Theo tờ New York Times, vaccine CoronaVac của Sinovac được Trung Quốc cấp phép ngày 6/2/2021 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép từ ngày 1/6/2021. Đến nay vaccine này đã được 38 quốc gia trên thế giới cấp phép và đưa vào tiêm chủng. Vaccine Vero Cell của Sinopharm được Trung Quốc phê duyệt ngày 30/12/2020, WHO phê duyệt ngày 7/5/2021, và đã được 51 quốc gia cấp phép và tiến hành tiêm chủng,
Với tổng cộng hơn 1,65 tỉ liều đã dùng tại Trung Quốc và hơn 500 triệu liều được cấp hỗ trợ, xuất khẩu đến trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm nay, hai loại vaccine của Trung Quốc nằm trong số những vaccine COVID-19 được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu tới thời điểm này.
Công nghệ sản xuất
Cả hai đều là vaccine virus bất hoạt. Đây là công nghệ truyền thống, vaccine được bào chế từ các hạt virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sau đó chúng sẽ bị bất hoạt bằng nhiệt hoặc hoá chất để không thể lây nhiễm COVID-19 cho người tiêm. Tuy virus bị bất hoạt, nhưng kháng nguyên của chúng vẫn tồn tại, nên khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tạo ra phản ứng chống lại.
Nhiều loại vaccine khác cũng sử dụng nền tảng tương tự, bao gồm vaccine bại liệt tiêm, viêm gan A và vaccine cúm.
Vaccine của cả hai công ty Trung Quốc đều được trộn với chất bổ trợ, một chất được thêm vào vaccine để kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Vaccine Sinovac và Sinopharm được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn từ 2-8 độ C; với thời hạn sử dụng 2 năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng của vaccine này giúp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho, tăng khả năng tiếp cận của vaccine trên toàn thế giới.
Mức độ an toàn
Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm hầu hết các loại vaccine COVID-19 khác, chẳng hạn như sốt và mệt mỏi, được ghi nhận là không phổ biến sau khi tiêm vaccine Sinovac hoặc Sinopharm.
Theo tờ Conversation, sau khi vaccine được chấp thuận và được sử dụng trong một số lượng lớn dân số, chúng sẽ được theo dõi liên tục để phát hiện các tác dụng phụ rất hiếm. Nhưng không có mối lo ngại đáng kể nào về an toàn khi vaccine Sinovac được triển khai tiêm diện rộng ở Trung Quốc, Brazil, Indonesia, Chile và nhiều nước khác...
Chỉ có một số lượng rất thấp các sự cố bất lợi được xác định. Ví dụ, chỉ có 49 trường hợp bất lợi nghiêm trọng được báo cáo sau khi 35,8 triệu liều Sinovac được sử dụng ở Trung Quốc. 79 trường hợp được báo cáo là gặp các tác dụng phụ rất nhẹ sau khi tiêm 1,1 triệu liều Sinopharm ở Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thông thường về các biến cố bất lợi sau tiêm chủng.
Một tác dụng phụ tiềm ẩn được quan tâm đặc biệt là cái được gọi là "bệnh tăng cường liên quan đến vaccine". Đây là một tác dụng phụ rất hiếm gặp với một số loại vaccine khác sử dụng công nghệ bất hoạt tương tự như vaccine Sinopharm và Sinovac. Nó xảy ra khi một người được tiêm chủng tiếp xúc với virus và phát triển một tình trạng viêm nghiêm trọng, và kết quả là họ hứng chịu các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những gì xảy ra với họ nếu không được tiêm chủng. Tuy vậy, điều này chưa được ghi nhận xảy ra với vaccine của Sinovac và Sinopharm cho đến nay, mặc dù WHO vẫn khuyến nghị giám sát an toàn sau tiêm để phòng ngừa những sự cố như vậy.
Hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng
Qua các thử nghiệm lâm sáng, hiệu quả của Sinovac trong việc ngăn ngừa nhiễm virus có triệu chứng là 51% ở Brazil, 67% ở Chile, 65% ở Indonesia và 84% ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sự khác biệt trong kết quả có thể là do các biến thể khác nhau ở mỗi quốc gia vào thời điểm đó và sự khác biệt trong các cộng đồng được đưa vào nghiên cứu.
Hiệu quả của Sinopharm trong việc ngăn ngừa nhiễm virus có triệu chứng là trung bình 78% ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập và Jordan.
Tuy nhiên, hiệu quả của hai loại vaccine này trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nghiêm trọng lớn hơn rõ rệt. Hiệu quả ngăn các ca nhập viện của Sinovac ở Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, lần lượt là 85%, 100% và 100%. Đối với Sinopharm, hiệu quả ngăn các ca nhập viện là 79%.
Hiệu quả trong sử dụng thực tế
Dữ liệu được công bố vào tháng 4 từ một nghiên cứu thực tế lớn ở Chile cho thấy Sinovac có hiệu quả 67% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Hiệu quả ngăn các ca nhập viện là 85%, nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU) là 89% và tử vong là 80%.
Chính phủ Uruguay cho biết chiến dịch tiêm chủng vaccine CoronaVac của Sinovac đã giúp nước này giảm được 95% số ca tử vong, giảm 92% số ca bệnh nặng và giảm 60% ca mắc COVID-19 có triệu chứng.
Hiệu quả của vaccine Sinopharm đối với nhiễm virus có triệu chứng ở Bahrain là 90%.
Thử nghiệm tại Sri Lanka do Đại học Sri Jayewardenepura tiến hành cũng cho thấy trên 95% người tham gia phát triển kháng thể trong vòng 2 tuần sau tiêm mũi hai Sinopharm, 81% phát triển kháng thể có khả năng vô hiệu hoá virus ở mức tương đương với ở những người sau nhiễm SARS-CoV-2.
"Kháng thể phản ứng với biến thể Delta và các kháng thể vô hiệu hoá tương đương mức được quan sát ở những người nhiễm virus thực", nhóm nghiên cứu cho biết. Ngoài ra, vaccine Sinopharm cũng tạo ra phản ứng “tế bào T mạnh mẽ và tế bào B ghi nhớ”, là những yếu tố quan trọng khác của phản ứng miễn dịch.
Thử nghiệm lớn nhất về vaccine Sinovac và Sinopharm cũng đã diễn ra tại quê nhà Trung Quốc. Quốc gia này đến nay đã tiêm khoảng 1,65 tỉ liều ở trong nước. Trong đó, 223 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi và kết quả đạt được là gần 200 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng cho đến cuối tháng 7 vừa qua.
Đến nay, khi xuất hiện biến thể Delta tại thủ phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, nhà chức trách Trung Quốc khẳng định, nguy cơ mắc bệnh nặng ở những người tiêm vaccine đã giảm đáng kể so với những người chưa được tiêm chủng.
Nhà chức trách và các chuyên gia nước này cũng khẳng định rằng với biến thể Delta, các vaccine hiện có của Trung Quốc vẫn hoàn toàn phát huy tác dụng và họ đang tiếp tục nghiên cứu loại vaccine đặc hiệu cho biến thể Delta.
Vaccine tốt nhất là vaccine đang sẵn có
Trước tiên cần hiểu về cách thức cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật. Theo CDC Mỹ, khi mầm bệnh, như virus gây bệnh COVID-19, xâm nhập cơ thể chúng ta, chúng tấn công và sinh sôi nảy nở. Hệ miễn dịch của chúng ta sử dụng một vài công cụ để chống lại lây nhiễm. Máu chứa các tế bào hồng cầu chuyên chở oxy tới các mô và cơ quan trong cơ thể và bạch cầu (hay các tế bào miễn dịch) chống lại lây nhiễm.
Các loại tế bào bạch cầu khác nhau chống lại lây nhiễm theo nhiều cách khác nhau: + Đại thực bào là các tế bào máu trắng hấp thụ và tiêu hóa các mầm bệnh cũng như các tế bào đã chết hoặc sắp chết. Các đại thực bào để lại các phần của mầm bệnh xâm nhập, được gọi là "kháng nguyên". Cơ thể xác định các kháng nguyên được coi là nguy hiểm và kích thích các kháng thể tấn công chúng; +Tế bào lympho B là các tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể. Chúng tạo các kháng thể tấn công các mảnh virus mà đại thực bào còn để lại; + Tế bào lympho T là loại tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể. Chúng tấn công các tế bào trong cơ thể đã bị nhiễm bệnh.
Các loại vaccine khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ. Nhưng với tất cả các loại vaccine (bao gồm cả vaccine bất hoạt), cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T "ghi nhớ" cũng như tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại virus trong tương lai.
Thông thường, vài tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới sản sinh ra tế bào lympho T và lympho B có khả năng “ghi nhớ” cách chống lại virus. Các tế bào này sẽ nhanh chóng hành động nếu cơ thể gặp lại đúng loại virus đó. Khi phát hiện thấy kháng nguyên tương tự, tế bào lympho B tạo ra kháng thể chống lại chúng. Vì thế bất cứ ai cũng nên được tiêm chủng mũi đầu tiên càng nhanh càng tốt để bắt đầu quá trình huấn luyện tế bào B khả năng “ghi nhớ”.
Các nhà khoa học khẳng định, ngay cả với các vaccine có hiệu quả thấp hơn (so với các vaccine công nghệ mRNA) như Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc, việc tiêm chủng vẫn mang lại lợi ích bảo vệ tốt hơn so với việc không tiêm chủng, nhất là với những người có bệnh nền hoặc nguy cơ tử vong do COVID-19 cao.
Một lý do quan trọng là việc tiêm vaccine Sinovac và Sinopharm có hiệu quả rất cao trong ngăn ngừa người nhiễm bị bệnh nặng, phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Thiệu Nhất Minh, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đã rút ra kết luận về hiệu quả vaccine rằng vaccine sẽ giúp cho một người dù nhiễm virus, có thể lây bệnh nhưng thường sẽ không có triệu chứng và không diễn biến trở nặng. “Trọng tâm của việc tiêm chủng ở Trung Quốc là ngăn mọi người phát triển thành triệu chứng (tức bệnh nặng) chứ không phải là tiêm chủng để ngăn mọi người nhiễm bệnh”, ông Thiệu Nhất Minh nói.