COVID-19 tại ASEAN hết 26/1: Indonesia vượt 1 triệu ca bệnh; Biến thể mới lây lan tại Philippines

Trong ngày 26/1, các nước ASEAN ghi nhận trên 19.000 ca mắc COVID-19 và 454 ca tử vong. Indonesia đã vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, trong khi Philippines đối phó biến thể mới lây lan trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.241 ca mắc COVID-19 và 454 ca tử vong.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.933.628 ca mắc COVID-19 trong đó có 44.778 ca tử vong và 1.639.780 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó, riêng Indonesia chiếm phần lớn với 336 ca. Với trên 13.000 ca nhiễm mới, tình hình Indonesia chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca bệnh đã vượt ngưỡng 1 triệu và 28.468 ca tử vong.

Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao thứ hai trong khối với trên 3.500 trường hợp. Trong khi đó, Thái Lan trải qua một ngày có số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 959 ca. Myanmar có số ca nhiễm mới giảm xuống còn 411 trường hợp, với 13 ca tử vong mới. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines: Biến thể mới lây lan

Giới chức Philippines xác nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh đã khiến Tổng thống Rodrigo Duterte hủy bỏ kế hoạch cho phép nhóm đối tượng vị thành niên được phép ra khỏi nhà.         

Phát biểu trên kênh thời sự ANC ngày 26/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire khẳng định: "Hiện nay, chúng tôi đã phát hiện sự lây nhiễm ở địa phương, nơi những ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lây cho cộng đồng và gia đình". Bộ Y tế Philippines lưu ý thêm rằng 12 người ở Bontoc (một tỉnh miền núi phía Bắc) đã bị lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (hay còn được biết đến với tên gọi B.1.1.7) trên tổng số 17 ca bệnh nhiễm B.1.1.7 trong cả nước.

Tính thời thời điểm hiện tại, Philippines là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á với 516.166 ca nhiễm và 10.386 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Philippines đã áp đặt một số hạn chế nghiêm ngặt nhất, trong đó có lệnh cấm du lịch nội địa và kể từ tháng 3/2020, giới chức nước này chính thức cấm trẻ em ra khỏi nhà.

Thái Lan: Chính phủ bị chỉ trích vì chậm mua vaccine

Theo trang Straits Times, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 26/1 đã kêu gọi sự cảm thông từ công chúng về kế hoạch mua sắm vaccine phòng COVID-19 của nước này sau những chỉ trích rằng chính phủ đã thiếu minh bạch và quá chậm trong việc đảm bảo nguồn cung.

Chiến lược tiêm vaccine của Thái Lan đã bị chỉ trích trong tuần trước khi chính trị gia đối lập Thanathorn Juangroongruangkit cho rằng chính phủ đã quá phụ thuộc vào một công ty thuộc sở hữu của Quốc vương Maha Vajiralongkorn để sản xuất vaccine cho người Thái trong khi không đàm phán được nhiều thỏa thuận, như các nước khác đã làm được.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE

Ông Thanathorn đối mặt với vụ kiện xúc phạm Hoàng gia vì đã đề cập đến Nhà vua trong các câu hỏi mà ông đã đưa ra liên quan đến công ty Siam Bioscience thuộc sở hữu Hoàng gia, Thái Lan -  công ty sẽ sản xuất vaccine AstraZeneca nhượng quyền tại địa phương để phân phối trong khu vực.

Bộ trưởng Anutin Charnvirakul cho biết Thái Lan đã bắt đầu đàm phán từ tháng 4/2020 với "mọi nhà sản xuất vaccine", nhưng luật pháp nước này ngăn cản các cơ quan chính phủ chi các khoản thanh toán không hoàn lại cho những sản phẩm vẫn chưa được sản xuất.

Vaccine AstraZeneca được cho là lựa chọn tốt nhất bởi giá cả hợp lý, cộng với cam kết chuyển giao công nghệ cho Siam Bioscience.

"Đề nghị từ AstraZeneca về sử dụng một nhà máy ở Thái Lan để sản xuất vaccine bán cho khu vực Đông Nam Á đồng nghĩa với an ninh vaccine cho Thái Lan", Bộ trưởng Anutin đăng trên trang Facebook cá nhân. "Làm ơn tin rằng chúng tôi không có mục đích chính trị và cũng không muốn sử dụng sức khoẻ và sự an toàn của công chúng làm công cụ chính trị".

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế tại tỉnh Samut Sakhon của Thái Lan sẽ là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên, tiếp theo là người già và người có bệnh mãn tính. Ảnh: EPA-EFE

Thái Lan sẽ nhận 26 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại địa phương qua Siam Bioscience, và sẽ dự trữ riêng 35 triệu liều khác với công ty. Họ cũng đã đặt 2 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc. Tổng cộng 63 triệu liều vaccine sẽ chủng ngừa cho 31,5 triệu trên tổng số dân 70 triệu người của Thái Lan, đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.

Ngày 26/1, Thái Lan ghi nhận ca nhiễm mới kỷ lục 959 trường hợp sau khi đẩy mạnh xét nghiệm tại điểm nóng tỉnh Samut Sakhon.

Malaysia không muốn gia hạn lệnh hạn chế đi lại

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Petaling Jaya, gần Kuala Lumpur, ngày 18/1/2021. Ảnh: AFP 

Tờ Straits Times ngày 26/1 dẫn lời Tổng Giám đốc Bộ Y tế Malaysia Tan Sri Noor Hisham Abdullah cho biết, lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt lần thứ hai của nước này, còn gọi là MCO, có thể không được gia hạn sau ngày 4/1. Theo ông Noor Hisham, chính phủ lo ngại MCO kéo dài sẽ quá bất lợi cho nền kinh tế đất nước.

Sau giai đoạn áp dụng MCO trong 4 tuần, Chính phủ Malaysia sẽ chỉ gia hạn MCO với những điều kiện thoải mái hơn. "Chúng tôi không muốn kéo dài MCO. Nếu kéo dài, nền kinh tế của chúng ta có thể bị ảnh hưởng. Chúng ta cần cân bằng sức khoẻ, kinh tế, cuộc sống và sinh kế"- Bộ trưởng Noor Hisham giải thích. "Vì thế chúng tôi áp đặt MCO đến 4/2 và sau đó sẽ là MCO có điều kiện (CMCO). Với việc kết hợp MCO và CMCO, chúng ta có thể giảm ca nhiễm xuống 2 con số vào tháng 5. Đây là mục tiêu của chúng tôi".

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia, Azmin Ali ngày 25/2 cũng cho rằng, thay vì áp đặt lệnh phong toả hoàn toàn, nước này nên hướng tới thực hiện các quy trình y tế nghiêm ngặt hơn như xét nghiệm mục tiêu, nghi thức giãn cách xã hội chặt hơn để giảm ca nhiễm mới.

Ngày 26/1, Malaysia ghi nhận 3.585 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 190.434 trường hợp, bao gồm 700 ca tử vong và 149.160 người đã khỏi.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
100 triệu người mắc COVID-19: Dấu mốc buồn của thế giới
100 triệu người mắc COVID-19: Dấu mốc buồn của thế giới

Ngày 26/1, thế giới trải qua một dấu mốc buồn: Có 100 triệu người đã và đang mang trong người virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN