malaysia cũng cấm các hoạt động đến nhà nhau thăm hỏi ngày Tết cũng như các hoạt động đón mừng Năm mới tại địa phương. 

Indonesia phê duyệt vaccine Sinovac cho người cao tuổi

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của Indonesia vừa phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển để sử dụng cho người cao tuổi.

Động thái này cho thấy có khả năng Indonesia đang thay đổi chiến lược tiêm chủng vốn trước đó dành ưu tiên cho lực lượng lao động, một phần do dữ liệu hạn chế về tính an toàn của vaccine đối với người cao tuổi. Trong bức thư gửi cho hãng dược nhà nước Bio Farma – đối tác của Sinovac tại Indonesia, BPOM cho biết việc cấp giấy phép sử dụng vaccine CoronaVac của Sinovac cho người cao tuổi "có tính đến tình huống khẩn cấp của đại dịch COVID-19 và thông tin hạn chế về lợi ích cũng như độ an toàn của vaccine". 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hôm 14/1, Indonesia đã chính thức triển khai giai đoạn một của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 ở các nhân viên y tế và công chức với 3 triệu liều vaccine CoronaVac do hãng Sinovac cung cấp. Số liệu cập nhật của Chính phủ Indonesia cho thấy đã có gần 800.000 người đã được tiêm mũi đầu tiên. Giới chức nước này cho biết 25 triệu liều vaccine khác dự kiến sẽ được sản xuất vào cuối tháng Ba tới với các nguyên liệu do Sinovac cung cấp. 

Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 180 triệu người trong tổng số 270 triệu dân trong vòng một năm.  

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhóm điều tra WHO tìm thấy bằng chứng quan trọng về COVID-19
Nhóm điều tra WHO tìm thấy bằng chứng quan trọng về COVID-19

Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được điều tới Vũ Hán đang hoàn thành bản kết luận điều tra tại Trung Quốc và cho biết họ đã tìm thấy những bằng chứng quan trọng về vai trò của chợ hải sản Vũ Hán trong đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN