COVID-19 tại ASEAN hết 26/2: Trên 52.490 ca tử vong; Dịch 'nóng' trở lại ở Thái Lan, Philippines

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.278 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 52.490 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 11/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường  hầm” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, bất chấp tình hình số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm hơn 30% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.253 ca bệnh mới, 11 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.  

Myanmar dịch bệnh đang hạ nhiệt khi trong 24 giờ qua không ghi nhận ca tử vong nào và chỉ có 34 ca bệnh mới. Xu thế dịch hạ nhiệt đang diễn ra ở quốc gia này.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 26/2 ghi nhận thêm 45 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 44 bệnh nhân mới trong ngày 26/2, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 52.492 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 325 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.421.248 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.138.915 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Timor-Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á ngày 26/2:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca  mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 1,322,866 +8,232 35,786 +268 1,128,672
Philippines 571,327 +2,651 12,247 +46 524,582
Malaysia 295,951 +2,253 1,111 +11 266,846
Myanmar 141,875 +34 3,198   131,435
Singapore 59,913 +13 29   59,803
Thái Lan 25,809 +45 83   24,952
Việt Nam 2,426 +6 35   1,839
Campuchia 741 +44     477
Brunei 185   3   178
Timor-Leste 110       89
Lào 45       42
Chú thích ảnh
Người dân sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 26/2, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia phối hợp cùng Chính phủ Thụy Điển và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khẩn cấp hỗ trợ sách giáo khoa một số môn chính cho các học sinh ở khu vực biên giới đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học do nhiều cơ sở trường lớp đã được sử dụng làm trung tâm cách ly trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thông cáo báo chí của Bộ Giáo dục,Thanh niên và Thể thao Campuchia cho biết Chính phủ Thụy Điển và Văn phòng UNICEF, cho biết dù năm học mới ở Campuchia bắt đầu từ ngày 11/1 vừa qua, nhưng có 13 trường tiểu học, 37 trường trung học cơ sở ở các tỉnh Tây Bắc giáp giới với Thái Lan, gồm Battambang, Banteay Meanchey và Oddor Meanchey, không thể khai giảng theo kế hoạch.

Những ngôi trường này không thể mở cửa đón học sinh vìđược sử dụng làm trung tâm cách ly cho lượng lớn lao động di cư Campuchia từ Thái Lan về nước, theo chỉ đạo của Chính phủ Campuchia nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Campuchia làm nhiệm vụ tại Koh Pich. Ảnh: TTXVN/phát

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia cho biết sẽ nhanh chóng đánh giá nhu cầu của các học sinh không thể đến trường và tiếp cận sách giáo khoa. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất cho ngành giáo dục Campuchia do các học sinh buộc phải học ở nhà, hoặc chuyển sang những trường lân cận. Theo kế hoạch, với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển và Văn phòng UNICEF, khoảng 35.055 sách giáo khoa những môn chính, từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ nhanh chóng được chuyển tới các tỉnh Tây Bắc để giúp cho 32.486 học sinh có thể tiếp tục học tập.

Hôm 22/2, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát sau “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2”, Bộ Giáo dục,Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo Thủ tướng Hun Sen đã đồng ý đề xuất của bộ này cho phép tạm ngừng hoạt động tất cả các trường công lập và tư thục tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal (giáp ranh) trong thời gian 2 tuần.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia, tính đến sáng 26/2, Campuchia ghi nhận 44 ca nhiễm mới, gồm 40 trường hợp liên quan tới “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” và 4 ca nhập cảnh. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngoài công dân Campuchia, còn có công dân Malaysia và Việt Nam ở độ tuổi từ 19 đến 39. Đến nay, Campuchia đã có tổng số 741 ca mắc COVID-19, trong đó có 477 trường hợp đã bình phục và không có ca tử vong.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (thứ 2, trái) cùng các quan chức tại lễ tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac Biotech ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok ngày 24/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Thái Lan ngày 26/2 thông báo có thêm 45 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA), Thái Lan hiện có tổng cộng 25.809 ca nhiễm, trong đó 23.056 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh. Đến nay, 24.952 người đã bình phục và 774 ca đang được điều trị tại các bệnh viện. Số người không qua khỏi do COVID-19 tại Thái Lan là 83 người.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cùng ngày cho biết nước này có thêm 2.651 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong hơn 4 tháng qua, và 46 ca tử vong do COVID-19. Theo cơ quan này, hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại Philippines đã tăng lên lần lượt là 571.327 ca và 12.247 ca.

Philippines, quốc gia có số ca bệnh cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối tuần này, theo đó cho phép khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ tuần tới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
HĐBA LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng với vaccine COVID-19
HĐBA LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng với vaccine COVID-19

Ngày 26/2, các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng đối với vaccine ngừa dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN