COVID-19 tại ASEAN hết 24/4: Thái Lan có ca mắc và tử vong mới cao kỷ lục; Campuchia đóng cửa chợ ở thủ đô

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 24/4, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 19.892 ca mắc COVID-19 và 318 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.278.006 ca, trong đó 66.073 người tử vong.

Diễn biến dịch bệnh ở những nước có nhiều ca mắc nhất ASEAN

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố San Juan, Philippines, ngày 1/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 24/4 là Philippines. Số ca nhiễm đã lên tới 989.380 ca sau khi Bộ Y tế ghi nhận thêm 9.661 ca mới trong ngày 24/4. Bộ trên cũng cho biết thêm có 155 bệnh nhân đã tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 16.674 ca. 

Với 4.544 ca mắc mới ngày 24/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia là 1.636.792 ca, trong đó 44.500 ca tử vong. Indonesia có tổng ca mắc và tử vong cao nhất ASEAN.

Thái Lan đã đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 24/4. Số ca mắc mới bệnh COVID-19 theo ngày ở Thái Lan tiếp tục tăng ở mức cao kỷ lục vào ngày này, trong khi số người tử vong vì bệnh dịch này trong vòng 24 giờ qua cũng ở mức cao chưa từng thấy.

Ngày 24/4, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xác nhận thêm 2.839 ca nhiễm mới, tăng 769 ca so với con số của ngày hôm trước, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19  trên cả nước lên 53.022 ca. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ có 12 ca nhập cảnh. Cùng ngày, CCSA cũng thông báo thêm 8 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 129 người. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại Sungai Buloh, Malaysia, ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Malaysia, nước này có thêm 2.717 ca mắc và 11 ca tử vong mới trong ngày 24/4, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 390.252 và 1.426 ca.

Ngày 24/4, trong khi số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng ở mức 3 con số (511 ca), Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận thêm 10 bệnh nhân tử vong do dịch bệnh. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi Campuchia ghi nhận ca đầu tiên tử vong liên quan “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”. Trong 10 bệnh nhân COVID-19 tử vong thông báo ngày 24/4, có 9 trường hợp sống ở Phnom Penh. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế và xe cứu thương được triển khai để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế Campuchia nêu rõ thủ đô Phnom Penh vẫn là địa phương có số ca mắc mới cao nhất với 318 ca, tiếp theo là tỉnh Preah Sihanouk (126 ca) và tỉnh Kandal (44 ca).

Về số ca tử vong, có 4 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (154 ca), Philippines (145 ca), Malaysia (11 ca), Thái Lan (8 ca).

Campuchia đóng cửa tất cả các chợ tại Phnom Penh

Chú thích ảnh
Beoung Keng Kang là một trong những chợ dân sinh hiếm hoi còn mở cửa khi Phnom Penh ban bố lệnh phong tỏa từ ngày 15/4. Ảnh: Trần Ngọc Long - P/v TTXVN tại Campuchia

Đêm 23/4, chính quyền Phnom Penh thông báo đóng cửa tất cả các khu chợ do nhà nước điều hành và chợ dân sinh tại thủ đô trong vòng 14 ngày. 

Chỉ đạo mới của chính quyền Phnom Penh được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng vì các khu chợ này được xác định là nguồn lây nhiễm lớn cho cộng đồng. Thông báo cũng yêu cầu tất cả các tiểu thương và nhân viên bảo vệ có mặt tại các chợ trên từ ngày 14/4 đến nay phải đi xét nghiệm COVID-19. Sau đó, những người này phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. Chính quyền cơ sở 14 quận tại Phnom Penh phải chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh này trong khi những người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Trước đó, hàng loạt chợ lớn và chợ dân sinh tại Phnom Penh đã bị đóng cửa sau khi hàng trăm tiểu thương và nhân viên bảo vệ, quản lý...có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Với sắc lệnh này của chính quyền thủ đô Phnom Penh, kể từ sáng ngày 24/4, người dân ở thủ đô Campuchia khó có thể mua được thực phẩm tươi sống vì chợ đã bị đóng cửa và tiểu thương phải đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Lào ghi nhận 88 ca mắc mới, nhiều địa phương thực hiện phong tỏa

Chú thích ảnh
Quang cảnh sáng sớm ngày thường ở Lào vốn đã vắng hôm nay càng vắng hơn do lệnh phong tỏa. Ảnh: Phạm Kiên - P/v TTXVN tại Lào

Chiều 24/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 xác nhận nước này có thêm 88 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo.

Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Lào ghi nhận mức tăng 2 con số. Đáng chú ý, các ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó có cả trẻ em, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Viêng Chăn. 

Bộ Y tế Lào cũng cho biết một số bệnh nhân mới được ghi nhận đã di chuyển ra nhiều tỉnh bằng cả đường bộ và đường hàng không, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng. Tại thủ đô Viêng Chăn, một số người sau khi lấy mẫu xét nghiệm không tự cách ly theo khuyến cáo mà tiếp tục di chuyển đến nhiều nơi, dẫn đến tình trạng “gần như mọi nơi ở Viêng Chăn đều có nguy cơ lây nhiễm”. Chính vì vậy, thủ đô Viêng Chăn đã mở rộng các điểm có nguy cơ cao do có liên quan đến các hoạt động của những bệnh nhân COVID-19 được phát hiện trong những ngày qua; lập thêm các chốt kiểm soát tại các tuyến đường tiếp giáp các phường, quận trong thành phố; đồng thời đang triển khai lắp đặt các bệnh viện dã chiến tại 3 địa điểm ở thủ đô Viêng Chăn với tổng số giường bệnh lên tới 1.150 giường. Bộ Y tế Lào cũng khuyến khích người dân tiếp tục đi tiêm vaccine phòng COVID-19 và mở hệ thống đăng ký trực tuyến để người dân và người nước ngoài sống tại Lào đăng ký tiêm vaccine.

Trước bối cảnh tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều tỉnh trên cả nước Lào thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động vận tải hành khách, cấm ra vào địa phương và đóng cửa trường học để phòng chống dịch bệnh. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào ra lệnh phong tỏa, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam. Các tỉnh thành còn lại cũng tăng cường hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID- 19 vào địa bàn tỉnh, một số tỉnh thậm chí đã tiến hành cách ly 14 ngày đối với người về từ thủ đô Viêng Chăn.

Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 247 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong.

Thái Lan giảm chỉ tiêu du lịch vì COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 8/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đang lây lan mạnh ở Thái Lan khiến chính phủ nước này cắt giảm dự báo số lượng du khách quốc tế xuống còn 3-4 triệu lượt trong năm nay, đồng thời hạ thấp dự báo doanh thu từ du lịch.

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết đợt bùng phát thứ ba của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Do đó, dự báo tổng doanh thu từ du lịch trong năm 2021 đã được điều chỉnh giảm từ 1.218 tỷ baht (38,7 tỷ USD) xuống còn 850 tỷ baht. Trong đó, mục tiêu doanh thu từ du khách nước ngoài giảm từ 348 tỷ baht xuống 300 tỷ baht và doanh thu từ thị trường du lịch nội địa giảm từ 870 tỷ baht xuống còn 550 tỷ baht. 

Chính phủ hiện cũng kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Thái Lan vào năm 2021 là 3-4 triệu lượt, chỉ khoảng một nửa so với hy vọng trước đó là 6,5 triệu lượt. Trong khi đó, khách du lịch địa phương được dự báo sẽ thực hiện khoảng 100-120 triệu chuyến đi trong năm nay, giảm so với mức 160 triệu dự báo trước đó, do đại dịch COVID-19 tác động đến tâm lý du khách trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran.

Trong khi đó, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 23/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh rằng chính phủ đã sẵn sàng đối phó với làn sóng lây nhiễm mới nhất. Theo ông, hiện tại, chính phủ có hơn 300.000 viên thuốc Favipiravir dự trữ để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, trong khi sẽ nhập thêm 2 triệu viên nữa. Hơn 28.000 giường bệnh cũng đã được bố trí cho các bệnh nhân và những người được coi là có nguy cơ. Các bệnh viện hiện đang chăm sóc hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày dẫn tới tình trạng thiếu giường bệnh. Chính phủ Thái Lan khẳng định quyết tâm cung cấp giường cho tất cả bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 21/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Về chiến dịch tiêm chủng, Thủ tướng Prayut cho biết chính phủ hiện có 2,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để tiêm cho 1,05 triệu người. Đến nay, khoảng 840.000 người đã được tiêm chủng, một nửa trong số đó là nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Theo ông, chính phủ đặt mục tiêu có được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho 50 triệu người trong năm nay. Đến nay, Thái Lan đã mua được 64 triệu liều vaccine để triển khai đợt tiêm chủng đại trà sẽ sớm bắt đầu trong năm nay. Trong đó, 61 triệu liều là vaccine của hãng AstraZeneca sẽ được chuyển giao vào tháng 6 tới, trong khi 2,5 triệu liều khác là của hãng Sinovac. 

Thủ tướng Prayut cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ tài trợ thêm 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi Chính phủ Thái Lan sẽ mua thêm 36 triệu liều vaccine của hãng Sinovac. Nước này cũng đã đạt thỏa thuận mua 10-15 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và một lượng tương đương vaccine Pfizer/BioNTech.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thiếu thốn trầm trọng do COVID-19, Không quân Ấn Độ phải tới Singapore chở ôxy về
Thiếu thốn trầm trọng do COVID-19, Không quân Ấn Độ phải tới Singapore chở ôxy về

Không quân Ấn Độ đã chở 4 container chứa ôxy từ Singapore về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trầm trọng làm cạn kiệt nguồn ôxy cho bệnh nhân trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN