Tình hình dịch bệnh tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất ASEAN. Trong ngày 31/12, Indonesia ghi nhận 8.074 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 743.198 ca.
Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 194 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 22.138 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.
Malaysia và Philippines là hai nước có ca mắc mới trong ngày 31/12 cao thứ hai và thứ ba ASEAN với lần lượt là 2.525 và 1.541 ca.
Trong ngày 31/12, Myanmar có thêm 890 ca mắc và 18 ca tử vong. Thái Lan cũng tăng 194 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 6.884 ca.
Số ca mắc mới ở Malaysia cao nhất kể từ đầu dịch
Tại Malaysia, 2.525 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận trong ngày 31/12, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 113.010 ca.
Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, trong số các ca mắc mới có 13 ca nhập khẩu. Số ca tử vong cũng tăng 8 ca lên 471 ca. Trong khi đó, thêm 1.481 bệnh nhân xuất viện sau khi được chữa khỏi bệnh, nâng tổng số ca hồi phục lên 88.941, tương đương tỷ lệ 78,7%.
Tỉnh đảo Sulu ở Philippines tự phong tỏa 2 tuần
Giới chức tỉnh đảo Sulu ở miền Nam Philippines cho biết sẽ tự phong tỏa trong vòng 2 tuần từ ngày 4/1/2021 nhằm ngăn chặn lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Malaysia.
Tỉnh trưởng Abdusakur Tan ngày 31/12 cho rằng biện pháp này nhằm bảo vệ Sulu sau khi Malaysia thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, mà đảo Sulu lại cách không xa bang Sabah của Malaysia. Tỉnh đảo Sulu còn đề nghị Chính phủ Philippines cung cấp thêm tàu, thuyền và trực thăng nhằm giám sát khu vực biển tiếp giáp với vùng biển của bang Sabah nằm trên đảo Borneo của Malaysia. Theo Tỉnh trưởng Tan, tất cả những người hiện không ở trên đảo Sulu sẽ không được phép lên đảo từ đầu tuần tới và lệnh phong tỏa có thể kéo dài.
Một quan chức y tế hàng đầu Malaysia gần đây cho biết đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này nhưng chưa có khả năng lây nhiễm. Giữa bang Sabah của Malaysia và các đảo của Philippines từ lâu đã thiết lập những tuyến đường đi lại và thương mại.
Philippines hiện ghi nhận tổng cộng trên 472.000 ca nhiễm và là một trong những nước có số ca bệnh cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó, tỉnh đảo Sulu có hơn 900.000 dân, ghi nhận 242 ca nhiễm, trong đó 12 ca tử vong do COVID-19.
Singapore ghi nhận thêm 5 ca mắc trong cộng đồng
Ngày 31/12, Singapore ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, mức cao nhất trong gần 3 tháng qua. Nhà chức trách đang nỗ lực điều tra, xác minh hai trường hợp nghi nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Anh.
Trong thông báo, Bộ Y tế Singapore cho biết hai trường hợp bị cho là nhiễm biến thể VUI-202012/01 nhập cảnh Singapore từ Anh trong tháng này. Theo đó, trường hợp đầu tiên là phi công của một hãng hàng không dân dụng đã xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hồi tuần trước. Trường hợp thứ hai là một người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hoàn thành 2 tuần cách ly. Trước đó, người này có kết quả xét nghiệm âm tính.
Thông báo nêu rõ các cuộc điều tra dịch tễ học đang được tiến hành. Tất cả những người có tiếp xúc gần với hai trường hợp trên đã được cách ly và sẽ được xét nghiệm trước và sau giai đoạn cách ly.
Cho đến nay Singapore có trên 58.000 ca mắc COVID-19 và 29 ca tử vong. Tuần trước, nước này xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể VUI-202012/01 và qua xét nghiệm phát hiện 11 người khác đang cách ly cũng nhiễm biến thể này.
Indonesia tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc
Ngày 31/12, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi thông báo nước này đã tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vaccine do hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất ngừa COVID-19.
Tại cuộc họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Retno cho biết tính đến nay Indonesia đã có tổng cộng 3 triệu liều vaccine Sinovac, trong đó 1,2 triệu liều đầu tiên đã được nhà sản xuất chuyển đến hôm 6/12.
Sau khi được vận chuyển tới Indonesia, lô vaccine thứ hai này của hãng Sinovac Biotech sẽ được chuyển đến nhà kho của công ty PT Bio Farma (Persero) ở huyện Bandung, tỉnh Tây Java, và được bảo quản theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo bà Retno, ngoài vaccine thành phẩm, sắp tới chính phủ Indonesia sẽ nhập 15 triệu liều vaccine Sinovac dạng gói lớn hoặc nguyên liệu rời về chế biến tại Bio Farma. Bên cạnh đó, Indonesia cũng tìm kiếm các hợp đồng cung ứng vaccine từ các đối tác khác.
Indonesia đã ký kết hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine của hãng Novavax (Mỹ), 50 triệu liều của AstraZeneca (Anh), và đang đàm phán tích cực với các nhà sản xuất Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức.
Ngoại trưởng Indonesia cũng cho biết, Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 1/2021, đồng thời hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ nỗ lực phối hợp nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng song không bỏ qua vấn đề chất lượng và an toàn vaccine.
Myanmar gia hạn quy định về hạn chế nhập cảnh tạm thời
Bộ Ngoại giao Myanmar quyết định gia hạn các quy định về hạn chế nhập cảnh tạm thời đối với mọi du khách đến cuối tháng 1/2021 do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Bộ cho biết quyết định này cũng sẽ được áp dụng đối với cả việc tạm ngừng hoạt động của dịch vụ cấp và miễn thị thực dưới mọi hình thức.
Theo Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, tính đến ngày 31/12, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 124.630 ca COVID-19, trong đó có 2.682 trường hợp tử vong.