Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 86.209 ca mắc mới COVID-19 và 2.203 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 7.564.027 trường hợp và 155.620 ca tử vong. Toàn khối có 6.195.739 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 1.598 ca; Malaysia đứng thứ hai với 195 ca; Việt Nam ghi nhận 186 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 147 ca, Philippines thêm 48 ca và Campuchia ghi nhận 29 ca.
Với 33.900 ca nhiễm trong ngày 3/8, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khối về lây nhiễm mới, dù số ca nhiễm đang giảm về quanh ngưỡng 30.000 sau khi liên tục ở mức trên 45.000-50.000 ca. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 3.496.700 ca bệnh và 98.889 ca tử vong.
Tình hình Thái Lan đang nghiêm trọng hơn, với ca nhiễm mới đứng thứ hai trong khu vực - 18.901 ca trong ngày, nâng tổng ca bệnh lên 652.185 người, bao gồm 5.315 ca tử vong.
Malaysia có số ca nhiễm mới đứng thứ ba trong khối với 17.105 trường hợp, nâng tổng ca bệnh lên 1.163.291 người, bao gồm 9.598 ca tử vong.
Cùng ngày, Philippines ghi nhận ca nhiễm mới trên đà giảm, với 6.879 trường hợp; Việt Nam có 8.377 ca mới, nâng tổng số ca lên 170.137 kể từ đầu đại dịch; trong khi Campuchia ghi nhận số ca nhiễm mới là 577 ca; Lào thêm 250 ca.1
Campuchia: Ca mắc giảm nhưng biến thể Delta lan rộng
Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn báo Khmer Times đưa tin ngày 3/8 là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia giảm. Tuy nhiên, với số ca nhập cảnh mắc COVID-19 và số ca tử vong vì đại dịch còn cao.
Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 29 người tử vong và 577 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 224 ca nhập cảnh và 353 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến ngày 3/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 79.051 ca mắc COVID-19, trong đó 72.145 ca khỏi bệnh và 1.471 người tử vong.
Giới chuyên gia lo ngại nhiều người tiếp tục vượt biên trái phép từ Thái Lan về nước trong bối cảnh 8 tỉnh biên giới giáp Thái Lan đã phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19. Ngày 2/8, các lực lượng chức năng đã có 63 lao động di cư đã bị bắt giữ khi cố vượt biên trở về Campuchia và đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng.
Ngày 3/8, báo chí Campuchia thông tin về 8 ca nghi nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh, kết hợp với thông tin phong tỏa một số khu vực trong thành phố thuộc quận Russey Keo và quận Tuol Kork hôm qua. Điều này cho thấy biến thể Delta đã chuyển từ các ca nhập cảnh sang lây nhiễm cộng đồng.
Tối 2/8, lô vaccine viện trợ đợt hai của Mỹ qua cơ chế COVAX gồm 609.600 liều Johnson & Johnson đã đến Sân bay quốc tế Phnom Penh. Trước đó, ngày 30/7, đã có 500.000 liều vaccine Johnson & Johnson được chuyển đến Phnom Penh. Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, Yuok Sambath, vaccine Johnson & Johnson với chỉ một mũi tiêm sẽ được sử dụng để tiêm cho người dân sống ở khu vực giáp biên.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng ông muốn sử dụng số vaccine do Mỹ viện trợ để tiêm cho dân tộc ít người ở các tỉnh Stung Treng, Ratanakiri, Preah Vihear với khoảng gần một triệu người.
Quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào ngày 10/2 với mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người (gồm 10 triệu người trưởng thành và 2 triệu thanh thiếu niên), chiếm 75% trong tổng số 16 triệu dân của nước này cho đến tháng 11/2021. Tính đến ngày 2/8, khoảng 7,5 triệu người, chiếm 46,8% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Lào lần thứ 7 liên tiếp gia hạn lệnh phong tỏa
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày 3/8, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 4-18/8. Đây là lần thứ 7, Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.
Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ do lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ người lao động nhập cảnh và một số ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào đã yêu cầu tăng cường truy vết người mắc COVID-19 để đưa đi điều trị kịp thời và thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu đề ra. Ban lãnh đạo các tỉnh có nhiều ca mắc COVID-19 cần bàn bạc và xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giải quyết tình trạng đông người cách ly và số bệnh nhân gia tăng trong thời gian tới.
Trong 15 ngày tới, các quy định được duy trì bao gồm đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, cafe Internet, spa; không cho phép hoạt động thể thao tiếp xúc cơ thể; cấm người dân ra vào vùng đỏ; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập đông người. Các hoạt động được nới lỏng bao gồm: cho phép mở trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, chợ thực phẩm, chợ đêm, quán tóc, quán làm đẹp ngoài vùng đỏ. Quán ăn, cà phê, khu du lịch, ẩm thực ngoài vùng lây nhiễm có thể được mở cửa nhưng không cho phép phục vụ đồ uống có cồn. Hoạt động hội họp chính thức được phép diễn ra với điều kiện đảm bảo tuân thủ biện pháp chống lây nhiễm.
Lào cũng cho phép nối lại hoạt động vận tải đường bộ và hàng không ở địa phương không có dịch hoặc giữa các địa phương có dịch nếu tài xế và hành khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Ở khu vực không có dịch bệnh lây lan, trường học các cấp và trung tâm thể thao được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ngày 3/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 250 ca mắc mới, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào tới nay đã lên tới 7.015 ca, trong đó có 7 ca tử vong.
Malaysia lạc quan đạt mục tiêu tiêm chủng
Ngày 3/8, Bộ trưởng điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP) của Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết chính phủ nước này đang rất lạc quan trong việc đạt được mục tiêu đề ra về việc đạt được miễn dịch cộng đồng trước cuối năm 2021. Theo đó, đến ngày 31/8 tới, 50% người trưởng thành trên 18 tuổi của Malaysia sẽ hoàn thành tiêm chủng.
Phát biểu sau khi đến thăm trung tâm tiêm chủng vaccine lưu động tại Kampung, Bộ trưởng Khairy khẳng định đến ngày 31/8 sẽ có 50% người Malaysia trưởng thành hoàn thành tiêm chủng vì với tốc độ tiêm chủng khoảng 500.000 mũi/ngày trong suốt một tuần qua, cùng với việc hiện tại 31% người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng, Malaysia chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra vào cuối tháng này.
Bộ trưởng Khairy cho biết chương trình tiêm chủng đại trà sẽ sớm được mở rộng sang các bang khác, ưu tiên dành cho người cao tuổi. Theo ông, số mũi tiêm vaccine/ngày đã tăng trên 500.000 mũi tiêm trong 6 ngày qua và đạt kỷ lục 519.111 mũi tiêm vào ngày 1/8 vừa qua.
Thái Lan mở rộng kiểm soát sang nhiều khu vực
Ngày 3/8, Thái Lan đã gia hạn các biện pháp kiểm soát siết chặt hơn tại những khu vực có nguy cơ cao đồng thời mở rộng sang nhiều khu vực khác trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19.
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 cho biết trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 18.901 ca mắc mới và thêm 147 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi vì dịch COVID-19 lên lần lượt 652.185 ca và 5.315 ca. Theo cơ quan này, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 13 khu vực, trong đó có thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, sẽ được gia hạn tới ngày 31/8. Nước này cũng quyết định áp đặt các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn tại 16 tỉnh khác từ ngày 3/8. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm.
Philippines: Biến thể Delta bùng khắp đất nước
Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 3/8 thông báo ghi nhận thêm 6.879 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.612.541 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 28.141 người sau khi có thêm 48 bệnh nhân không qua khỏi.
Philippines, quốc gia có dân số khoảng 110 triệu người, đang chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh - được cho là nguyên nhân dẫn đến "sự gia tăng theo cấp số nhân" các ca mắc COVID-19 trong nước. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines Rabindra Abeyasinghe cảnh báo hàng loạt mẫu xét nghiệm cho thấy các ca nhiễm biến thể Delta được ghi nhận ở nhiều vùng, nhiều thành phố và đây có thể là dấu hiệu cho thấy "sự lây nhiễm trong cộng đồng".
Philippines đã phát hiện 216 ca nhiễm biến thể Delta, trong đó có 9 ca tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết tác động của biến thể Delta hiện đã được ghi nhận trên toàn quốc và tất cả các khu vực đều có dấu hiệu gia tăng số ca mắc. Theo ông, DOH "đang xem sự gia tăng ca mắc theo cấp số nhân là sự lây nhiễm trong cộng đồng".