Điểm khác biệt ở hai quốc gia có chiến lược tiêm vaccine COVID-19 thành công

Israel và Anh đều là hai quốc gia đi đầu thế giới về tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Nhưng khi Israel đang dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch thì Anh lại ghi nhận số ca mắc gia tăng đáng kể.

Chú thích ảnh
Tỷ lệ người dân trong độ tuổi 20-29 tiêm đủ 2 liều vaccine ở Israel cao hơn nhiều so với ở Anh. Ảnh: Reuters

Theo trang Guardian (Anh), mặc dù triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt sau Anh vào tháng 12/2020, nhưng Israel sau đó đã tăng tốc và tiến đến cột mốc quan trọng vào ngày 15/6, với việc dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, một trong những biện pháp phòng dịch COVID-19 cuối cùng ở nước này.

Sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 nhanh nhất thế giới, đất nước 9 triệu dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech cho hơn một nửa dân số. Cuộc sống hàng ngày ở Israel gần như hoàn toàn trở lại trạng thái trước thời kỳ đại dịch. Các cửa hàng, quán ăn, khách sạn, buổi hoà nhạc và rạp chiếu phim đều đã mở cửa lại.

Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, trong 24 giờ qua, Israel chỉ ghi nhận 22 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc của nước này lên trên 839.000 ca. Trong tháng qua, Israel cũng chỉ có gần 20 ca tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, Anh đã ghi nhận trên 10.400 ca mắc mới trong 24 giờ qua, với tổng số ca mắc vượt ngưỡng 4,6 triệu ca. Hôm 14/6, Chính phủ Anh đã phải tuyên bố hoãn nới lỏng các biện pháp thêm 4 tuần vì lo ngại biến chủng virus mới.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng mạnh các ca mắc COVID-19 ở Anh. Biến chủng Delta có khả năng lây lan hơn 60%, gây ra bệnh nặng và có khả năng kháng vaccine cao hơn so với biến thể Alpha (Anh). Trên 90% bệnh nhân COVID-19 ở Anh hiện nay đều nhiễm biến chủng Delta.

Chú thích ảnh
Người dân Israel tại một nhà hàng ở Tel Aviv vào tháng trước. Ảnh: Reuters

Sự khác biệt rất lớn ở hai quốc gia - không chỉ về quy mô dân số mà còn về hành vi văn hoá, khả năng tiếp cận vaccine, mật độ dân cư và sự hoài nghi với vaccine - khiến cho việc so sánh tỷ lệ tiêm chủng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng của Israel và Anh không quá chênh lệch. Ở Israel, 60% dân số đã được tiêm một liều vaccine và gần 57% đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng ở Anh lại cao hơn một chút, với 62% dân số đã tiêm liều đầu tiên và 44% số đã tiêm liều thứ 2. 

Ông Oliver Geffen - nhà dịch tễ học người Israel, từng làm việc cho Đại học Hoàng gia London và Dịch vụ Y tế Công cộng Anh - cho biết điều quan trọng là phải phân tích dữ liệu kỹ càng hơn.

“Hai điểm khác biệt chính giữa hai quốc gia này đó là Israel có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine cao hơn nhiều và tỷ lệ này được phân bổ đều hơn trong dân chúng”, ông nói và cho biết tại Israel, 77% người dân trong độ tuổi 20-29 đã tiêm đủ liều thứ 2. Trong khi ở Anh, con số này chỉ gần 15%.

“Điều này có thể là nguyên nhân dịch bùng trở lại. Ca bệnh gia tăng gần đây ở Anh chủ yếu tập trung ở những người dưới 39 tuổi và tôi đặc biệt lo ngại về lây lan virus SARS-CoV-2 trong các trường học”, ông Geffen nói. 

Ông nhận định rằng biến chủng Delta xuất hiện ở Anh cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh gần đây ở nước này.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông nghỉ ngơi sau khi tiêm liều thứ hai của vaccine Pfizer ở Bnei Brak, Israel.
 Ảnh: AP

Mặc dù Israel có số ca mắc thấp, nhưng các biến chủng virus mới cũng đã cản trở nỗ lực của họ. Quốc gia Trung Đông này đã có đợt gia tăng ca mắc mạnh nhất hồi tháng 1, ngay cả khi chiến dịch tiêm vaccine đã đạt được hiệu quả tích cực. Các chuyên gia cho rằng sự bùng dịch vào thời điểm đó là do biến thể Alpha lây lan mạnh mẽ.

Quốc gia này đã nhanh chóng phản ứng bằng cách đóng cửa biên giới đối với du khách nước ngoài. Trong khi đó, khi biến chủng Delta nằm ngoài tầm kiểm soát ở Anh, chính phủ nước này đã có hành động chậm hơn trong việc hạn chế đi lại toàn cầu.

Ông Adi Niv-Yionary, chuyên gia về chính sách y tế tại Đại học Tel Aviv, thành viên của ban cố vấn COVID-19 của Bộ Y tế, cho biết quyết định của Anh về việc trì hoãn tiêm liều vaccine thứ 2 cũng có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng toàn quốc của họ.

“Israel đã sử dụng hai liều vaccine Pfizer, đồng thời quốc gia này đã tuân thủ quy trình khoảng cách 21 ngày giữa hai mũi tiêm. Đây không phải là một mối tương quan dựa trên bằng chứng nhưng chúng ta có thể thấy vaccine hoạt động một cách khác biệt",  ông Adi nói.

Một nghiên cứu của Israel cho thấy hai liều vaccine Pfizer đã chứng minh hiệu quả ngăn lây nhiễm hơn 95%, trong khi 1 liều vaccine chỉ có hiệu quả 58%. Tuy nhiên, một nghiên cứu ở Anh cho thấy việc trì hoãn liều thứ 2 thực sự có thể cải thiện khả năng miễn dịch ở những người trên 80 tuổi.

Hải Vân/Báo Tin tức
Làn sóng COVID-19 thứ ba bùng nổ khắp châu Phi
Làn sóng COVID-19 thứ ba bùng nổ khắp châu Phi

Biến thể Delta, lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ, hiện đang càn quét tại 14 quốc gia châu Phi, trong khi chỉ không đầy 1% dân số châu lục này đã tiêm vaccine. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN