COVID-19 tại ASEAN hết 13/2: Philippines có thêm 19 ca mắc biến chủng mới; Tỷ lệ lây nhiễm ở Malaysia tăng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 13/2, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 14.492 ca mắc COVID-19 và 297 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.248.501 ca, trong đó 48.736 người tử vong. 

Tại ASEAN, tình hình COVID-19 nghiêm trọng nhất ở Indonesia. Nước này thông báo ghi nhận thêm 8.848 ca mắc COVID-19 và 280 ca tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong ở nước này lần lượt là 1.210.703 và 32.936. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 của Indonesia trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 13/1 đã diễn ra suôn sẻ, không có vấn đề gì với vaccine Sinovac của Trung Quốc tới nay. Tổng thống Joko Widodo đã được tiêm hai liều vaccine ngày 13/1 và 27/1 và không gặp phản ứng phụ nghiêm trọng.

Tới nay, đã có 1.017.186 nhân viên y tế trong tổng số 1.468.764 người đã tiêm vaccine COVID-19. Trong số người đã tiêm vaccine, có 345.605 người đã tiêm liều thứ hai.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số, tức trên 181 triệu người nhằm xây dựng miễn dịch cộng đồng chống SARS-CoV-2. Nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch là đối tượng được ưu tiên trong chương trình tiêm chủng. Đối tượng tiếp theo sẽ là nhân viên dịch vụ công.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Pondok Cabe, Nam Tangerang, Indonesia ngày 6/2. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà sản xuất vaccine PT Bio Farma của Indonesia cho biết vaccine COVID-19 sẽ được phân phối cho nhân viên dịch vụ công vào cuối tháng 2.

Tới nay, Indonesia đã nhận 28 triệu liều vaccine COVID-19. Nước này đã đặt hàng 125 triệu liều từ công ty Sinovac, 100 triệu liều từ Novavax của Canada, 100 triệu liều từ AstraZeneca của Anh, 60-100 triệu liều từ cơ chế GAVI COVAX. Indonesia cũng đang tự phát triển vaccine trong nước.

Chính phủ Indonesia đã thiết lập các chiến lược để tăng cường xử lý COVID-19 bằng cách thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về phòng ngừa dịch bệnh, xây dựng cơ sở cách ly trung ương, tăng tốc tiêm chủng, hạn chế di chuyển.

Trong khi đó, đứng thứ hai về số ca mắc ngày 13/2 là Malaysia. Malaysia có thêm 3.499 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm lên 261.805. Tổng số người tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này là 958 sau khi có thêm 5 ca tử vong trong ngày 13/2.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/2/2021. ảnh: THX/TTXVN

Quan chức Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, cho biết tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 của nước này đã tăng nhẹ lên 0,91. So với ngày trước đó, chỉ số lây nhiễm đã tăng 0,03 điểm. Tỷ lệ lây nhiễm dưới 1 cho thấy dịch bệnh đang suy giảm và cuối cùng sẽ ngừng hẳn.

Khu vực Melaka ở Malaysia vẫn có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất nước là 1,09. Tiếp đó là Penang và Kedah với 1,06.

Trước đó, ông Noor Hisham cho biết lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) đang có tác dụng trong làm giảm tỷ lệ lây nhiễm. Ông hy vọng rằng tỷ lệ lây nhiễm ở Malaysia sẽ sớm giảm xuống 0,6 để có thể quản lý được.

Bộ Y tế Philippines cũng thông báo ghi nhận thêm 1.960 ca nhiễm mới và 12 trường hợp không qua khỏi. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 547.255 ca nhiễm, trong đó có 11.507 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tới nay, Philippines đã xét nghiệm COVID-19 cho trên 7,77 triệu trong tổng số 110 triệu dân từ tháng 1/2020. Bộ Y tế nước này đã phát hiện ra 19 ca mắc COVID-19 mới nhiễm biến chủng Anh, nâng tổng số ca mắc biến chủng này lên 44. 

Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết không có đủ bằng chứng để chứng minh biến chủng này lây lan trong cộng đồng. Nước này ghi nhận ca đầu tiên mắc biến chủng Anh vào ngày 13/1.

Ông Butch Ong thuộc Tổ chức Nghiên cứu OCTA cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở khu vực đô thị Manila và cả nước vẫn ổn định quanh mức 1 kể từ tháng 1 cho dù phát hiện thêm biến chủng Anh. Ông Ong kêu gọi cảnh giác sau khi chính phủ có kế hoạch nới lỏng phòng dịch như mở lại các địa điểm giải trí như rạp chiếu phim, bảo tàng, công viên, khu vui chơi tương tác ở khu đô thị Manila và các khu vực khác. Ông Ong cho rằng khu vực đô thị Manila vẫn là tâm dịch ở Philippines.

Trước đó, ngày 12/2, người phát ngôn Tổng thống Philippines Duterte cho biết, chính phủ cho phép mở lại rạp phim, các tụ điểm công cộng nhằm hỗ trợ hồi phục tăng trưởng. Từ một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines đã hứng chịu sự sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất trong năm 2020 do các biện pháp phong toả, hạn chế phòng dịch. 

Tại Thái Lan, nhà chức trách nước này phát hiện thêm 126 ca nhiễm mới, trong đó đa số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này là 24.405 ca, trong đó 80 ca tử vong

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trường Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan đã bị đóng cửa từ ngày 12 tới 28/2 sau khi số ca mắc COVID-19 từ ngày 5/2 trong khu vực trường ở Bangkok tăng lên 20. Đóng cửa tạm thời nhằm mục đích kiềm chế dịch bệnh trong trường đại học này và ngăn chặn gia tăng ca mới trong sinh viên và nhân viên trường.

Trường Đại học Chulalongkorn đã ra thông báo kêu gọi nhân viên và sinh viên không rời nơi ở, tránh tới nơi công cộng. Học tập sẽ diễn ra trực tuyến trong thời gian đóng cửa trường. 

Các nước còn lại có số ca mắc không đáng kể. Myanmar chưa công bố số liệu ngày 13/2.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lần đầu trong 100 ngày, số ca COVID-19 trung bình ngày ở Mỹ dưới 100.000
Lần đầu trong 100 ngày, số ca COVID-19 trung bình ngày ở Mỹ dưới 100.000

Theo kênh CNN, thông tin trên do trường Đại học Johns Hopkins đưa ra ngày 12/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN