Thế giới ghi nhận trên 77,2 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 21/12 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 77.274.430 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.701.797 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 54.208.760 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch với 18.267.579 ca nhiễm và 324.869 ca tử vong. Đứng thứ hai trên thế giới là Ấn Độ với 10.056.248 ca nhiễm và 145.843 ca tử vong. Tuy nhiên, với số ca nhiễm theo ngày hiện chỉ ở mức 30.000-40.000 ca/ngày, quốc gia Nam Á này được coi là đang khống chế tốt dịch COVID-19. Đứng thứ ba thế giới là Brazil với 7.238.600 ca nhiễm và 186.773 ca tử vong.

Tại châu Âu, sau khi Anh phát hiện một biến thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc, đến nay ngoài những trường hợp phát hiện ở Anh, Đan Mạch ghi nhận 9 ca, Italy 1 ca, Hà Lan 1 ca và Australia 2 ca mắc biến thể mới VUI-2020/12/01. Trong bối cảnh biến thể thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng loạt các nước châu Âu, châu Á đồng loạt tuyên bố đóng cửa biên giới và cấm bay đến và từ nước Vương quốc Anh.

Trong khi đó, tại châu Á, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh liên quan tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện các nước chưa có kế hoạch gấp rút hủy các chuyến bay đến và đi từ "đảo quốc sương mù".

Trong thông báo ngày 21/12, Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét các biện pháp phòng ngừa đối với các chuyến bay đến từ Anh và sẽ tiến hành xét nghiệm hai lần đối với hành khách nhập cảnh từ Anh trước khi họ hoàn thành cách ly. Hiện Hàn Quốc áp dụng quy định bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ nước ngoài.

Tại Nhật Bản - vốn đã cấm hành khách đến từ Anh nhập cảnh, khẳng định sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các quốc gia khác cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để theo dõi cách thức lây lan của virus biến thể này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Ấn Độ, truyền thông đưa tin một ủy ban chính phủ nước này phụ trách giám sát đại dịch COVID-19 đã nhóm họp trong ngày 21/12 để thảo luận về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Song chưa rõ khi nào Ấn Độ sẽ tạm dừng đình các chuyến bay đến từ Anh. Hiện Anh là một trong số 23 quốc gia mà Ấn Độ ký thỏa thuận "bong bóng du lịch", cho phép hành khách giữa hai nước đi lại bằng đường hàng không mà không bị cách ly y tế.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nỗ lực triển khai vaccine phòng COVID-19 đang được đẩy nhạn tại nhiều nước. Ngày 21/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã tiến hành đánh giá vaccine phòng COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, trước khi bắt đầu tiêm phòng trên toàn châu Âu trong vòng một tuần tới.

Nếu được EMA cấp phép, vaccine này còn cần được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua, dự kiến vào ngày 23/12. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã ấn định thời điểm bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn châu Âu ngay sau lễ Giáng sinh, trong khoảng từ ngày 27-29/12. Theo đó, các sinh viên y khoa, bác sĩ về hưu, dược sĩ và binh sĩ sẽ được huy động tham gia vào chương trình tiêm chủng quy mô chưa từng có này. Chương trình sẽ được thực hiện theo giai đoạn, trong đó các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão là nhóm đối tượng được ưu tiên đầu tiên. Dự kiến nhanh nhất cũng phải đến cuối quý I/2021, chương trình này mới được triển khai rộng khắp đến cộng động.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine, EU đã chấp nhận mức giá 15,5 euro (18,9 USD) cho mỗi liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Theo một tài liệu nội bộ của EU, mức giá trên được đưa ra cho hợp đồng cung ứng 300 triệu liều vaccine và thấp hơn mức 19,5 USD/liều mà Mỹ đồng ý trả cho lô 100 triệu liều vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech.

Một thông tin khiến nhiều người lo ngại là Trung Quốc thông báo ghi nhận virus SARS-CoV-2 trên các mẫu bao bì nhập khẩu. Theo đó, giới chức y tế Trung Quốc thông báo các mẫu thu được trên bao bì của sản phẩm thịt bò đông lạnh nhập khẩu tại huyện Trung Mưu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Cơ quan phòng, chống dịch bệnh thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, cho biết lô thịt bò, có bao bì nhiễm virus SARS-CoV-2, được nhập khẩu từ Argentina và vận chuyển đến huyện Trung Mưu hôm 19/12. Cơ quan này cũng cho biết thêm một mẫu khác được lấy từ một container hàng cũng cho kết quả tương tự.

Hiện các sản phẩm này chưa được phân phối ra thị trường và đã được niêm phong. Các cơ sở lưu trữ, phương tiện liên quan và môi trường xung quanh đã được khử trùng. Nhà chức trách cũng đã bắt đầu điều tra dịch tễ học.

Phương Hoa (TTXVN)
Nhiều nhân viên mắc COVID-19, Amazon đóng cửa 1 nhà kho ở New Jersey, Mỹ
Nhiều nhân viên mắc COVID-19, Amazon đóng cửa 1 nhà kho ở New Jersey, Mỹ

Tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon ngày 20/12 cho biết đã đóng cửa một trong những nhà kho của hãng tại bang New Jersey của Mỹ cho đến ngày 26/12 sau khi có ngày càng nhiều nhân viên mắc COVID-19 mà không có triệu chứng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN