Trong ngày 28/1, Indonesia ghi nhận tới 13.695 ca mắc COVID-19 và 476 ca tử vong, cao nhất ASEAN. Con số 476 ca tử vong là số liệu cao nhất kể từ đầu đại dịch tới nay, phá vỡ kỷ lục ngày trước đó. Tổng số ca mắc và tử vong ở Indonesia từ đầu tới nay lần lượt là 1.037.993 và 29.331.
Ít nhất 647 nhân viên y tế Indonesia đã thiệt mạng vì COVID-19. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nhân viên y tế ở Indonesia cao nhất châu Á, cao thứ ba thế giới tính theo thống kê xét nghiệm và dân số.
Theo Hiệp hội Y khoa Indonesia, trong số 647 người có 289 bác sĩ, 221 y tá, 84 hộ lý, 27 bác sĩ nha khoa, 15 nhân viên phòng thí nghiệm và 11 dược sĩ.
Theo Hiệp hội Y khoa Indonesia, từ tháng 12/2020 tới tháng 1/2021, có 53 nhân viên y tế tử vong. Nguyên nhân số ca tử vong cao là do người dân tăng cường hoạt động và di chuyển thời gian gần đây.
Hiệp hội này cho rằng tình hình dịch bệnh hiện tại ở Indonesia đã vượt tầm kiểm soát và chưa tới đỉnh dịch. Hiệp hội kêu gọi chính phủ tăng cường năng lực xét nghiệm và truy vết tiếp xúc để nhanh chóng xác định ca dương tính trong cộng đồng, phá vỡ chuỗi lây lan.
Indonesia dự kiến bắt đầu tiên chủng hàng loạt vào giữa tháng 2. Tiêm chủng cho nhân viên y tế bắt đầu từ 13/1. Indonesia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine CoronaVac của Trung Quốc. Hợp đồng mua vaccine của Oxford-AstraZeneca và Novavax đã được chốt. Chính phủ đang bàn hợp đồng mua vaccine của Pfizer-BioNTech.
Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc COVID-19 trong ngày 28/1 là Malaysia. Malaysia có thêm 4.094 ca mắc COVID-19 và 10 trường hợp không qua khỏi, đưa tổng số ca mắc và tử vong do dịch bệnh lên lần lượt 198.208 người và 707 người.
Khu vực Klang Valley, trong đó có Selangor và Kuala Lumpur, chiếm gần một nửa số ca mắc với tổng cộng 2.255 ca. Johor ghi nhận 717 ca mắc mới, Sabah ghi nhận 2282 ca.
Malaysia tiếp tục phát hiện 9 chùm ca bệnh mới, nâng tổng số chùm ca bệnh lên 372. Trong số 9 chùm ca mới, có 5 chùm ca bệnh liên quan nơi làm việc, 3 chùm ca bệnh trong cộng đồng và 1 chùm ca bệnh liên quan nhân viên y tế tại bệnh viện ở Melaka.
Đứng thứ ba về số ca mắc trong ngày 28/1 là Philippines. Tổng số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 519.575 ca và 10.552 ca, sau khi ghi nhận thêm 1.169 trường hợp mắc COVID-19 và 71 trường hợp không qua khỏi.
Ngày 28/1, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc FDA Philippines Rolando Enrique khẳng định dựa trên những bằng chứng được ghi nhận cho tới nay, cơ quan này tin tưởng vaccine AstraZeneca có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19, với những lợi ích đã được kiểm định và tiềm năng lớn hơn nhiều so với những nguy cơ tiềm ẩn. Đây là loại vaccine thứ hai được cấp phép tại quốc gia Đông Nam Á này. Trước đó, ngày 14/1, FDA Philippines đã cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech.
Phillipines đang trong quá trình đàm phán với ít nhất 7 nhà sản xuất vaccine để đặt mua khoảng 148 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021. Manila đặt mục tiêu sẽ tiêm cho 50 triệu đến 70 triệu người dân, tương đương hơn 60% dân số, trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng. Tới nay, Philippines ghi nhận 518.407 ca mắc bệnh, trong đó có 10.481 ca tử vong.
Cùng ngày, Thái Lan cũng thông báo có thêm 756 ca mắc COVID-19, trong đó có 746 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng tỉnh Samut Sakhon ghi nhận tới 724 ca mắc. Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 16.221 ca mắc COVID-19, trong đó có 76 người tử vong.
Tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, giới chức y tế đã tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu ở các cửa khẩu biên giới, trung tâm cách ly tập trung. Bộ trưởng Y tế Lào Bounkong Syhavong cho biết đợt tiêm chủng lần này sử dụng 2.000 liều vaccine của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất. Trước đó, tại Lào đã có 298 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có 173 người được tiêm nhắc lại mũi thứ hai, tất cả đều không ghi nhận tác dụng phụ. Như vậy, đã có tổng số 423 liều được sử dụng.
Theo Bộ Y tế Lào, dự kiến trong năm 2021, Lào sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho 1,5 triệu dân, tương đương 22% dân số. Bộ trên cũng dự kiến đến năm 2023, khoảng 70% dân số Lào sẽ được chủng ngừa COVID-19. Lào cũng vừa nhận lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên trong tổng số 2 triệu liều đã thỏa thuận với Nga vào tuần trước. Nước này cũng sẽ tiếp nhận số vaccine tài trợ từ sáng kiến COVAX từ tháng 4 tới, với tổng số khoảng 1,4 triệu liều. Theo Bộ Y tế, những nhóm có nguy cơ sẽ được tiêm phòng trước, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi, những người mắc bệnh mãn tính và người lao động nhập cư.