Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 30.153 ca mắc mới COVID-19 và 470 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.000.963 trường hợp và 275.453 ca tử vong. Toàn khối có 12.323.751 bệnh nhân đã bình phục.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế hạ nhiệt, tổng số ca mắc mới đã lùi về quanh ngưỡng 30.000 ca/ngày; ca tử vong mới cũng giảm mạnh ở những quốc gia từng là điểm nóng như Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 10 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines báo cáo 208 ca; Việt Nam ghi nhận 77 ca; Thái Lan 74 ca; Malaysia thêm 42 ca; Indonesia ghi nhận 29 ca tử vong mới; Myanmar thêm 20 ca; Campuchia 10 ca, Singapore 6 ca và Lào thêm 1 ca tử vong, Brunei 3 ca.
Diễn biến dịch dù đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, song số ca tử vong lại có chiều hướng tăng lại. Philippines liên tiếp ghi nhận số ca tử vong cao nhất khối, với trên 200 ca. Malaysia cũng chứng kiến tình hình dịch đi xuống, với 5.666 ca mắc mới và 42 ca tử vong.
Trong khi đó, Thái Lan nổi lên thành điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. Trong ngày 24/10, nước này ghi nhận thêm trên 9.742 ca bệnh mới, dẫn đầu khu vực, và số ca tử vong là 66 người.
Campuchia tiếp tục giai đoạn khống chế thành công, với chỉ 144 ca nhiễm mới và 10 ca tử vong trong ngày. Được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch, Campuchia đang sẵn sàng mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế xã hội.
Campuchia ghi nhận ca mắc mới thấp kỷ lục
Trong lúc đẩy nhanh hướng tới mở cửa lại hoàn toàn, Campuchia ngày 24/10 tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới thấp nhất kể từ 8/4. Con số ca nhiễm chính thức được báo cáo là 128, nâng tổng ca bệnh lên 117.772 ca.
Ngày 8/10, tức 17 ngày trước, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố Campuchia sẽ có thể mở cửa lại tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế nếu tình hình dịch vẫn ổn định ở mức hiện tại trong ít nhất 10 ngày liên tiếp. Sau đó, Campuchia liên tiếp chứng kiến con số lây nhiễm giảm dần ổn định.
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này cho biết đã cho phép mở cửa trở lại tất cả các trường công và tư trên cả nước bắt đầu từ 1/11 tới với điều kiện các trường học phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh trong lớp học.
Bộ trên cho biết thêm các lớp học chỉ tập trung từ 15-20 học sinh để đảm bảo giãn cách, học sinh và giáo viên phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong suốt buổi học, và tiếp tục không cho bán đồ ăn trong trường. Ngoài ra, bộ này cũng không cho phép giáo viên chưa tiêm phòng COVID-19 được giảng dạy trực tiếp, song có thể dạy trực tuyến cho học sinh, đồng thời khuyến khích giáo viên đi tiêm phòng sớm nhất có thể.
Trước đó, từ ngày 15/9, học sinh lớp 9 và lớp 12 tại Campuchia đã bắt đầu quay trở lại trường để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cũng đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét mở lại các đường bay với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines để đón du khách và nhà đầu tư tới Campuchia.
Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng Campuchia khẳng định từ bây giờ, dù có ca mắc COVID-19, nước này cũng sẽ không đóng cửa trường học, chợ, nhà máy...
Lào: "Nóng" thủ đô Viêng Chăn
Bộ Y tế Lào ngày 24/10 cho biết số ca mắc COVID-19 mới tại nước này tiếp tục tăng cao, với 648 ca mắc mới COVID-19 và 2 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua.
Trong số các ca mắc mới có tới 635 ca cộng đồng tại 11 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, tỉnh Viêng Chăn có số ca cộng đồng tăng đột biến (184 ca), cao nhất cả nước và vượt qua thủ đô Viêng Chăn (183 ca). Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 35.633 ca, trong đó có 52 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã ban hành; tập trung tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, hoạt động giao thông tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có lây nhiễm cộng đồng cũng sẽ tạm ngừng kể từ 22h00 hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ xe chở hàng hóa, lương thực, thiết bị y tế, xe chở người bệnh, xe cứu hỏa, cứu hộ, xe chuyên trách, xe cán bộ chức năng và xe được Ủy ban chuyên trách cấp phép.
Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh hoặc từng tiếp xúc ca nhiễm cần khẩn trương đi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát để tránh rủi ro xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Philippines kêu gọi phi tập trung hoá tiêm chủng COVID-19
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 24/10 kêu gọi chính phủ phi tập trung hoá chương trình tiêm vaccine COVID-19 của nước này, cho phép các công ty tư nhân tham gia. Cho tới nay, chương trình tiêm chủng COVID-19 của Philippines vẫn chủ yếu do các đơn vị thuộc chính quyền địa phương đảm nhiệm.
Phát biểu trên chương trình phát thanh hàng tuần, bà Robredo cũng yêu cầu chính phủ ưu tiên người cao tuổi, thuyền viên và người lao động Philippines ở nước ngoài với bất kỳ nguồn cung cấp vaccine bổ sung nào vì ba nhóm đối tượng này đã chờ đợi vaccine quá lâu. Hoạt động tiêm chủng tại Philippines đã mở rộng cho công chúng và trẻ vị thành niên mắc bệnh nền. "
Thật lãng phí khi chúng ta có nhiều vaccine nhưng lại quá tập trung. Tôi hy vọng việc tự do hoá cho phép các doanh nghiệp có thể lo cho nhân viên của mình", bà Robredo nói bằng.
Cho đến nay, các cơ quan y tế Philippines đã ghi nhận 2,75 triệu ca nhiễm COVID-19 trong cả nước, 60.957 trong số đó vẫn được xếp vào nhóm đang mắc bệnh.
Chính phủ đang đặt mục tiêu cung cấp khoảng 800.000 liều vaccine COVID-19 mỗi ngày vào tháng 11 để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trước cuối năm nay.
Singapore tiếp tục mở cửa biên giới
Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của Singapore cho biết kể từ ngày 27/10 tới, tất cả các du khách có lịch sử đi lại trong 14 ngày đến Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Pakistan và Sri Lanka được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh Singapore. Theo đánh giá của Bộ Y tế Singapore (MOH), tình hình dịch bệnh ở các nước này đã ổn định trong một thời gian.
Du khách từ các quốc gia trên sẽ phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ nhất, trong đó có cách ly 10 ngày tại một cơ sở chuyên dụng. Bên cạnh đó, cũng từ ngày 27/10, Singapore sẽ nới lỏng các biện pháp đối với du khách từ các nước láng giềng Malaysia và Indonesia; tất cả du khách từ các quốc gia được xếp vào Nhóm II, III và IV cũng sẽ không cần xét nghiệm PCR khi đến, mà sẽ chỉ làm xét nghiệm PCR vào cuối thời hạn cách ly.
MOH cho biết du khách đến từ Malaysia, Indonesia, Campuchia, Ai Cập, Hungary, Israel, Qatar, Seychelles, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Việt Nam sẽ được áp dụng các biện pháp đối với Nhóm III. Theo đó, từ ngày 27/10, du khách đến từ các quốc gia thuộc Nhóm III sẽ cách ly 10 ngày tại nơi cư trú mà họ đã khai báo, bất kể tình trạng tiêm chủng và lịch sử đi lại của du khách và các thành viên trong gia đình họ.