COVID-19 tại ASEAN hết 25/10: Số ca mắc mới và tử vong tiếp tục giảm; Nhiều nước tính phương án mở cửa

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 23.674 ca bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên xấp xỉ 276.000 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Trừ Philippines, còn lại ca tử vong nhìn chung cũng đang giảm trong toàn khối. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tạp một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào, Brunei và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” chỉ ghi nhận 460 ca bệnh mới và chỉ có 30 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Thành phố Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến dịch dù đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, song số ca tử vong lại có chiều hướng tăng lại. Ngày 25/10, Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực với 149 trường hợp. Malaysia từng là điểm nóng, song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 4.782 ca mắc mới và 92 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 711 ca bệnh và 22 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 25/10 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 92 người (cao thứ hai khu vực).

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Sittwe, bang Rakhine, Myanmar, ngày 1/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 116 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 275.958 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 413 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 25/10:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 4,240,479 +460 143,235 +30 4,083,690
Philippines 2,761,307 +4,405 41,942 +149 2,661,602
Malaysia 2,436,498 +4,782 28,492 +92 2,334,783
Thái Lan 1,859,157 +8,675 18,799 +44 1,740,316
Việt Nam 892,579 +3,639 21,738 +65 807,301
Myanmar 494,974 +711 18,560 +22 458,470
Singapore 172,644   315   142,598
Campuchia 117,888 +116 2,743 +9 113,264
Lào 36,248 +615 53 +1 6,558
Brunei 12,384 +271 81 +1 9,827
Chú thích ảnh
Thủ đô Viêng Chăn của Lào. Ảnh: AFP

Lào công bố lộ trình phục hồi ngành du lịch

Ngày 25/10, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào vừa công bố lộ trình phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19 giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, ông Ounthuang Khaophanh cho biết lộ trình phục hồi bao gồm các biện pháp để giải quyết các vấn đề quan trọng của ngành trong nỗ lực giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19. Theo ông, lộ trình bao gồm 3 mục tiêu chính là: hỗ trợ thúc đẩy du lịch trong nước; thiết lập bong bóng du lịch với các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh thấp và tập trung chính sách du lịch xanh, bền vững.

Do thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, năm 2020, lưu lượng khách du lịch của Lào giảm 75%, dẫn đến mất 80% doanh thu du lịch tổng thể. Điều này tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống của người dân, đặc biệt là người lao động trong lĩnh vực này.

Bộ Y tế ngày 25/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 615 ca mắc mới và 1 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới, có tới 612 ca cộng đồng ghi nhận tại 11 tỉnh, thành. Đáng chú ý là tỉnh Luang Prabang có số ca cộng đồng tăng vọt, vượt thủ đô Viêng Chăn (114 ca cộng đồng) đứng đầu cả nước với 229 ca/ngày. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn rất phức tạp.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 36.248 ca, trong đó có 53 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Selongor, Malaysia, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Số ca mắc mới tiếp tục xu hướng giảm tại Malaysia

Bộ Y tế Malaysia ngày 25/10 thông báo đã ghi nhận thêm 4.782 ca mắc COVID-19 mới và đây số ca nhiễm bệnh trong ngày thấp nhất trong 4 tháng gần đây.

Kể từ khi ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 theo ngày đạt kỷ lục hôm 26/8 với 24.599 trường hợp, số ca nhiễm mới tại Malaysia có xu hướng giảm dần từ mức 5 con số và duy trì ở mức 4 con số bắt đầu từ ngày 3/10. Tính đến chiều 25/10, Malaysia đã ghi nhận tổng số 2.436.498 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 28.400 bệnh nhân không qua khỏi.

Từ ngày 25/10-27/11, Malaysia cấm tất cả các hoạt động tụ họp chính trị liên quan đến bầu cử, kể cả lễ ra mắt cơ chế bầu cử cũng như tụ tập xã hội, nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm và số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, lệnh cấm này phù hợp với danh sách các hoạt động bị cấm được liệt kê trong Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) mới nhất cho giai đoạn thứ tư của Kế hoạch phục hồi quốc gia. Bất cứ cá nhân, nhà tổ chức hoặc tổ chức nào vi phạm quy định này, nếu bị định tội theo Đạo luật Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm 1988 (Đạo luật 342), đều có thể phải đối mặt với hành động pháp lý như phạt tiền hoặc truy tố.

ộ Y tế dự kiến nhiều cuộc tụ họp liên quan đến bầu cử và các hoạt động xã hội sẽ diễn ra, thu hút người dân từ khắp nơi trên đất nước. Căn cứ vào giám sát dịch bệnh của Bộ Y tế, sự gia tăng của số ca nhiễm và số ổ dịch COVID-19 có liên quan tới các hoạt động tụ tập không tuân thủ SOP.

Do đó, bất cứ hoạt động tụ tập nào không tuân thủ SOP, bao gồm khó duy trì giãn cách xã hội đều làm gia tăng rủi ro lây nhiễm COVID-19, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta vẫn đang lây lan trong cộng đồng và gần đây, số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 24/10: Vượt 13 triệu ca bệnh; Campuchia ca mắc mới thấp kỷ lục
COVID-19 tại ASEAN hết 24/10: Vượt 13 triệu ca bệnh; Campuchia ca mắc mới thấp kỷ lục

Trong ngày 24/10, các nước ASEAN ghi nhận trên 30.000 ca nhiễm mới, 470 ca tử vong. Toàn khối đã vượt 13 triệu ca COVID-19, Campuchia tiếp tục ghi nhận ca mắc mới xuống thấp kỷ lục trên đường "mở cửa lại" hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN