COVID-19 tại ASEAN hết 21/12: Indonesia trên 20.000 ca tử vong; Thái Lan bùng phát làn sóng dịch mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.829 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 32.000 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 19/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với 20.058 ca tử vong, Indonesia là quốc gia người thiệt mạng vì COVID-19 nhiều thứ 3 châu Á.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt. Trong ngày 21/12, nước này chỉ có 10 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.018 ca bệnh mới, 1 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Malaysia. Ảnh: Straits Times

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 848 ca bệnh mới và 22 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau chuỗi ngày “bình yên” giờ đây nguy cơ bùng phát thành ổ dịch mới khi các ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 32.072 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 238 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.411.314 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.215.340 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Trong khi đó, Timor Leste, Lào và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 21/12.  

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 21/12:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 671,778 +6,848 20,085 +205 546,884
Philippines 461,505 +1,721 8,957 +10 429,207
Myanmar 116,982 +848 2,465 +22 96,685
Malaysia 95,327 +2,018 438 +1 78,393
Singapore 58,432 +10 29   58,287
Thái Lan 5,289 +382 60   4,053
Việt Nam 1,414 +1 35   1,269
Campuchia 363 +1     345
Brunei 152   3   149
Lào 41       37
Timor-Leste 31       31
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 19/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan xác nhận thêm 382 ca mắc COVID-19, trong đó có 360 trường hợp là các lao động nhập cư người Myanmar có liên quan đến ổ dịch tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon gần thủ đô Bangkok. Như vậy, số ca lây nhiễm liên quan đến chợ hải sản này đã tăng lên 821 ca, trong đó hầu hết không biểu hiện triệu chứng.
Số lượng các ca mắc mới COVID-19 có nguồn gốc từ khu chợ hải sản ở tỉnh trên đang tăng lên trong bối cảnh nhà chức trách Thái Lan thực hiện nhiều xét nghiệm hơn đối với lao động nhập cư từ Myanmar.

Trước đó, Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiatiphum Wongrajit nhận định số lượng các ca COVID-19 dự kiến sẽ tăng trong những ngày tới khi có kết quả xét nghiệm đối với người lao động tại chợ hải sản nói trên. Theo ông, nhà chức trách đang xét nghiệm 10.000 lao động người Myanmar và số lượng xét nghiệm sẽ tăng lên 40.000 nhằm khống chế sự bùng phát của dịch COVID-19 ở tỉnh Samut Sakhon. Giới chức y tế Thái Lan cho rằng đợt bùng phát mới này xuất phát từ cộng đồng người Myanmar làm việc tại chợ hải sản - nơi chỉ có 10% lực lượng lao động là người Thái Lan, đồng thời hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trong vòng 4 tuần, với điều kiện tỷ lệ lây nhiễm vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 19/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện gần như toàn bộ tỉnh Samut Sakhon đang thực thi lệnh phong tỏa. Nhà chức trách địa phương đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22h00' đêm hôm trước đến 5h00' sáng hôm sau cùng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại từ ngày 19/12/2020 đến ngày 3/1/2021. Các trường học, sân vận động phải tạm đóng cửa, trong khi các cửa hàng tiện lợi cũng tạm nghỉ trong thời gian giới nghiêm. Các nhà hàng chỉ được phép bán đồ ăn mang đi. Người dân ở tỉnh Samut Sakhon cũng không được phép ra khỏi tỉnh trong thời gian này và không có lao động nhập cư hoặc người nước ngoài nào được đến tỉnh này. Ước tính, việc phong tỏa tỉnh Samut Sakhon do COVID-19 sẽ khiến tỉnh này thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ baht (khoảng 33,3 triệu USD) mỗi ngày.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời khẳng định chính phủ chưa có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng hơn. Phát biểu với báo giới, ông cho biết chính phủ sẽ theo dõi tình hình trong vòng một tuần trước khi đưa ra biện pháp tiếp theo.

Trong khi đó, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) vừa thông báo hủy tất cả các sự kiện đếm ngược mừng Năm mới 2021 sau khi phát hiện các ca COVID-19 mới ở thủ đô và các tỉnh lân cận. Những sự kiện nếu muốn được tổ chức sẽ phải xin phép. Ngoài ra, BMA cũng đang đề nghị người dân làm việc tại nhà trong vòng 14 ngày và các trường học cân nhắc đóng cửa từ ngày 22/12 đến ngày 4/1/2021 để phòng tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19.

Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Thái Lan là 5.289 ca, trong đó có 60 trường hợp không qua khỏi.    

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia, ngày 30/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Do tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, giới chức Indonesia và Myanmar đã tăng cường các biện pháp hạn chế để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong dịp nghỉ lễ cuối năm 2020 và năm mới 2021. Trong khi đó, nhờ các biện pháp kiểm soát hiệu quả giúp giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, giới chức Trung Quốc hiện dành chú ý đặc biệt tới nguy cơ lây lan dịch bệnh từ thực phẩm đông lạnh.

Ngày 21/12, chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia đã gia hạn giai đoạn chuyển tiếp các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn thêm 2 tuần, đến ngày 3/1/2021. Động thái trên được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ số ca mắc bệnh tăng mạnh trong dịp lễ Noel và kỳ nghỉ cuối năm.

Trong thông báo mới, Thị trưởng Jakarta - Anies Baswedan nêu rõ giới chức sẽ giám sát và kiểm soát hoạt động đi lại của người dân để hạn chế lây nhiễm, cả từ các địa phương bên ngoài vào Jakarta và ngược lại. Vì vậy, người dân, đặc biệt là các gia đình tại Jakarta, cần hạn chế đi lại, tổ chức các hoạt động nghỉ lễ ngoài trời, đặc biệt là ngoài thủ đô. Jakarta có khoảng 10 triệu dân và hiện đang là tâm dịch của Indonesia với 163.111 ca bệnh tính đến ngày 20/12.

Chú thích ảnh
Trang trí chào đón Giáng sinh tại Yangon, Myanmar, ngày 10/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Myanmar đã đóng cửa các khu vườn sinh thái, công viên và hồ tại thành phố Yangon nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan dịp nghỉ lễ cuối năm trong bối cảnh giới chức thành phố lớn nhất tại Myanmar đang nỗ lực bảo vệ những thành quả kiểm soát dịch bệnh đạt được trong thời gian qua.

Theo đó, công viên Mahabandula, hồ Inya và nhiều địa điểm vui chơi ngoài trời thu hút đông đảo người dân của thành phố đều đã tạm ngừng hoạt động. Giới chức lo ngại dịp nghỉ lễ cuối năm nay, người dân sẽ đổ ra đường nhiều hơn sau một năm bí bách vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh và các biện pháp hạn chế.

Hiện Myanmar mới bước đầu kiểm soát được dịch bệnh nên giới chức đặc biệt lo ngại nguy cơ lây lan trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Tính đến ngày 21/12, Myanmar ghi nhận khoảng 116.000 ca bệnh, trong đó có 2.443 ca tử vong, chủ yếu xuất hiện trong đợt bùng phát dịch bệnh hồi tháng 8 vừa qua. Gần đây, Myanmar mới khống chế được số ca bệnh ở mức trung bình 1.113 ca/ngày.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thế giới ghi nhận trên 77,2 triệu ca mắc COVID-19
Thế giới ghi nhận trên 77,2 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 21/12 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 77.274.430 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.701.797 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 54.208.760 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN