COVID-19 tại ASEAN hết 25/8: Lào lần đầu gần 1.000 ca mắc mới; Indonesia cho học sinh trở lại trường

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 89.557 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên xấp xỉ 212.600 người.

Chú thích ảnh
Người dân tập thể dục tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Brunei, Myanmar và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã kéo dài nhiều tháng ở mức đỉnh với số ca mắc mới và ca tử vong nhiều ngày liên tiếp luôn cao nhất khu vực và châu Á. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang có dấu hiệu chững lại, khi số ca mắc và tử vong đều đi ngang hoặc không tăng mạnh.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, với 228 trường hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia. Ngày 25/8, Malaysia ghi nhận ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á.

Ngày 25/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 265 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận trên 2.500 ca bệnh và 115 trường hợp tử vong. Tình hình dịch COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chú thích ảnh
Phun khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 25/8 ghi nhận thêm trên 18.400 ca bệnh mới (nhiều thứ ba khu vực), trong khi số ca tử vong là 297 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.

Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc gần 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại hơn khi nước này chỉ có 428 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Chôn cất bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Selangor, Malaysia, ngày 13/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore ngày 25/8 cũng ghi nhận tới 120 ca COVID-19 mới, song không có ca tử vong.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 212.676 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.296 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 9.564.194 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 8.241.802 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/10 nước thành viên trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 25/8:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 4,026,837 +18,671 129,293 +1,041 3,639,867
Philippines 1,883,088 +13,573 32,492 +228 1,725,218
Malaysia 1,616,244 +22,642 14,818 +265 1,337,134
Thái Lan 1,102,368 +18,417 10,085 +297 903,015
Việt Nam 381,363 +12,096 9,349 +335 169,921
Myanmar 380,879 +2,502 14,737 +115 309,032
Campuchia 90,535 +428 1,835 +14 86,702
Singapore 66,812 +120 50   65,772
Lào 13,909 +952 11   4,604
Brunei 2,159 +176 6 +1 537
Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Quezon, Philippines, ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Lào lần đầu ghi nhận gần 1.000 ca COVID-19 mới trong ngày

Bộ Y tế Lào ngày 25/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 952 ca mới, gồm 358 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 594 ca cộng đồng. Đây là số ca lớn nhất được ghi nhận tại Lào kể từ đầu dịch.    

Theo Bộ Y tế Lào, với số ca nhiễm gấp 3 lần so với 1 ngày trước, trong đó có nhiều ca cộng đồng, tình hình dịch đang có những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là điểm nóng tại tỉnh Savannakhet với số ca mới trong ngày là 551 ca, chủ yếu tại các trại giam. Ngoài ra, thủ đô Viêng Chăn cũng ghi nhận 11 ca cộng đồng từ các nguồn lây trước đó.

Chính quyền tỉnh Savannakhet đã ra lệnh phong tỏa có thời hạn đến ít nhất là ngày 5/9. Theo đó, một số bản trên địa bàn tỉnh được xếp vào nhóm đỏ và vàng. Trong đó, thành phố Kaysone Phomvihan đã ban hành giờ giới nghiêm, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp đã được nhà chức trách cấp phép. Ngoài ra, việc tụ tập quá 10 người cũng bị cấm, các trường học tạm thời phải đóng cửa.

Đến nay, tổng số ca tại Lào đã lên tới 13.909 ca, trong đó có 11 người tử vong.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 3/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính quyền thủ đô Jakarta lên kế hoạch mở cửa các trường học từ ngày 30/8 tới sau khi kết thúc lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM).

Ngày 25/8, đại diện Cơ quan giáo dục tỉnh đặc khu Jakarta, Taga Radja Gah cho biết các trường học tại Jakarta sẽ tổ chức học trực tiếp kể từ ngày 30/8 tới trong bối cảnh thủ đô Jakarta đã trở thành “vùng Xanh” với COVID-19. Theo đó, các trường học vẫn tiếp tục thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên thứ 2, 4, 6. Các ngày thứ 3, thứ 5 phun thuốc khử trùng. Công suất tối đa là 50% mỗi lớp/giảng đường. Thời gian học ở trường tối đa 12 tiếng.

Trước đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, nghiên cứu và công nghệ Indonesia, Nadiem Makarim nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tổ chức học trực tiếp. Ông cho rằng sẽ mất khoảng 2,5 năm để hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả học sinh trên cả nước. Khoảng thời gian đó sẽ tạo áp lực cho hệ thống giáo dục nói chung nếu duy trì đào tạo trực tuyến. Do đó, ông khẳng định cần sớm đưa học sinh trở lại trường học, đồng thời tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh tại Campuchia 

Bộ Y tế Campuchia ngày 25/8 thông báo trong 3 ngày qua, nước này phát hiện thêm 326 ca nhiễm biến thể Delta tại 23/25 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 137 ca tại Phnom Penh, tiếp đến là Banteay Meanchey với 84 ca, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Delta từ trước đến nay tại Campuchia lên 1.325 ca.

Dù số liệu thống kê ca mới mỗi ngày ở Campuchia tiếp tục ở dưới mức 500 ca, song hàng trăm ca nhiễm biến thể Delta mới được phát hiện đang trở thành mối đe dọa lớn. Bộ trên cũng xác nhận có 14 ca tử vong và 428 ca nhiễm trong 24 giờ qua, bao gồm 117 ca nhập cảnh và 311 ca lây nhiễm cộng đồng.

Như vậy, Campuchia đã có tổng cộng 90.535 ca, trong đó 86.702 người đã khỏi bệnh và 1.835 người tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 24/8: Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh; Thái Lan học cách 'sống chung'
COVID-19 tại ASEAN hết 24/8: Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh; Thái Lan học cách 'sống chung'

Trong ngày 24/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 81.000 ca nhiễm mới và 2.141 ca tử vong. Thái Lan thay đổi chiến lược sang 'sống chung với dịch" trong khi Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN