COVID-19 tại ASEAN hết 24/2: Trên 51.800 ca tử vong; Có người Việt Nam mắc bệnh tại Campuchia

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.821 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 51.800 người.

Chú thích ảnh
Từ sáng 20/2, các cầu dẫn vào đảo Kim Cương (Koh Pich) bị phong tỏa. Ảnh: TTXVN/phát

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường  hầm” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, bất chấp tình hình số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm hơn 30% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục. Indonesia ghi nhận thêm 7.533 ca COVID-19 và 240 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.306.141 ca và 35.254 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.545 ca bệnh mới, 12 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.  

Myanmar dịch bệnh đang hạ nhiệt khi trong 24 giờ qua không ghi nhận ca tử vong nào và chỉ có 33 ca bệnh mới.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 24/2 ghi nhận thêm 93 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp do số ca mắc mới trong ngày thường ở mức khoảng 100 ca/ngày.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (thứ 2, trái) cùng các quan chức tại lễ tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac Biotech ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok ngày 24/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 40 bệnh nhân mới trong ngày 24/2, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 51.818 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 247 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.395.117 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.114.337 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á ngày 24/2:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 1,306,141 +7,533 35,254 +240 1,112,725
Philippines 566,420 +1,557 12,129 +22 523,321
Malaysia 291,774 +3,545 1,088 +12 260,009
Myanmar 141,816 +33 3,197   131,405
Singapore 59,890 +7 29   59,761
Thái Lan 25,692 +93 83   24,542
Việt Nam 2,412 +11 35   1,790
Campuchia 633 +40     476
Brunei 185   3   178
Timor-Leste 109 +2     88
Lào 45       42
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 24/2, Bộ Y tế Campuchia xác nhận số ca mắc COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tiếp tục tăng, với 40 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 35 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam, 1 người Campuchia và 2 ca được cho là thuộc diện nhập cảnh (đều là người Trung Quốc).

Hiện tổng số ca bệnh liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2" ở Campuchia đã tăng lên 137 trường hợp (trong đó có 4 người Việt Nam). Tính đến sáng 24/2, Campuchia đã có tổng cộng 633 ca mắc COVID-19, trong đó 476 người bình phục và không có ca tử vong.

Riêng tại thủ đô Phnom Penh, đã có 47 địa điểm bị phong tỏa do liên quan tới “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, trong khi chính quyền tỉnh Preah Sihanouk đã cho đóng cửa 4 khách sạn tại thành phố Sihanoukville cũng do liên quan tới sự cố này. Thông báo từ cơ quan chức năng Campuchia cho biết có 2 du khách Trung Quốc (đều dương tính với virus SARS-CoV-2) có lưu trú và qua lại 4 khách sạn trên.

Chú thích ảnh
Người dân sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đánh giá về tình hình bệnh dịch hiện nay tại Campuchia, Bộ Y tế nước này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều bày tỏ quan ngại về các ca lây nhiễm sau sự cố ngày 20/2. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 này khác hẳn vụ lây nhiễm cộng đồng hồi tháng 11/2020 bởi tốc độ nhanh hơn và phạm vi lớn hơn.

Đại diện WHO tại Campuchia, Tiến sỹ Li Ailan cảnh báo Campuchia đang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 quy mô lớn. Bà Li Ailan kêu gọi sự hợp tác của tất cả mọi người để phòng ngừa những kịch bản xấu nhất có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với kinh tế và xã hội Campuchia. Tiến sỹ Li Ailan cho biết nếu có quá nhiều ca lây nhiễm, hệ thống chăm sóc y tế Campuchia có thể bị quá tải.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Petaling Jaya, bang Selangor, Malaysia, ngày 21/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 24/2, Malaysia bắt đầu triển khai Chương trình tiên chủng quốc gia vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với sự kiện Thủ tướng Muhyiddin Yassin là người được nhận mũi tiêm đầu tiên vào lúc 15h00 cùng ngày. Cùng với Thủ tướng Muhiyddin, trong ngày tiêm đầu tiên còn có Tổng giám đốc Cơ quan Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah và 4 quan chức cấp cao của Bộ Y tế.

Chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến và sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Trong giai đoạn đầu, ưu tiên tiêm phòng cho 571.802 nhân viên tuyến đầu đã đăng ký, trong đó 57,3% là nhân viên y tế, 42,7% là nhân viên an ninh gồm lực lượng vũ trang, Cảnh sát Hoàng gia, Cơ quan Hải quan Hoàng gia…

Giai đoạn hai sẽ tiếp tục từ tháng 4-8 với đối tượng tiêm là người trên 60 tuổi và những nhóm dễ bị tổn thương và có bệnh lý nền. Giai đoạn 3 từ tháng 8 - 2/2022 dành cho người trên 18 tuổi. Mục đích của chương trình là tạo miễn dịch cho khoảng 80% dân số và người nước ngoài đang sống tại Malaysia.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đeo khẩu trang và tấm chắn nhựa phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 19/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Philippines cùng ngày cho biết sẽ điều tra thông tin sử dụng bất hợp pháp các loại vaccine chưa được cấp phép tại nước này. Cuộc điều tra được mở sau khi có tin một cố vấn của tổng thống đã được tiêm vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) nhập lậu vào Philippines.

Cục Thực phẩm và dược phẩm (FDA) Philippines hiện chưa phê chuẩn sử dụng vaccine trên, trong khi Sinopharm cũng không có kế hoạch xin cấp phép sử dụng tại Philippines. Tuy nhiên, ông Ramon Tulfo - đặc phái viên về Trung Quốc - tiết lộ trên truyền thông rằng ông đã nhận vaccine từ tháng 10/2020, cùng lô vaccine mà các đặc phái viên của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng được tiêm. Trả lời phỏng vấn của hãng tin One News, ông Tulfo thừa nhận: "Tôi đã nhận vaccine từ một người bạn nhập lậu vào Philippines". Ông cho biết thêm rằng một số quan chức chính phủ cũng đã tiêm vaccine của Sinopharm.

Thông tin về việc lực lượng cảnh vệ của tổng thống được tiêm vaccine - Tổng thống Duterte không biết về vụ này - đã làm dấy lên nhiều chỉ trích của các nghị sĩ về quyền tiếp cận ưu tiên đối với vaccine cũng như vi phạm pháp luật.

Hiện Philippines chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà cũng như chưa nhận bất kỳ loại vaccine nào mà nước này đã cấp phép sử dụng hàng loạt. Đây là một trong những nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu Á.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 23/2: Philippines trao đổi y tá lấy vaccine; Thủ đô Campuchia phong toả hàng loạt
COVID-19 tại ASEAN hết 23/2: Philippines trao đổi y tá lấy vaccine; Thủ đô Campuchia phong toả hàng loạt

Đến hết ngày 23/2, các nước ASEAN đã ghi nhận trên 51.500 ca tử vong và trên 2,38 triệu người bệnh. Philippines đề xuất trao đổi y tá lấy vaccine của Anh, Đức, trong khi Campuchia phong toả gần 50 địa điểm ở thủ đô để kiểm soát dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN