Trong ngày 20/6, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Indonesia với 13.737 ca. Tiếp đó là Philippines với 5.803 ca, Malaysia với 5.293 ca, Thái Lan với 3.682 ca, Campuchia với 659 ca, Việt Nam với 311 ca, Singapore với 11 ca và Lào với 3 ca.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (371 ca), Philippines (84 ca), Malaysia (60 ca), Thái Lan (20 ca) và Campuchia (17 ca).
Indonesia ghi nhận ngày có số ca nhiễm cao nhất kể từ cuối tháng 1/2021
Indonesia ngày 20/6 ghi nhận 13.737 ca mắc COVID-19 mới, mức tăng cao nhất trong 1 ngày kể từ ngày 30/1/2021. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận gần 2 triệu ca nhiễm.
Ngoài số ca nhiễm nói trên, trong ngày 20/6, Indonesia đã có thêm 371 ca tử vong do COVID-19. Đây cũng là ngày Indonesia có số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 54.662 ca.
Riêng tại thủ đô Jakarta đã ghi nhận thêm 5.582 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ tư liên tiếp thủ đô của Indonesia phá vỡ kỷ lục với hơn 4.000 ca mắc mới mỗi ngày. Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19, Jakarta đã ghi nhận 4.144 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hôm 17/6, 4.737 ca hôm 18/6 và 4.895 ca hôm 20/6, cao hơn mức đỉnh cũ ghi nhận hôm 7/2. Tính đến nay, thành phố thủ đô của Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 474.029 ca mắc COVID-19, trong đó 435.904 ca đã phục hồi và 7.768 ca tử vong.
Trưởng Bộ phận Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Sở Y tế Jakarta, bà Dwi Oktavia cho biết sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 ở Jakarta lần này xuất phát từ làn sóng người dân đổ về quê nhân dịp lễ xả chay Eid al-Fitr cuối tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, tính đến ngày 20/6, tỷ lệ sử dụng giường cách ly để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại khu vực Jakarta đã lên tới 87%, trong khi tỷ lệ lấp đầy giường áp lực âm sắp chạm ngưỡng 90%.
Cũng trong ngày 20/6, Indonesia đã nhận thêm 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac - lô vaccine thứ 17 mà quốc gia này nhận được từ trước đến nay.
Theo Tổng thư ký Bộ Y tế Indonesia, Oscar Primadi, với 10 triệu liều vaccine này, đến nay Indonesia đã có tổng cộng 104.728.000 liều vaccine ngừa COVID-19, bao gồm 94.500.000 liều Sinovac, 2.000.000 liều Sinopharm và 8.228.000 liều AstraZeneca. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm luôn đảm bảo hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 cần thiết để thực hiện chương trình tiêm chủng cho 181,5 triệu người Indonesia. Việc mua sắm được thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau như các nỗ lực song phương, đa phương, trong khi tiếp tục phát triển nguồn vaccine trong nước.
Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 19/6, nước này có tổng cộng 12,2 triệu người đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và 22,8 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên.
Malaysia đóng cửa hơn 100 nhà máy vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh
Từ ngày 1-19/6, Đội đặc nhiệm giám sát hoạt động Malaysia đã kiểm tra 510 nhà máy, trong đó 113 nhà máy bị yêu cầu đóng cửa vì vi phạm Trình tự Vận hành tiêu chuẩn (SOP).
Ngày 20/6, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết kể từ ngày 14/1 (sau khi ban bố Tình trạng khẩn cấp), các lực lượng chức năng Malaysia đã kiểm tra 24.942 nhà máy. Tới ngày 19/6 đã yêu cầu đóng cửa 167 nhà máy và 17 cơ sở phi công nghiệp. Trong giai đoạn thực thi lệnh phong tỏa toàn diện từ 1/6 tới nay, Chính phủ Malaysia đã triển khai chiến dịch giám sát hoạt động nhằm bảo đảm các nhà máy và cơ sở thương mại tuân thủ nghiêm chỉnh SOP. Bất cứ ai bị phát hiện vi phạm SOP đều bị nghiêm trị. Từ ngày 1-19/6, Đội đặc nhiệm giám sát hoạt động Malaysia đã kiểm tra 510 nhà máy, trong đó 113 nhà máy bị yêu cầu đóng cửa.
Đối với cá nhân, ông Ismail cho biết ngày 19/6, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 852 người vi phạm SOP, bao gồm 821 người bị phạt và 31 người bị giữ lại để điều tra thêm. Trong số những người vi phạm này có 175 người không duy trì giãn cách xã hội, 143 người không đeo khẩu trang, 129 người không quét hoặc đăng ký dữ liệu trước khi vào cửa hàng… Ngoài ra, để kiểm tra việc thực hiện SOP, ngày 19/6, quân đội và cảnh sát đã thiết lập 957 rào chắn trên cả nước.
Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-28/6. Các chuyên gia y tế của nước này dự báo, số ca mắc mới có thể sẽ tăng tới 13.000 trường hợp mỗi ngày nếu Chính phủ Malaysia không áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện.
Thái Lan tiếp nhận 1 triệu liều vaccine của hãng Sinopharm
Học viện Hoàng gia Chulabhorn của Thái Lan ngày 20/6 cho biết lô vaccine Sinopharm ngừa COVID-19 đầu tiên gồm 1 triệu liều đã đến sân bay Suvarnabhumi từ Bắc Kinh.
Học viện Hoàng gia Chulabhorn cho biết 1 triệu liều vaccine Sinopharm này sẽ được gửi tới Cục Y khoa để kiểm tra chất lượng. Vaccine Sinopharm sẽ được phân phối cho các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 ngày 23-24/6 và việc tiêm chủng sẽ bắt đầu vào 25/6.
Trước đó, Tổng Thư ký Học viện Hoàng gia Chulabhorn, Tiến sĩ Nithi Mahanonda, đã đảm bảo trên trang Facebook cá nhân rằng số vaccine nói trên sẽ dần được chuyển giao cho tất cả các tổ chức đã nộp đơn xin mua. Ông Nithi cảnh báo rằng tổ chức xin mua không được bán lại vaccine để thu lợi nhuận, trong trường hợp vi phạm thì sẽ phải đối mặt với mức phạt gấp 20 lần giá mua vaccine.
Chính phủ Thái Lan đã mua hoặc đăng ký mua 105,5 triệu liều vaccine, trong đó có 61 triệu liều AstraZeneca, 19,5 triệu liều Sinovac, 20 triệu liều của Pfizer-BioNTech và 5 triệu liều của Johnson & Johnson. Thái Lan cũng sẽ đặt hàng thêm 28 triệu liều vaccine từ Sinovac và 22 triệu liều từ các nhà sản xuất khác. Việc Thái Lan tăng cường nhập khẩu vaccine nhằm đối phó với tình trạng lây lan của những biến thể SARS-CoV-2 và nhu cầu tiêm liều vaccine tăng cường thứ ba.
Thái Lan ngày 20/6 ghi nhận thêm 3.682 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 20 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 281.131, trong đó có
Philippines mua 40 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech
Người đứng đầu chương trình mua sắm vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Philippines, ông Carlito Galvez cho biết Chính phủ Philippines đã ký một thỏa thuận mua 40 triệu liều vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất.
Theo ông Galvez, việc chuyển giao vaccine của Pfizer/BioNTech cho Philippines, một trong những loại vaccine phòng COVID-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại quốc gia Đông Nam Á này, sẽ bắt đầu "sau 8 tuần tính từ tháng 8".
Bộ Y tế Philippines thông báo đã phát hiện 5.803 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.359.015 trường hợp. Tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Philippines cũng đã lên tới 23.621 người, sau khi có thêm 84 trường hợp tử vong công bố ngày 20/6.
Cho đến nay, Philippines, quốc gia có dân số hơn 110 triệu người, đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 13 triệu người kể từ khi dịch bệnh xảy ra từ tháng 1/2020. Chính phủ Philippines đã tiên phòng đầy đủ 2 mũi cho hơn 2 triệu người kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 1/3 năm nay. Giới chức y tế Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 70 triệu người trong năm nay.
Lào chủ động lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao
Để tiếp tục truy vết phát hiện sớm và đưa người mắc COVID-19 đi điều trị, nhà chức trách Lào đang chủ động lấy mẫu xét nghiệm cục bộ ở các khu vực có nguy cơ cao.
Theo đó, Bộ Y tế Lào đã tổ chức lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm tại nhiều khu vực có nguy cơ cao trên toàn thành phố Viêng Chăn vào ngày 19/6 và tất cả đều cho kết quả âm tính.
Ủy ban chuyên trách phòng chống dịch COVID-19 thủ đô Viêng Chăn cũng vừa có thông báo siết chặt quy định phòng dịch trên địa bàn do tình hình dịch bệnh vẫn đáng lo ngại; đồng thời chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh truy vết người bệnh và lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần để có biện pháp điều trị và xử lý kịp thời.
Các cá nhân muốn ra vào thủ đô Viêng Chăn tiếp tục phải xin phép chính quyền, ngoại trừ xe lãnh đạo, cứu hộ, cứu hỏa, xe chuyên trách, vận chuyển vật liệu dự án hoặc người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, người đã được điều trị khỏi COVID-19 và trở về nơi cư trú ở Viêng Chăn.
Bộ Y tế Lào ngày 20/6 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 3 ca nhiễm mới (gồm 2 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh khác), nâng tổng số ca bệnh tại Lào đến nay là 2.053 ca,
Thời gian qua, mặc dù các biện pháp phòng dịch đã được thực hiện tương đối tốt nhưng Lào vẫn ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn, trong bối cảnh biến chủng mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh ở các nước láng giềng. Bên cạnh đó, tình trạng người dân chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch khiến dịch bệnh vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.
Trước tình hình trên, ngày 19/6, Lào đã quyết định gia hạn chỉ thị số 15/TTg ra ngày 21/4 của Thủ tướng Lào, tiếp tục kéo dài thời hạn phong tỏa đến ngày 4/7 để ngăn làn sóng COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành. Tuy nhiên, để giảm tác động của dịch bệnh đến kinh tế và đời sống, Chính phủ Lào đã xem xét nới lỏng thêm một số quy định để hỗ trợ phục hồi một số lĩnh vực kinh tế.