COVID-19 tại ASEAN hết 5/7: Số ca mắc trong ngày ở Philippines cao nhất từ đầu đại dịch

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 4.177 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.680 người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ lên xe buýt tại Manila, Philippines, ngày 18/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao.

Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực ASEAN có 5 nước phát sinh các ca mắc COVID-19.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.682 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 89 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 165.649 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 83.592 trường hợp.

Chú thích ảnh
 Học sinh và giáo viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến trong 24 giờ qua đặc biệt đáng ngại ở Philippines, khi nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục tính theo ngày.
 
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp.

Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, dù vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai.

 Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 5/7

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 63.749 +1.607 3.171 +82 29.105
Singapore 44.800 +136 26   40.117
Philippines 44.254 +2.424 1.297 +7 11.942
Malaysia 8.663 +5 121   8.465
Thái Lan 3.190 +5 58   3,071
Việt Nam 355       340
Myanmar 313   6   240
Campuchia 141       131
Brunei 141   3   138
Timor-Leste 24       24
Lào 19       19
Chú thích ảnh
 Tài xế xe Jeepney kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại Manila, Philippines, ngày 3/7/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Phillipines đang theo chiều hướng xấu đi. Nhà chức trách Philippines thông báo tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 44.524, sau khi ngày 5/7 ghi nhận 2.434 ca nhiễm mới (riêng thủ đô Manila 1.069 ca) và 7 ca tử vong.

Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này.

Bộ Y tế Philippines một lần nữa hối thúc người dân thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ dẫn y tế bảo vệ sức khỏe bản thân và xã hội, bao gồm thường xuyên rửa tay, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tránh ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 29/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 5/7, Indonesia vẫn dẫn đầu khu vực về số bệnh nhân tử vong vì virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, "quốc gia vạn đảo" trong 24 giờ qua ghi nhận 82 ca tử vong và 1.607 ca mắc bệnh, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại Indonesia lên lần lượt 63.749 và 3.171 trường hợp.

Thủ đô Jakarta là tâm dịch COVID-19 của nước này. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nguy hiểm, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại trong giai đoạn chuyển tiếp sang trạng thái “bình thường mới” thêm 14 ngày, đồng thời siết chặt giám sát các chợ truyền thống và hoạt động vận tải đường sắt.

Thống đốc Anies cho biết sau khi cùng Lực lượng đặc nhiệm chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phân tích tình hình dịch bệnh tại thủ đô, chính quyền thành phố quyết định duy trì các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) cho đến ngày 15/7 tới.

Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Anies nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao kỷ luật của công chúng ở 3 khía cạnh quan trọng là sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng các ca lây nhiễm một khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Chú thích ảnh
 Khách du lịch thăm quan Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng là một trong những nước ASEAN kiểm soát tốt đại dịch, tính tới thời điểm này.

Hết ngày 5/7, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.190 ca mắc bệnh và 58 bệnh nhân tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, "xứ sở chùa phật ngọc" chỉ ghi nhận 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã nhiều tuần không có ca tử vong nào.

Khoa Vi sinh học, y học của trường Đại học Chulalongkorn tại thủ đô Bangkok của Thái lan thông báo mời các ứng cử viên đã bình phục sau khi mắc bệnh COVID-19 hoặc đã tiếp xúc gần với người bệnh đến tham gia nghiên cứu của trường về quá trình tạo miễn dịch chống virus SARS-CoV-2.

Dự án nghiên cứu có tên "Người hùng COVID-19", do Bộ Y tế Thái Lan khởi xướng, hướng đến các nghiên cứu trong phòng bệnh COVID-19, bao gồm cả tạo miễn dịch chống COVID-19, giai đoạn mà một cơ thể người bệnh đòi hỏi phải tạo ra miễn dịch, và các kháng thể tồn tại được bao lâu trong cơ thể người.

Trường đại học trên cho biết để có thể tham gia nghiên cứu, các ứng cử viên phải trên 18 tuổi, đã từng mắc bệnh COVID-19 và/hoặc đã tiếp xúc với những người nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong quá trìn nghiên cứu, các nhà nghiên cứu sẽ lấy máu nghiên cứu 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng. Thông tin cá nhân những người tham gia sẽ được giữ bí mật.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Campuchia trong một ngày qua không phát sinh ca dương tính nào với virus SARS-CoV-2. Tới nay, "xứ sở chùa tháp" cũng chỉ còn 10 bệnh nhân đang điều trị và hiện nước này kiểm soát khá thành công đại dịch.

Dù vậy, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia vẫn quyết định thông báo hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) do những khó khăn liên quan tới dịch bệnh.

Thông báo này được đưa ra sau khi Campuchia tổ chức cuộc họp trực tuyến các quan chức cấp cao ASEM (ASEM SOM) trong các ngày 2-3/7. Cuộc họp SOM do Tiến sĩ Sok Siphana, cố vấn cấp cao Chính phủ Campuchia, chủ trì.

Tiến sĩ Sok Siphana đánh giá cao sự ủng hộ của tất cả các nước đối tác ASEM dành cho Campuchia trong việc đăng cai ASEM 13. Ông nhấn mạnh tới những nỗ lực chuẩn bị cả về hậu cần lẫn vật chất của Campuchia nhằm đảm bảo tổ chức thành công ASEM 13, vốn theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra trong các ngày 16-17/11/2020 tại thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, tất cả các lãnh đạo cấp cao dự cuộc họp ASEM SOM đã nhất trí bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ yêu cầu của Campuchia về việc hoãn Hội nghị ASEM 13 tới giữa năm 2021

Chú thích ảnh
 Công nhân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore trong ngày ghi nhận thêm 136 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 44.800 trường hợp tính tới hết ngày 5/7.

Tuy nhiên, "đảo quốc sư tử" tiếp tục thành công trong công tác điều trị bệnh nhân. Tới nay, Singapore đã nhiều tuần không ghi nhận ca tử vong nào mới vì dịch bệnh và hiện chỉ có 26 ca tử vong ở nước này.

 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 hết ngày 4/7 tại ASEAN: Campuchia hoãn ASEM 13, Philippines lại vượt Indonesia
COVID-19 hết ngày 4/7 tại ASEAN: Campuchia hoãn ASEM 13, Philippines lại vượt Indonesia

Trong 24 giờ qua các nước ASEAN ghi nhận 3.148 ca mắc bệnh COVID-19 và 63 ca tử vong. Philippines tiếp tục vượt qua Indonesia về số ca mắc bệnh mới, trong khi Campuchia phải hoãn Hội nghị ASEM 13 sang năm 2021 do tình hình dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN