Nhà khoa học Deborah Fuller tại Đại học Washington chia sẻ: “Chúng tôi phải nghiên cứu những người đã được tiêm vaccine để ước tính được thời điểm nào họ sẽ lại đối mặt với rủi ro nhiễm virus SARS-CoV-2”.
Chuyên gia Kathleen Neuzil tại khoa y thuộc Đại học Maryland cho biết những vaccine phòng COVID-19 hiện hành nhiều khả năng đạt hiệu quả trong khoảng một năm nhưng không phải là “thẻ bảo hành trọn đời” như vaccine sởi.
Theo AP, đến nay những thử nghiệm Pfizer đang tiến hành thu được kết quả hai liều vaccine của hãng dược phẩm Mỹ này có hiệu lực bảo vệ người tiêm trước COVID-19 trong tối thiểu 6 tháng. Những người được tiêm vaccine COVID-19 của Moderna (Mỹ) cũng đạt số kháng thể khá cao trong 6 tháng sau khi tiêm 2 liều.
Tuy nhiên, kháng thể không phải là yếu tố quyết định toàn bộ câu chuyện. Để chống chọi với những kẻ xâm nhập như virus gây hại, hệ miễn dịch của con người cũng cần tế bào phòng vệ mang tên B và T. Nếu đối mặt với cùng loại virus trong tương lai, những tế bào này có thể phản ứng khá nhanh chóng.
Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn căn bệnh, nhưng những tế bào này vẫn có công dụng giảm mức độ nghiêm trọng. Tuy vậy, vai trò và quãng thời gian hiệu lực chính xác của những “tế bào ghi nhớ” này trong cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa rõ ràng.
Các loại biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng là yếu tố được quan tâm. Các vaccine phòng COVID-19 lưu hành hiện nay được điều chế để đối đầu với một protein gai đặc thù trên virus SARS-CoV-2. Do vậy, ông Mehul Suthar tại Trung tâm Vaccine Emory (Mỹ) cho biết khi xuất hiện biến thể của virus thì vaccine cần được cải tiến để nâng cao hiệu quả.